>Bắt giữ một tấn chất tạo nạc tại TP HCM
>‘Không thể kiểm soát hết chất cấm tạo nạc’
Ngày 12-4, thượng tá Đặng Văn Tốt, Phó phòng 6 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) cho biết, sau khi kiểm tra Cty TNHH Napha (Tây Ninh) đã phát hiện một tấn thành phẩm thức ăn cho heo với công dụng được ghi rõ trên bao bì “kích thích tăng trọng, tạo nạc”, chứa chất cấm thuộc nhóm beta-agonist.
Quản lý thị trường huyện Châu Thành (Tây Ninh) hôm qua đã công bố kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn gia súc làm “nở mông, nở vai, chống còi” do Napha sản xuất có chứa chất cấm salbutamol.
Thượng tá Tốt cho biết, mẫu thức ăn “Oni Pigone - siêu chống còi” của Công ty Ô Ni và mẫu thức ăn gia súc quảng cáo “nở mông - bung đùi” của Công ty O.T.A.H cùng ở TPHCM sản xuất đều chứa chất tạo nạc.
Ở Long An, sản phẩm “tạo nạc - bung đùi” của Công ty Cổ phần Dinh dưỡng thú y ANOVET cũng nhiễm chất cấm tạo nạc.
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 12-4, ông Đặng Văn Đức - Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM cho biết, vừa ký quyết định kiểm tra Công ty TNHH Napha chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn.
Trước đó, ngày 11-4, C49B phối hợp với lực lượng QLTT TPHCM kiểm tra cơ sở, lấy mẫu sản phẩm thức ăn chăn nuôi của công ty đưa đi xét nghiệm đã cho kết quả nhiễm chất cấm trong nhóm beta - agonist.
Theo ông Đức, để ngăn chặn sản phẩm chất tạo nạc đến tay người dân, Chi cục đã niêm phong toàn bộ lô hàng nghi ngờ khoảng 1 tấn tại Công ty TNHH Napha.
Theo báo cáo của C49, sau khi lấy mẫu sản phẩm “Gold Protein” đi xét nghiệm, phát hiện có chứa hàm lượng clenbuterol và salbultamol, lực lượng phòng 6 (C49) đã kiểm tra tại Công ty TNHH Hồng Triển (lô 9E, đường C, KCN Tân Tạo, Bình Tân, TPHCM). Sản phẩm của Hồng Triển được đưa đi tiêu thụ ở Bình Dương, TPHCM và Đồng Nai.
Theo thượng Tá Đặng Văn Tốt, bà Trịnh Tú Linh - giám đốc Công ty Hong Triển kiêm Phó giám đốc Công ty TNHH SX Nam Hoa (118/8 Hòa Bình, phường Hòa Thạnh, Tân Phú, TPHCM) thừa nhận, cả hai công ty chuyên nhập khẩu, buôn bán chất bổ sung thức ăn chăn nuôi từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó cung cấp cho nhiều công ty ở các tỉnh miền Tây.
Theo hồ sơ, các công ty như: Công ty Tiêu chuẩn Dinh dưỡng gia súc quốc tế (số 2 Ao Gòn, Tân Lập, Cần Đước, Long An); Công ty TNHH MTV chăn nuôi Tiền Giang (157 Lê Thị Hồng Gấm, Mỹ Tho, Tiền Giang), DN tư nhân Phước Thành (424 ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Thạnh Trung, TP Tân An, Long An) và Cty TNHH thực phẩm dinh dưỡng Vàng (57/2A, KP4, đường Lê Duẩn, Trảng Bom, Đồng Nai) đều sử dụng sản phẩm này.
Ngày 12-4, Bộ NN&PTNT cho biết Gold Protein Peptide (SSI) là “sản phẩm đăng ký và được đưa vào danh mục được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi (TACN), không chứa chất cấm sử dụng”.
Bộ NN&PTNT cho hay, theo hồ sơ đăng ký nhập khẩu nguyên liệu TACN SSI, do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Chăn nuôi Nam Hoa (Quận Tân Phú, TP HCM) đăng ký ngày 20-6-2005 tại Cục Chăn nuôi, SSI là sản phẩm protein của hạt đậu tương đã được thủy phân thành các peptid mạch ngắn giúp vật nuôi dễ tiêu hóa, ngoài ra không chứa chất hoá học nào khác.
Bộ bổ sung mặt hàng này vào “Danh mục TACN, nguyên liệu TACN được nhập khẩu vào Việt Nam” trong đó có SSI.
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, SSI không phải là chất mới, lạ, chất cấm mà có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được phép nhập khẩu vào VN được Bộ NN&PTNT ban hành ngày 2-10-2006 (ảnh nhỏ).
Nhưng khi cho phép nhập khẩu, các cơ quan quản lý lại bỏ ngỏ khâu hậu kiểm nên DN trộn chất cấm vào. Phạm Anh - Hà Nhân