Philippines tiếp tục kiện Trung Quốc dù đơn phương

TP - Ngày 20-2, sau khi chính phủ Trung Quốc từ chối theo kiện, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo: Vụ kiện nước này ra tòa án quốc tế “vẫn diễn ra theo phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và tòa trọng tài năm thành viên sẽ được thành lập, dù có hay không có Trung Quốc”.

> Trung Quốc: Đưa tranh chấp biển Đông ra tòa án quốc tế là sai lầm!
> Kiện Trung Quốc về Biển Đông: Philippines không đơn độc

“Yêu sách quá đáng của Trung Quốc là vấn đề cốt lõi của vụ kiện. Philippines vẫn theo đuổi tòa trọng tài - một hình thức giải quyết tranh chấp thân thiện, hòa bình và bền vững mà tất cả các bên liên quan cần hoan nghênh”, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố hôm qua.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, việc khởi kiện Trung Quốc về yêu sách đường lưỡi bò là một phần trong chính sách của Tổng thống Philippines Aquino về biện pháp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình dựa trên luật lệ, phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Ngày 22-1, Philippines tuyên bố kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài theo UNCLOS. Trước những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, không phù hợp với UNCLOS, Philippines mong muốn có được một phán quyết tuyên bố rằng, yêu sách đường lưỡi bò không phù hợp với Công ước và vì thế vô giá trị; xác định xem một số thực thể địa lý mà cả Philippines và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền có phải là đảo, bãi cạn nửa nổi nửa chìm hay bãi chìm không; tạo điều kiện để Philippines thực hiện và hưởng các quyền trong và ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước.

Philippines không yêu cầu trọng tài xem xét bên tranh chấp nào có chủ quyền đối với các đảo mà hai bên cùng tuyên bố. Philippines cũng không yêu cầu phân định ranh giới biển.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giữ quan điểm là tranh chấp trên Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan.

Nhật Bản muốn tránh đụng độ Trung Quốc

Ngày 20-2, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ để tránh sự đụng độ bất ngờ giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Trung Quốc.

Khi gặp Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus, ông Onodera đề nghị Mỹ vận động hành lang Trung Quốc thiết lập cơ chế an toàn hàng hải Nhật-Trung, đặc biệt là đường dây nóng giữa giới chức quốc phòng hai nước càng sớm càng tốt.

Ông Mabus khẳng định Mỹ cam kết thực thi đầy đủ nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ liên quan quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngày 19-2, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Uichiro Niwa cho rằng, quan điểm cứng rắn của Trung Quốc xung quanh tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư sẽ còn kéo dài 1-2 năm nữa.

“Vì nền tảng của chính phủ mới của Trung Quốc còn yếu và họ cần sự ủng hộ của quân đội, nên bắt buộc Trung Quốc phải lớn tiếng với Nhật Bản”, ông Niwa nhận định.

Phương Anh
Theo PhilStar, Kyodo, Sankei, Xinhua

Ấn Độ-ASEAN hợp tác bảo đảm an ninh Biển Đông

Đối thoại thường niên Ấn Độ - ASEAN lần thứ 5 với chủ đề Ấn Độ-ASEAN: Tầm nhìn về đối tác và thịnh vượng, bế mạc tại New Delhi chiều 20-2.

Các đại biểu đã phân tích môi trường an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh mới; an toàn và an ninh hàng hải của các tuyến hàng hải trên Biển Đông; biện pháp hợp tác nhằm giảm nghèo đói; quản lý nguồn nước...

ASEAN-Ấn Độ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, nhất là cùng nhau xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển khu vực, trong đó có vấn đề bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải trên Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các công ước về luật Biển.

Theo Báo giấy