Phát hiện 'quái vật đại dương' sống dưới độ sâu hơn 1.000 m

Các nhà khoa học Mỹ phát hiện loài cá vảy chân mới, sinh vật hiếm thường mệnh danh là quái vật dưới đại dương, sống ở những vùng nước rất tối và có hình thù đáng sợ.
Cá vảy chân Lasiognathus dinema. Ảnh: Tracey Sutton/NSU.

Loài cá vảy chân mới có tên khoa học Lasiognathus dinema. Nhóm chuyên gia Đại học Nova Southeastern tìm thấy chúng trong dòng nước tối ở phía bắc Vịnh Mexico, dưới độ sâu 1.000-1.500 m. Ba cá thể cái được nghiên cứu có chiều dài chưa đầy 10 cm. 

Theo mô tả của chuyên gia Tracey Sutton, cá vảy chân Lasiognathus dinema có miệng rộng và nhiều tua gai nhọn mọc không đều. Chúng trông khá khác biệt so với những loài cá vảy chân từng được phát hiện trước đây, vốn có hình dáng hơi tròn và mập mạp.

Dưới nước sâu, con cá sử dụng khả năng phát sáng từ chiếc "cần câu" mọc trên đầu để thu hút con mồi và kéo chúng lại gần miệng. Khi con mồi bơi lại gần, chúng nhanh chóng sử dụng chiếc miệng lớn để hút và kẹp chặt bằng những chiếc răng dài và nhọn.

Các nhà khoa học cho biết dưới độ sâu hơn 1.000 m, nước lạnh và tối đen như mực, ánh sáng Mặt Trời không thể chiếu xuống và không có loài thực vật nào sinh sôi. Nguồn ánh sáng duy nhất được tạo ra từ những loài cá có khả năng phát quang sinh học. Trong môi trường này, sinh vật tồn tại dựa vào trầm tích hữu cơ chìm xuống dưới đáy và sự cạnh tranh để kiếm thức ăn rất khắc nghiệt.

"Là một nhà nghiên cứu, tôi biết rằng có rất nhiều điều chúng ta có thể tìm hiểu trong các đại dương. Mỗi khi tham gia một chuyến thám hiểm dưới biển sâu, chúng tôi đều có cơ hội nhìn thấy thứ gì đó chưa từng biết đến", UPI dẫn lời Sutton nói, nhấn mạnh sự sống dưới đáy đại dương rất kỳ thú.

Theo Theo VnExpress