Doanh nghiệp không có công ăn, việc làm
Sáng 17/4, báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm “Gỡ vướng phát triển nhà ở xã hội”. Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình cho biết, hiện nay các quy định của pháp luật về phát triển nhà ở xã hội không có gì khó khăn, thậm chí rất thông thoáng. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông Đường cho rằng, vốn vay chưa quan trọng bằng quỹ đất.
“Vừa rồi, tôi gửi văn bản cho Thủ tướng nêu vấn đề quan trọng nhất để phát triển nhà ở xã hội là phải có đất, còn tiền thì ưu tiên cho người mua vay. Chúng tôi làm nhà ở xã hội thì người dân xếp hàng mua. Chủ đầu tư vay cũng được, không vay cũng được vì làm xong móng thôi người dân đã xếp hàng mua rồi”, ông Đường nói.
Ông Đường thông tin, doanh nghiệp vừa có văn bản gửi nhiều cơ quan chức năng làm sao để UBND thành phố Hà Nội phải công bố quỹ đất làm nhà ở xã hội. “Làm nhà ở xã hội phải ở vị trí phù hợp. Ở Hà Nội làm nhà ở xã hội ở Hoài Đức, Sóc Sơn thì không ai ở”, ông Đường nói. Để tháo gỡ khó khăn, theo ông Đường, điều quan trọng nhất phải thực hiện nghiêm túc Luật Nhà ở. Nếu có quỹ đất, doanh nghiệp có thể ứng tiền giải phóng mặt bằng.
“Doanh nghiệp chúng tôi hơn 1.000 người không có công ăn việc làm, máy móc kéo vào, kéo ra lãng phí vô cùng. Cách đây 2 năm, doanh nghiệp thuộc tốp lớn mạnh nhưng hiện nay trở thành nợ xấu vì không có công ăn, việc làm”, ông Đường cho hay. Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình chia sẻ thêm, trước đây, doanh nghiệp của ông làm dự án chỉ trong vòng 2 tháng ra được giấy phép nhưng hiện nay 2 năm vẫn chưa xong chủ trương đầu tư, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện, doanh nghiệp của ông phải bán các toà nhà để trả lương nhân viên nhưng mới chỉ đáp ứng được 30- 40%.
”Về điều kiện thu nhập để mua nhà ở xã hội, Bộ đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến. Dự thảo nghị định đang đề xuất theo hướng đối với người độc thân có mức thu nhập 15 triệu đồng; đối với hộ gia đình, 2 vợ chồng tổng thu nhập không quá 30 triệu đồng là đủ điều kiện mua. Mức thu nhập này chỉ cần cơ quan nơi công tác xác nhận mà không cần phải ra cơ quan thuế”.
ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản
Ông Trần Mạnh Trung - Giám đốc Ban quản lý dự án nhà ở xã hội Hạ Đình UDIC Ecotower (địa chỉ tại 214 Nguyễn Xiển, Hà Nội) cho biết, dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2020, sau đó điều chỉnh sang năm 2022. Nguyên nhân do UDIC xin tăng quy mô từ 12 tầng lên 25 tầng, tăng số căn hộ, tăng diện tích sàn.
Hiện, UDIC đang cố gắng thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng và sẽ khởi công vào quý IV/2024. Về lý do dự án này chậm thi công, ông Trung thông tin, chủ yếu do phải hoàn thiện các thủ tục về đầu tư xây dựng. “Ví dụ như xin thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, giai đoạn thiết kế…, theo quy định có 10 ngày nhưng chúng tôi làm mất hơn 140 ngày bởi 2 lần nhận được góp ý về những quy chuẩn cần thực hiện”, ông Trung nói.
Cần thay đổi tư duy
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nêu thực tế, tại TPHCM, năm 2022- 2023, khởi công 8 dự án nhà ở xã hội nhưng sau đó không triển khai được vì vướng pháp lý.
“Đây là vướng mắc chung. 70% các dự án bất động sản thương mại vướng pháp lý; 100% dự án xã hội vướng pháp lý, trừ trường hợp nhà nước đấu thầu chọn chủ đầu tư”, ông Châu nêu vấn đề. Đồng tình với quan điểm hiện nay các cơ chế, chính sách về nhà ở xã hội đã có tính khả thi, sát với thực tế hơn, nhưng theo ông Châu, cần quan tâm, xem xét cụ thể một số vấn đề như quy định mức thu nhập khi mua nhà ở xã hội; vấn đề chấp thuận chủ trương đầu tư; ưu tiên nguồn vốn và lãi suất để đầu tư nhà ở xã hội, đặc biệt là giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Chủ trì, lắng nghe ý kiến của các khách mời tại Tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng – Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho rằng, các ý kiến đều rất tâm huyết, nêu ra những tín hiệu khả quan về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội. Việc Bộ Xây dựng đang dự thảo nghị định để thực hiện Luật Nhà ở với nhiều điểm mới là “món quà” với các doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư và những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp rất “mặn mà” với nhà ở xã hội, chứng minh qua con số đăng ký đến hàng nghìn dự án. Nhưng hiện doanh nghiệp gặp khó khi cơ chế tham gia khó khăn. Ông Đính cho biết, tại cuộc họp với Thủ tướng mới đây, Hiệp hội và nhiều chuyên gia đã trao đổi, thống nhất kiến nghị thay đổi quan điểm, tư duy về nhà ở xã hội hay bất cứ dạng nhà chính sách nào là phải có vai trò của nhà nước.
“Doanh nghiệp tham gia vào chương trình nhà ở xã hội như một nhà thầu. Quan điểm của tôi là phải thay đổi tư duy trước mới thay đổi được vấn đề”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ.
Ưu tiên quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội
Giải đáp một số vấn đề được nêu ra tại tọa đàm, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo nghị định về phát triển nhà ở xã hội, dự kiến trình cấp có thẩm quyền trong tháng 5/2024. Theo ông Hưng, nghị định này sẽ có nhiều nội dung mới, trong đó, về trình tự thủ tục đầu tư sẽ được rút ngắn, với những quy định hướng dẫn rất cụ thể, làm cơ sở cho địa phương thực hiện một cách thống nhất.
Ví dụ, chủ đầu tư nhà ở xã hội đương nhiên được miễn tiền sử dụng đất, không phải đi trình xin miễn như trước. Luật Nhà ở và nghị định quy định cũng đã sửa đổi theo hướng, phần đầu tư nhà ở xã hội thì chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận 10%. Với 20% đất làm dịch vụ thương mại, chủ đầu tư được hưởng toàn bộ lợi nhuận phần kinh doanh thương mại này mà không phải hòa chung vào dự án, nên có sự khuyến khích ưu đãi hơn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã quan tâm dành quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội. Cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với 8.600ha để đầu tư phát triển nhà ở xã hội… Trên cả nước đang triển khai 499 dự án, quy mô 411.000 căn hộ.
Ông Sinh cho rằng, Bộ đã lưu ý các địa phương cần quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội rõ ràng, ưu tiên các quỹ đất ở vị trí thuận lợi, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đầu tư. Các địa phương cần bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp để bổ sung quỹ đất làm nhà ở cho công nhân; chủ động giải phóng mặt bằng và đảm bảo quỹ đất sạch cho nhà ở xã hội; thúc đẩy tiến độ các dự án đang triển khai.
Bộ cũng đề nghị các địa phương cải cách thủ tục hành chính, rút gọn thủ tục đầu tư. Với các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng mong muốn tiếp tục tham gia đầu tư nhà ở xã hội; tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. “Tôi ghi nhận các kiến nghị của Tập đoàn Hòa Bình và sẽ có ý kiến với cơ quan chức năng để tìm cách tháo gỡ”, ông Sinh khẳng định.