Yên Thành (Nghệ An):

Phát triển các sản phẩm mang tính thương hiệu đặc trưng vùng miền

TP - Tại huyện Yên Thành (Nghệ An), chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) được tích cực triển khai, giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến nay, toàn huyện Yên Thành đã có 37 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 35 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, tăng 13 sản phẩm so với cùng kỳ năm 2023. Website OCOP huyện Yên Thành tiếp tục được vận hành và hoạt động có hiệu quả. Các sản phẩm OCOP được đưa lên sàn giao dịch điện tử, quảng bá giao thương rộng rãi.

Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN cho hiệu quả khả quan về kinh tế tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm, huyện Yên Thành đã triển khai được 2 mô hình: Mô hình sản xuất một số loại rau củ quả an toàn (cải kate, thảo nhật, cà rốt tím Nhật, dưa lưới) trong nhà lưới; Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gạo Yên Thành.

Một góc thị trấn Yên Thành

Các doanh nghiệp, Hợp tác xã ngày càng đầu tư, áp dụng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư trang thiết bị tự động hóa trong chăn nuôi và đã sớm cho ra đời nhiều sản phẩm OCOP mang đặc trưng của một vùng quê xứ Nghệ: Cam Vinh (xã Đồng Thành, Minh Thành); Ốc bươu đen tại xã Đức Thành; Nấm Sò (Thị trấn); Gà đồi Minh Dư (xã Quang Thành); Bột ngũ cốc cao cấp Lolifood; Bột ngũ cốc bữa sáng tiện lợi Lolifood; Vịt đồng Phú Thành; Lươn ướp Long Thành; Lươn cuộn thịt Long Thành; Rượu ống tre Việt Bảo Thành; Mật ong Đũa Sơn Kim Thành; Mật ong đồi dẻ Bắc Thành, Mã Thành; Gạo Thảo dược Vĩnh Hòa; Bột dinh dưỡng gạo thảo dược Vĩnh Hòa; Bún ngũ cốc dinh dưỡng Sơn Thành; Trà gạo thảo dược Vĩnh Hòa; Hương trầm Xuân Thành; Đèn lồng 1 lớp Thọ Thành. Mở rộng mô hình và nâng cao chất lượng các làng nghề, phát triển số lượng làng nghề.

Các điểm du lịch sinh thái tâm linh thời gian qua đã được huyện Yên Thành quan tâm phát triển: Đền-Chùa Rú Gám (xã Xuân Thành); Điểm du lịch văn hóa tâm linh di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Đền Cả - Chùa Bảo Lâm và Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu, xã Hoa Thành; Điểm du lịch di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành…

Tooàn huyện tiếp tục triển khai thực hện các đề tài khoa học có hiệu quả thiết thực đến đời sống kinh tế xã hội, chuyển dịch theo hướng nâng cao tính ứng dụng. Tiếp nhận và chuyển giao cho nông dân sản xuất các giống lúa chất lượng cao; Lựa chọn và thực hiện các đề tài khoa học trên địa bàn đối với các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - thủy sản. Tiếp tục triển khai thực hiện dự án Khoa học công nghệ xây dựng các hợp tác xã đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh lúa giống theo quy định của pháp luật. Tạo điều kiện để các nhà máy công nghiệp phát triển sản xuất; Phấn đấu để cuối năm đạt các chỉ tiêu sản phẩm theo kế hoạch.

Từ một huyện thuần nông, càng ngày Yên Thành càng nhiều nhà máy mọc lên bên cạnh những đồng lúa tốt tươi

Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thành, giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2024 toàn huyện ước đạt 7.098,92 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,81%, đạt kế hoạch đề ra. Trong đó Ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,90%, công nghiệp - xây dựng tăng 13,21%, dịch vụ tăng 13,68%. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng định hướng: nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 41,27%; công nghiệp - xây dựng chiếm 22,33%; dịch vụ chiếm 36,4%. Thu nhập bình quân đầu người 6 tháng ước đạt 36,25 tr.đ/người, tăng 3,25 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2023.