“Ma tuý thảo mộc”
Cục Hải quan Hà Nội vừa phối hợp với Đội 5 - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Phòng 7 – Cục CSĐT tội phạm ma tuý (C47) Bộ Công an phá chuyên án mang bí số E316, bắt giữ 13 lô hàng tổng trọng lượng 2,5 tấn thảo mộc khô chứa chất ma túy qua đường bưu chính quốc tế.
Phó Cục trưởng Hải quan Hà Nội Nguyễn Trường Giang cho biết, 13 lô hàng được gửi từ Ethiopia về cho 2 Cty và nhiều cá nhân nhận. Trong đó, có 5 người da màu từng vào Việt Nam đứng tên nhận một số lô hàng song nhóm này đã xuất cảnh ra nước ngoài. Số hàng này khi nhận trót lọt sẽ tiếp tục được xuất sang các nước Mỹ, Anh, Hà Lan với tên gọi chè đen xuất khẩu của Việt Nam.
Trung tá Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc trung tâm giám định ma tuý – Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho biết, lá “Khat” (hay còn gọi là Kat hoặc Chat) là loại cây bụi được trồng, sử dụng và buôn bán ở nhiều nước châu Phi, vùng Nam Ả Rập. Nhìn bề ngoài, lá cây “Khat” không có gì đặc biệt nhưng khi nhai sống hoặc pha lá “Khat” đã được sao khô với nước nóng uống, các chất gây mê trong thảo mộc này tạo cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, tỉnh táo.
Ở một số nơi tại châu Phi, lá “Khat” được trồng và tiêu thụ phổ biến, thậm chí nhiều điểm nó được phát miễn phí cho người lao động để tạo cảm giác hưng phấn, tăng năng suất lao động. Loại thảo mộc này cũng được biết đến với công dụng “quyến rũ bạn tình” nên được nhiều phụ nữ ở lục địa đen ưa dùng. Do đó, nhiều đường dây đứng ra mua bán, tiêu thụ loại thảo mộc này này sang nhiều nước trên thế giới như Yemen, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Hà Lan… Một thời gian, lá “Khat” từng xâm nhập vào Vương quốc Anh nhưng sau đó đã bị cấm.
Cần kiến nghị đưa vào danh mục chất cấm
Nhận định về loại thảo mộc mới được phát hiện tại Việt Nam, vị Phó giám đốc trung tâm giám định ma tuý cho biết, đây là lần đầu tiên trung tâm tiếp nhận, giám định loại mẫu chất này.
Cận cảnh lá “Khat” sao khô.
Hiện chưa có một vụ việc nào do cơ quan điều tra của Việt Nam phát hiện người Việt Nam sử dụng loại thảo mộc này mà mới chỉ phát hiện đường dây trung chuyển sang nước thứ ba.
Kết quả giám định cho thấy, lá “Khat” có chứa thành phần Cathione và Cathine, chất dùng để điều chế ma túy tổng hợp mới có tên gọi là Flakka đang rất thịnh hành tại nước ngoài. Tuy nhiên, 2 chất Cathione và Cathine chưa nằm trong danh mục các tiền chất ma túy theo quy định của pháp luật Việt Nam, nên khó khăn trong việc xem xét, xử lý hình sự.
“Khi nghi một chất ma tuý mới vào Việt Nam và bị lạm dụng như một loại ma tuý thì các cơ quan chức năng cần kiến nghị Chính phủ đưa vào danh mục chất cấm”, trung tá Thuận nói.
Trung tá Nguyễn Thị Thu Hà, Phó phòng 7, Cục CSĐT tội phạm về ma tuý cho biết, chất cathinone, một chất kích thích giống ma túy tổng hợp amphetamine, nhưng có tác dụng nhanh hơn (khoảng 15 phút sau khi nhai, so với 30 phút nếu dùng amphetamine).
Do đó, nó nguy hiểm hơn ma túy đá gấp nhiều lần và độc hại hơn các loại ma túy thông thường. Cây lá “Khat” có tác hại gây ảo giác, làm cho người sử dụng như không biết đói, mệt; sử dụng nhiều có thể gây ung thư, mù mắt, rụng răng…
Viện KSND TPHCM vừa có văn bản báo cáo Viện KSND Tối cao xin ý kiến chỉ đạo về việc Cơ quan CSĐT Công an TPHCM phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện 3 thùng carton nặng 34 kg chứa nhiều lá cây khô. Qua giám định, lá cây khô này có chứa thành phần Cathione và Cathine - chất dùng để điều chế ma túy tổng hợp mới. Tuy nhiên, 2 chất này chưa nằm trong danh mục các tiền chất ma túy theo quy định của pháp luật, nên khó khăn trong việc xem xét xử lý hình sự.