Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Bộ TN&MT đang tiến hành xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường để phù hợp với pháp luật hiện hành. Trong đó, một số hành vi phạm về bảo vệ môi trường ở nơi công cộng có thể bị “phạt nguội”. Nghị định của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
Nghị định cho phép cơ quan chức năng sử dụng thông tin dữ liệu từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật là máy móc, thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình…thu được do cá nhân, tổ chức tự đầu tư, mua sắm, trang bị để phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cùng với quy định nêu trên, mức xử phạt các hành vi vi phạm môi trường nơi công cộng cũng được đề xuất giảm để tăng tính khả thi, phù hợp với thẩm quyền xử phạt của chiến sỹ công an nhân dân, trưởng công an cấp xã, chủ tịch UBND cấp xã.
Xử phạt xả rác qua hình ảnh không mới, thời điểm năm 2019, UBND quận Hoàn Kiếm đã lắp đặt một số camera ghi hình tại không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, chỉ trong 1 tháng thực hiện (từ tháng 4/2019 đến tháng 5/2019), 6 phường quanh khu vực có phố đi bộ đã xử phạt 13 triệu đồng. Chất lượng vệ sinh môi trường không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được cải thiện rõ rệt. Ý thức các hộ kinh doanh và các hoạt động bán hàng di động được nâng lên thông qua các hình thức tuyên truyền. Tuy nhiên, việc thực hiện xử lý sau thời điểm này không được duy trì.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong lý do là lượng nhân công huy động để xử phạt rất lớn. Riêng khu phố đi bộ Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đã phải tập hợp 14 công nhân để tăng cường ở các chốt camera, đồng thời tăng cường 30 cán bộ từ khối văn phòng hỗ trợ, các thiết bị camera cũng phải bổ sung để ghi hình liên tục, cung cấp cho chính quyền xử lý theo quy định.
Mặc dù có ý định mở rộng việc xử phạt qua camera ra nhiều quận của Thủ đô, nhưng do quy trình xử lý, xác minh người bị xử phạt khó khăn, cùng việc huy động nhiều cán bộ nên việc xử phạt qua camera chỉ áp dụng được trong thời gian ngắn rồi tạm dừng.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: Sử dụng camera phạt nguội là phương án khả thi và cần có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị thông minh để chụp hình, quay phim nhằm phát hiện những hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường và báo cho cơ quan chức năng. Ngoài ra, cần quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương cho các tiêu chí về môi trường, cùng với đó là tuyên truyền để người dân nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao ý thức, phát huy vai trò giám sát của nhân dân.