Kiên Giang:

Phấn đấu đến năm 2030, huyện Giồng Riềng thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

TP - Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) phấn đấu đến năm 2030, trở thành huyện có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao trong vùng Tây Sông Hậu và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phấn đấu đến năm 2030, huyện Giồng Riềng trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao Ảnh: Nhật Huy

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang cho biết, qua gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, trong bối cảnh những năm đầu của nhiệm kỳ kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất khan hiếm, ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19…

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo với nhiều cách làm mới, sáng tạo, tạo đột phá để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách căn cơ, bền vững, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt Nghị quyết đề ra (trong 28 chỉ tiêu chính Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện đề ra có 19 chỉ tiêu vượt Nghị quyết; 8 chỉ tiêu đạt 100% Nghị quyết).

Đến nay, toàn huyện có 100% xã được công nhận xã nông thôn mới, 4 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu cuối năm 2024, có thêm 2 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện giữ vững và nâng lên chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới.

Để tăng tốc năm cuối nhiệm kỳ, Huyện uỷ đặt ra yêu cầu là “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; sắp xếp, bố trí cán bộ, chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030”.

Triển khai 4 khâu đột phá

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, huyện Giồng Riềng được tỉnh Kiên Giang chọn xây dựng đô thị động lực của vùng Tây Sông Hậu, với nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển. “Huyện có dân cư đông, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển mạnh về nông nghiệp toàn diện, ứng dụng công nghệ cao, chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái sẽ mở ra sự phát triển mới. Trong nhiệm kỳ 2025 - 2030 và những năm tiếp theo, mục tiêu phát triển tổng quát được xác định: Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích tích tụ ruộng đất, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất, gắn với kêu gọi và khuyến khích nông dân, các doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn nhất là sản xuất “cánh đồng không dấu chân””, Bí thư Huyện uỷ Giồng Riềng thông tin.

Ông Nguyễn Văn Hiền cho biết, huyện tranh thủ các nguồn vốn Nhà nước, doanh nghiệp, huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế trong dân và các tổ chức từ thiện và đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trong đó, huyện tập trung lãnh đạo thực hiện 4 khâu đột phá. Cụ thể: Tiếp tục lãnh đạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, trong đó tập trung công tác giáo dục quản lý cán bộ, đảng viên, hạn chế đến mức thấp nhất cán bộ, đảng viên vi phạm. Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Quá trình thực hiện, cấp ủy sẽ ban hành những chủ trương để kịp thời tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn một cách căn bản, hệ thống, mang tính “đột phá”; từ đó, tạo “bệ phóng” để thúc đẩy huyện Giồng Riềng phát triển nhanh hơn và bền vững hơn trong thời gian tới.