Philippines sẽ triển khai dân quân ở biển Đông?

TP - Hải quân Philippines đang chuẩn bị “cử hơn 200 dân quân đến biển Tây Philippines” để thực hiện các cuộc tuần tra và bảo vệ ngư dân lâu nay bị lực lượng Trung Quốc quấy rối. (Biển Tây Philippines là cách người Philippines gọi biển Đông-PV)
Ngư dân Philippines hoạt động ở bãi cạn Scarborough, ảnh chụp ở thời điểm tháng 4/2017 Ảnh: Reuters

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với tờ Rappler vào hôm 13/10, Phó đô đốc hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo nói lực lượng này đang chuẩn bị triển khai hai đại đội vũ trang dân sự (viết tắt là CAFGU) - mỗi đơn vị khoảng 120 người - đến biển Đông.

Một đại đội sẽ nằm dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh phía Tây của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) và đại đội còn lại do Bộ Tư lệnh phía Bắc của AFP, bảo vệ bãi cạn Scarborough, chỉ huy.
Phó đô đốc Bacordo nói: “Mục đích của việc này là phản ứng với người Trung Quốc, đối phó với lực lượng dân quân biển của họ ở biển Tây Philippines”.

Theo Rappler, ngư dân Philippines là nạn nhân quấy rối của lực lượng hải quân và dân quân Trung Quốc trong nhiều năm. Tuy nhiên, chính quyền của tổng thống Rodrigo Duterte hầu như chỉ sử dụng các phản đối ngoại giao khi những cáo buộc về chuyện quấy rối này xuất hiện.
Một vụ quấy rối bùng phát lên đỉnh điểm vào ngày 9/6/2019, khi một tàu đánh cá Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines sau đó bỏ rơi 22 thuyền viên trôi trong nước lạnh, làm dấy lên tranh cãi về liên minh do Tổng thống Rodrigo Duterte xây dựng với Bắc Kinh. (Số ngư dân Philippines này sau đó được một tàu cá Việt Nam cứu sống-PV).

Ngày triển khai lực lượng dân quân vẫn chưa được ấn định, vì trước tiên họ sẽ trải qua quá trình huấn luyện của hải quân, tờ báo Philippines cho hay.

Theo phó đô đốc Bacordo, sau khóa huấn luyện, dân quân được trang bị thuyền máy và súng trường trước khi được triển khai. Bên cạnh việc bảo vệ ngư dân, lực lượng dân quân sẽ có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát để thu thập thông tin hữu ích cho quân đội Philippines.

Việc triển khai dân quân để bảo vệ ngư dân cũng sẽ cho phép hải quân Philippines tập trung nỗ lực vào việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

Phó đô đốc Bacordo thừa nhận 240 vẫn là một con số nhỏ, nhưng ông cho biết nỗ lực này có thể được mở rộng trong tương lai nếu AFP nhận thấy việc này có hiệu quả.


Hải quân Philippines cũng đang nhắm tới việc triển khai 6 đại đội dân quân cho 6 bộ chỉ huy khu vực của AFP, nhưng họ đang ưu tiên các bộ chỉ huy giám sát biển Đông.


Tuy nhiên, không phải ai ở Philippines cũng đồng ý với ông Barcodo. Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros hôm thứ Tư đã lên tiếng phản đối kế hoạch trang bị vũ khí cho ngư dân, theo tin của CNN.


Hontiveros cho rằng không nên biến ngư dân thành lực lượng vũ trang dân sự, vì việc trang bị vũ khí cho họ có thể chỉ khiến hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc quấy rối thêm. Bắc Kinh đã duy trì sự hiện diện ở Biển Đông đang tranh chấp, bao gồm các khu vực mà Manila chiếm đóng.
“Nếu ngư dân nhắm mục tiêu vào Trung Quốc”, nữ nghị sỹ Hontiveros nói tại cuộc thảo luận tại nghị viện liên quan đến hoạt động của AFP. “Họ có thể bị Trung Quốc nhắm mục tiêu nhiều hơn nữa. Không chỉ một ngư dân có nguy cơ mất mạng”.


Bà Hontiveros cho rằng, thay vào đó chính phủ nên tăng cường sức mạnh cho hải quân và cảnh sát biển Philippines để họ có thể bảo vệ ngư dân.


“Các lực lượng đó sẽ hộ tống ngư dân của chúng ta đến các khu vực tranh chấp để họ có thể đánh bắt cá tự do, không bị quấy rối và bắt nạt, đặc biệt là bởi Trung Quốc”.


Nhưng phó đô đốc Bacordo nói đã có một số đơn vị của CAFGU vừa được chuyển từ quyền kiểm soát của lục quân sang hải quân để họ có thể được triển khai tới biển Đông. AFP cũng có một khoản ngân sách để tuyển mộ dân quân, ông nói.


Lực lượng dân quân biển sẽ tuần tra ở biển Đông, đặc biệt là khu vực bãi cạn Scarborough. Philippines đã mất quyền kiểm soát đối với khu vực này này sau sau một cuộc đối đầu với Trung Quốc vào năm 2012, khiến Manila phải đệ đơn kiện lên trọng tài quốc tế.

Vào năm 2016, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết có lợi cho Philippines, công nhận các quyền chủ quyền của nước này đối với các khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc tranh chấp.