Thuộc diện hộ nghèo nên năm 2005, anh Dũng quyết định nuôi thỏ, loại động vật ít người nuôi, vốn đầu tư cũng không nhiều và có thể tận dụng được rau thải ở vùng sản xuất rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng để chăn nuôi. Anh dùng cây tre và lưới sắt làm chuồng trại rồi mua 60 con thỏ giống New Zeland về nuôi. Là loài có sức đề kháng yếu mà anh lại chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên thỏ liên tục bị bệnh rồi lăn ra chết hàng loạt.
Không nản chí, anh lên mạng Internet tìm hiểu các biện pháp phòng bệnh, giải mã nguyên nhân khiến thỏ mắc bệnh và cách chữa trị… rồi dồn hết vốn liếng tăng đàn lên cả ngàn con. Đến năm 2007, đàn thỏ bị bệnh xuất huyết truyền nhiễm, lăn ra chết gần hết. Anh ngậm ngùi nhớ lại: tôi làm nệm lót sinh học cho thỏ ở bằng cách rải một lớp trấu, một lớp mùn cưa rồi rắc một lớp men sinh học lên để phân hủy phân và nước tiểu của thỏ. Thế nhưng thỏ vẫn chết như ngả rạ, phải đem tiêu hủy.
Chuồng trại luôn thoáng mát, sạch sẽ
Thấy anh Dũng lâm vào cảnh trắng tay, nhiều người khuyên nên chuyển đổi vật nuôi. Tuy nhiên sau khi nghiền ngẫm một số cuốn sách hướng dẫn chăn nuôi và tham khảo ý kiến của người em đang học chuyên ngành thú y, anh quyết định vay vốn gây lại đàn thỏ. Rút kinh nghiệm những lần trước, anh đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh: Thỏ rất nhạy cảm nên phải thường xuyên dọn vệ sinh chuồng trại, không để tồn phân; phải xịt rửa nền chuồng mỗi ngày hai lần.
“Do sức đề kháng yếu nên thỏ dễ bị ghẻ và mắc các bệnh đường ruột. Nguy hiểm nhất là các bệnh truyền nhiễm khiến thỏ chết nhanh và chết hàng loạt. Bởi thế, chuồng trại phải cao ráo, sạch sẽ; thức ăn, nước uống phải sạch và nhất là không để rau thấm nước”, anh Dũng nói. Bên cạnh hệ thống phân phối nước sạch tự động đến các dãy chuồng, anh còn đầu tư hệ thống quạt làm mát trong mùa nóng và hệ thống sưởi để giữ ấm cho thỏ vào mùa lạnh, đồng thời ngừa bệnh nấm da.
Khâu tiêm phòng cũng được chú trọng: Tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng một lần. Đối với thỏ con, từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán. “Loài vật này dễ mắc bệnh cầu trùng nhưng chỉ cần cân đối lượng thức ăn là thỏ sẽ hết bệnh. Thỏ con sau sinh 30 ngày sẽ được tách mẹ. Đó là thời điểm thỏ con dễ mắc bệnh đường ruột nên phải chú ý đảm bảo thức ăn sạch với liều lượng vừa đủ”, anh chia sẻ kinh nghiệm.
Phát triển đồng cỏ và tự nhân giống thỏ
Sau nhiều năm nuôi thỏ, anh Dũng đúc rút được tỉ lệ “vàng” đối với nguồn thức ăn cho thỏ với 70% cỏ và 30% cám. Anh bảo cho thỏ con ăn dặm thêm cám là tăng nguồn dinh dưỡng để chúng khỏe mạnh, lớn nhanh, đảm bảo chất lượng thịt. Rút kinh nghiệm những lần thất bại trước, anh không cho thỏ ăn rau, cỏ tạp nham (vì sợ dính hóa chất bảo vệ thực vật) mà trồng cả héc ta các loại cỏ Alfalfa và Stylo để có nguồn thức ăn ổn định, an toàn cho thỏ. Mỗi ngày đàn thỏ của gia đình anh chén sạch cả tấn cỏ tươi.
Thị trường có nhiều giống thỏ nhưng anh chọn những giống ngoại nhập và đã được khảo nghiệm thích nghi với cao nguyên Lâm Đồng như California và New Zealand. Anh cho rằng đây là những giống thỏ có khả năng sinh sản tốt, lớn nhanh, nuôi từ 3- 4 tháng là có thể xuất chuồng, đạt trọng lượng từ 2,5- 3 kg, nhiều con nặng tới 4,5- 5 kg, có chất lượng thịt cao, khỏe mạnh, ít bệnh tật.
Những năm gần đây vợ chồng anh Dũng đã phát triển đàn lên 4.000- 4.500 con với diện tích chuồng trại 700m2, lúc cao điểm lên đến 5.000 con. Đàn thỏ nái sinh sản luôn duy trì trên 300 con để cung cấp giống cho trại của gia đình và bán con giống ra thị trường. Sau nhiều lần cải tiến, hiện lồng nhốt thỏ của anh chủ yếu làm bằng chất liệu thép nhúng chì chống gỉ, tuổi thọ cao hơn so với những loại lồng khác. Mỗi con thỏ giống được nuôi trong một ô rộng khoảng 0,5m2, mỗi ô đều được gắn một mã để theo dõi ngày phối giống, màu lông cũng như ngày đẻ của thỏ mẹ.
Vừa bán thỏ thịt vừa cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi ở địa phương và vùng lân cận, mỗi năm trại thỏ của anh Dũng đạt doanh thu cả tỷ đồng. Gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả. Là người xởi lởi, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với người khác nên trại thỏ của anh trở thành điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nông dân trong vùng. Một số trường hợp còn được anh hỗ trợ tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm.
Anh Dũng cho biết sắp tới sẽ đăng ký thương hiệu cho trại chăn nuôi thỏ của mình và nhân đàn lên gấp đôi. Thị trường tiêu thụ không chỉ ở Lâm Đồng mà còn vươn đến TPHCM.