Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa, nổi danh với bút danh Hai Cù Nèo, là chồng của nhà thiết kế Minh Hạnh, vừa qua đời lúc 22h25 ngày 25/7 sau thời gian dài chống chọi với bạo bệnh.
Từ cuối năm ngoái, tôi đặt lịch phỏng vấn Lê Văn Nghĩa ở TPHCM, nhưng vì nhiều lý do, cuộc gặp cứ gác đó. Tôi đinh ninh, để qua đợt dịch này nhất định phải gặp ông, vì mấy tháng nay bạn bè nói ông yếu rồi. Cho đến khi tôi nhận tin nhắn từ một người bạn chung: anh Hai vừa đi!
Trước đó, chỉ biết Lê Văn Nghĩa là chồng nhà thiết kế Minh Hạnh, là anh Hai Cù Nèo, chủ biên của tờ Tuổi trẻ Cười gắn bó suốt mấy năm sinh viên với tôi. Mãi đến khi tôi vào TPHCM lần đầu cách đây gần hai chục năm, hỏi một nhóm nhà văn người địa phương đi ăn hàng (đồ ăn vỉa hè) thì quán nào ngon, người chỉ Đông, người chỉ Tây, cuối cùng một người bốc máy hỏi Lê Văn Nghĩa.
Những chỉ dẫn của ông về quán bún mắm, bún riêu, về bánh mì bì, hủ tiếu gõ... đến giờ vẫn là những địa chỉ ruột của tôi mỗi lần vào TPHCM. Sau quen hơn, mới biết, Lê Văn Nghĩa còn là một "ma xó" của thành phố này. Ngoài thói quen quan sát, ghi nhớ của người viết, lượng thông tin khổng lồ mà ông rất hào phóng chia sẻ có lẽ còn liên quan đến thói quen sưu tập sách cổ và máy nghe nhạc, băng đĩa cũ của ông. Tủ sách của Lê Văn Nghĩa có rất nhiều đầu sách quý, hiếm mà chúng tôi thường hay đùa, khi túng thiếu bán đi một cuốn là rủng rỉnh tiền bia hơi vỉa hè vài năm.
Lê Văn Nghĩa yêu Sài Gòn như kiểu của những “cao bồi già” yêu phố cổ Hà Nội. Mỗi ngóc ngách của Sài Gòn, mỗi hàng quán xưa cũ đều có thể là một đề tài ông nói mãi không chán, mãi không hết chuyện. Đối với thành phố quê hương của mình, gần đây Lê Văn Nghĩa từng viết đến ba cuốn sách: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (NXB Trẻ, 2020), Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (NXB Trẻ, 2018), Văn học Sài Gòn 1954 – 1975 những chuyện bên lề (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2020).
Là chủ biên của một bán nguyệt san châm biếm, hài hước, ông có lối nói chuyện khiến người ta “cười đau bụng còn hơn vào Idecaf” (lời một fan của Lê Văn Nghĩa nhận xét về sự hóm hỉnh của ông). Mấy năm nay về hưu, ông không còn làm báo mà chuyên tâm viết văn. Ngay cả khi nằm dưỡng bệnh, Lê Văn Nghĩa cũng không bỏ bút. Đọc xong một tiểu thuyết dịch của Bình Bồng Bột, ông hưng phấn dâng trào viết cả một status dài thòng kêu mọi người: phải đọc. Bài viết của một U70 trẻ trung đến mức Bình Bồng Bột phải cảm thán: chú dùng ngôn ngữ teen còn ác hơn con!
Trong ấn tượng của tôi, ngoài cách nói chuyện hài hước, Lê Văn Nghĩa là người rất nghiêm túc trong công việc. Nếu đã nhận lời đặt bài ông luôn gửi rất đúng hẹn. Thái độ nghiêm túc này còn thống nhất ở tất cả những thú vui của ông. Ngoài chữ, màu vẽ là một đam mê khác của anh Hai Cù Nèo.
Để vẽ chơi, Lê Văn Nghĩa trung niên không ngại kẽo kẹt vác theo hộp màu đi học vẽ sau giờ làm. Trong các cuộc tụ họp, ông cũng thường bị “bắt phải hát”, tôi còn nghe nói Lê Văn Nghĩa từng “lén” đi học thanh nhạc đàng hoàng chứ không phải chỉ hát bằng năng khiếu.
Hai việc đình đám nhất trong thời gian Lê Văn Nghĩa làm chủ biên tờ Tuổi trẻ Cười chính là ông đã sáng tạo ra giải thưởng “Cù nèo vàng” dành cho các nghệ sĩ cống hiến trên lĩnh vực sân khấu và giải “Trái cóc xanh” nhằm phê phán những hiện tượng chưa đẹp trong năm.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Sài Gòn. Ông làm việc ở báo Tuổi trẻ từ năm 1975-2015.
Cả một đời gắn liền với nghiệp viết, Lê Văn Nghĩa xuất bản rất nhiều tác phẩm. Tác phẩm sớm nhất của ông là Vượt sóng (1986) - tập truyện ký kể lại những tháng ngày trong nhà tù Côn Đảo, tiếp theo là các tác phẩm:
Thằng láu cá (1989), Vua lừa (1990), Ôi bóng đá (1990), Hoa hậu phường Cây Mít (1991), Đám cưới nàng Thanh Mã (1991), Nô tế bồ (1994), Nếu Adam không có xương sườn (tuyển tập truyện vui cười về phụ nữ dưới con mắt của đàn ông xấu / Lê Văn Nghĩa sưu tầm và bình, 2016),
Sài Gòn - Dòng sông tuổi thơ (tạp văn 2016), Phá án sex-tour (tiểu phẩm trào phúng, 1995), Nhà mùi học (tiểu phẩm trào phúng, 2000),
Bạn đời (truyện ngắn, 2002), Điệp viên 00 thấy (2003), Tùy viên giảm béo (tiểu phẩm trào phúng, 2004), Trùm cá độ (2005), Người bán nụ cười (2006),
Ngôi nhà ma (tập truyện ngắn trào phúng, 2009), Tào lao xịt bộp (tuyển tập truyện trào phúng, 2010), Hạt bụi bên nhau (tập truyện rất ngắn và truyện trào phúng, 2010), Chuyện chán phèo (tuyển tập truyện trào phúng, 2011), Nỗi buồn đàn ông (2017)...