Pháp, Đức huỷ kế hoạch gặp ông Putin vì EU 'không muốn đưa mật ong cho gấu'

TPO - Các lãnh đạo EU không thống nhất được quan điểm đối với đề xuất của Pháp và Đức về việc sớm tổ chức gặp thượng đỉnh Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi Ba Lan và các quốc gia Baltic cho rằng sự kiện như vậy sẽ gửi đi tín hiệu sai.
Các lãnh đạo EU bên lề cuộc họp ngày 24/6. (Ảnh: Reuters)

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp ông Putin tại Geneva ngày 16/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng thượng đỉnh đầu tiên của EU với nhà lãnh đạo Nga kể từ tháng 1/2014 sẽ là “một cuộc đối thoại để bảo vệ các lợi ích của chúng ta”. Ông cho rằng EU không thể chỉ đáp trả Nga.

Nhưng sau cuộc họp đến tận đêm muộn ở Brussels, 27 lãnh đạo thành viên EU không thể thống nhất quan điểm, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sáng sớm nay.

“Đó là một cuộc thảo luận rất toàn diện, nhưng không dễ dàng. Không có sự thống nhất nào đạt được sau cuộc gặp của các lãnh đạo”, bà Merkel nói.

Các cuộc gặp thượng đỉnh của EU với Nga kết thúc sau khi Mátxcơva sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào tháng 3/2014 và phương Tây áp lệnh trừng phạt.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz bày tỏ ủng hộ đề xuất của Pháp – Đức, nhưng nhiều lãnh đạo khác phản đối.

“Quan điểm chung của nhiều lãnh đạo là không thay đổi quan điểm với Nga”, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nói sau cuộc họp. Trước đó, ông Nauseda nói rằng ý tưởng đề tổ chức thượng đỉnh với lãnh đạo Nga “không khác gì nhờ gấu bảo vệ hũ mật ong”.

Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nói rằng với đề xuất nay, EU có thể trao thưởng cho Nga dù ngoại giao đã thất bại trong việc chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine.

Thay vào đó, các lãnh đạo EU quay lại với quan điểm xưa nay rằng sẽ áp thêm biện pháp trừng phạt nếu Mátxcơva tiếp tục cái mà EU nói là chính sách phát tán thông tin sai lệch, tấn công mạng và can thiệp để gây chia rẽ trong EU. Nga bác bỏ tất cả những cáo buộc này.

Pháp và Đức muốn hợp tác với Nga trong những vấn đề như biến đổi khí hậu và tìm cách ổn định quan hệ. Bà Merkel nói rằng ngay cả khi không có thượng đỉnh, các cơ chế khác sẽ được tìm ra để khởi động đối thoại.

Nhiều quốc gia EU lo ngại rằng Kremlin không coi khối này ra gì, sau khi quan chức phụ trách đối ngoại EU Josep Borrel bị mất mặt trong chuyến thăm Nga. Nga đã trục xuất các nhà ngoại giao EU khi ông Borel đến Mátxcơva mà không cảnh báo gì.

Theo Reuters