Phát triển khuyến nông miền biên giới Lạng Sơn

TPO - Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 220 cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở. Họ sát cánh, đồng hành với người dân, khuyến nông viên, đóng vai trò chủ đạo trong việc phổ biến, chuyển giao các kiến thức, kỹ thuật mới hỗ trợ nhà nông sản xuất và phát triển ngành nông nghiệp.

Lạng Sơn là tỉnh biên giới, miền núi, đa phần là người dân tộc sinh sống, canh tác nông nghiệp. Để giúp người dân có cuộc sống ấm no, ổn định, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng nhà nông. Với phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, đơn vị đã triển khai các mô hình đa dạng ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Cán bộ khuyến nông không chỉ tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật mà còn đồng hành hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng 26 mô hình sản xuất với hàng trăm hộ nông dân tham gia, đem lại hiệu quả kinh tế. Điển hình như mô hình: chăn nuôi gà bản địa an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ, chăn nuôi bò vỗ béo, mô hình chăn nuôi cá nheo Mỹ…

Truyền đạt kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cá ở Lạng Sơn.

Để thực hiện các mô hình trên, trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, đồng thời, triển khai hỗ trợ cây, con, giống thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trị bệnh. Trung tâm đã tổ chức thành công 17 chương trình khuyến nông phiên chợ, tư vấn cho trên 300 lượt người, cấp phát tại chỗ hơn 2.685 tờ rơi tuyên truyền phổ biến ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ bệnh cho người dân. Công tác này giúp người dân được giải đáp trực tiếp các thông tin về thị trường, giá cả, tiếp cận các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Tại địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng.

Ông Nông Hồng Bộ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Văn Lãng chia sẻ: Đơn vị chỉ đạo khuyến nông viên thường xuyên đi kiểm tra thực tế các loại cây trồng nhằm phát hiện sâu bệnh, hướng dẫn kịp thời cho người dân cách phòng trừ. Trong năm 2023, chúng tôi đã phối hợp với các ngành chức năng đào tạo 7 lớp dạy nghề cho 230 học viên và 1 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng lạc đỏ cho 106 hộ dân. Thông qua các hoạt động này, người dân được trang bị kiến thức, ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Các Khuyến nông viên hướng dẫn, phát tờ rơi tuyên truyền áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhờ những nỗ lực của cán bộ khuyến nông đã đưa tiến bộ khoa học đến gần với người dân, giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, góp phần tăng năng suất và sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi. Đối với các mô hình khuyến nông sau khi kết thúc, 70% mô hình vẫn được người dân duy trì, thực hiện, góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, khoảng 3 năm trở lại đây, giá trị sản xuất nông nghiệp luôn đạt trên 13 nghìn tỷ đồng.