'Phép vua' thua lò sấy cau chui

TP - Một lò sấy cau chui gây ô nhiễm từng bị từng xử phạt xây trái phép, buộc tháo dỡ từ hơn một năm trước tại huyện miền núi Nam Đông (TT-Huế) tuy nhiên, đến nay cơ sở gây ô nhiễm vẫn hoạt động thách thức dư luận.
Khói bẩn dày đặc phả ra suốt ngày đêm từ lò sấy cau chui xây dựng trên đất nông nghiệp

Buộc tháo dỡ… trên giấy

 Mới đây, PV tiếp tục nhận phản ánh của người dân xã Hương Hòa về bức xúc ô nhiễm môi trường, với lượng khói bẩn dày đặc thải ra suốt ngày đêm từ lò sấy cau chui nói trên, gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân quanh cơ sở chế biến chui và vùng lân cận. Người dân cũng viết đơn kêu cứu lên các cấp có thẩm quyền, nhưng hiện chưa cơ quan nào tại TT-Huế chịu đứng ra xử lý dứt điểm. Các cơ quan chỉ đi kiểm tra “cho có”, thậm chí còn đưa ra phương án giải quyết có lợi cho cơ sở xây dựng không phép.

Ông Hồ Chín (ngụ thôn 11 xã Hương Hòa, Nam Đông) phản ánh: “Lò sấy cau gây ô nhiễm kéo dài từ 2 năm nay, xả khói đậm đặc hàng ngày. Chúng tôi nhiều lần viết đơn kiến nghị nhưng không ai đứng ra giải quyết dứt điểm”. Còn ông Trần Văn Hòe (cùng ngụ thôn 11 xã Hương Hòa) bức xúc: “Ô nhiễm khói bẩn xảy ra liên tục. Người đi đường ngang qua lò sấy còn chịu không nổi, huống gì là chúng tôi sinh sống gần đây. Chuyện này xảy ra lâu rồi, không rõ có ai chống lưng mà lò sấy này lại hoạt động lì như vậy”.

Năm 2017, tại tỉnh TT-Huế từng rộ tình trạng ồ ạt thu mua trái cau non, với số lượng không giới hạn một cách bất thường. Hàng chục tấn cau trái non được tập kết về cơ sở hong sấy, chế biến chui gây ô nhiễm môi trường kéo dài, khiến người dân bức xúc được đặt tại xã Hương Hòa, huyện miền núi Nam Đông. Điều đáng nói, hoạt động chế biến cau non lại diễn ra tại cơ sở chế biến xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, tạo “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường không khí, khói bẩn.

Từ phản ánh của dư luận, báo chí, trong năm 2017, cơ sở sấy cau chui tại Nam Đông từng bị UBND huyện xử phạt 40 triệu đồng và buộc phải tháo dỡ hoàn toàn. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, hơn 1 năm lại đây, chính quyền xã, huyện tại Nam Đông lại tiếp tục “ngó lơ” cho cơ sở sấy cau nhiều vi phạm này tiếp tục tồn tại, thậm chí nơi đây còn mở rộng quy mô hoạt động, khiến mức độ ô nhiễm gia tăng.

Phạt để cho tồn tại?

 Theo tìm hiểu của PV, cơ sở sấy cau non không phép tại Hương Hòa có tổng diện tích khoảng 800m2 ,được xây trái phép trên đất nông nghiệp của ông Lương Văn Cao Vũ (thôn 11, xã Hương Hòa). Theo Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Nam Đông, mới đây, đơn vị đã phối hợp với UBND xã Hương Hòa đi kiểm tra, làm rõ vấn đề bức xúc của dân.

Tuy nhiên, theo phản ánh của dân, từ đợt kiểm tra nêu trên, các bên liên quan chưa giải quyết dứt điểm những bức xúc của bà con, mà thậm chí còn trình cấp trên phương án “cho tồn tại” đối với cơ sở sấy cau không phép, song song đề xuất cưỡng chế, dẹp bỏ. Cụ thể, cơ quan chức năng đề xuất giữ nguyên hiện trạng cơ sở chế biến cau khô hiện có; quy định rõ mốc thời gian phải hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan về đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định khác về sản xuất, chế biến kinh doanh theo đúng quy định hiện hành. Trong khi, nhiều người dân địa phương yêu cầu phải thực hiện nghiêm Quyết định số 869 ngày 14/8/2017 của UBND Nam Đông, buộc tháo gỡ toàn bộ phần diện tích công trình xây dựng vi phạm.

Theo ông Phan Gia Điền, Chủ tịch UBND xã Hương Hòa, cây cau hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao cho dân địa phương, lò sấy cũng giải quyết được nhiều việc làm. “Tuy nhiên, huyện Nam Đông và các cơ quan chức năng cần sớm có phương án giải quyết dứt điểm những bức xúc của người dân mà người dân phản ánh. Có như vậy quyền lợi và lợi ích của người dân mới được hài hòa”, ông Điền chia sẻ.

Theo phản ánh của dân, từ đợt kiểm tra, các bên liên quan chưa giải quyết dứt điểm những bức xúc của bà con, mà thậm chí còn trình cấp trên phương án “cho tồn tại” đối với cơ sở sấy cau không phép, song song đề xuất cưỡng chế, dẹp bỏ.