Phá thế độc tôn của USD

TP - Đô la Mỹ (USD) là một công cụ tài chính mang tính toàn cầu, nhưng những vấn đề chính trị, ngoại giao nóng bỏng trong năm qua đang khiến nhiều quốc gia phải nghiêm túc xem xét việc giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền Mỹ.
Vì một số lý do, Ấn Độ cũng muốn giảm phụ thuộc vào USD. Trong ảnh: Một người làm nghề đổi tiền ở thủ đô Delhi. Ảnh: Xinhua

Có thể kể ra đây một số cái tên: Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Iran. Các căng thẳng mang tính toàn cầu do cấm vận, trừng phạt kinh tế, tranh chấp thương mại bắt nguồn từ chính quyền Mỹ đã khiến các nước kể trên phải xem xét hệ thống thanh toán thay thế sự thống trị của USD.

Tất nhiên mỗi quốc gia lại có những lý do riêng đối với việc này. Đài RT của Nga đã có bài phân tích về hiện tượng “phi đô la hóa nền kinh tế” và những lý do đằng sau quyết định của mỗi nước kể trên.

Đối với Trung Quốc: cuộc chiến thương mại với Mỹ đang diễn ra, những lệnh trừng phạt mà Washington áp dụng đối với nhiều đối tác của Bắc Kinh đã khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới buộc phải có các bước đi nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD.

Về chuyện này, chính phủ Trung Quốc không thông báo công khai. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Trung Quốc gần đây thường xuyên bán ra trái phiếu chính phủ Mỹ. Mặc dù vẫn nắm giữ số trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều nhất thế giới, Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ nắm giữ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017.

Hơn nữa, thay vì tích trữ USD, Trung Quốc đang tìm cách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, tiến hành nhiều bước đi củng cố đồng tiền này bằng cách tăng dự trữ vàng, sử dụng nhân dân tệ trong các giao dịch thương mại quốc tế.

Cũng là một nền kinh tế lớn (đứng thứ sáu thế giới), Ấn Độ là một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hầu hết các xung đột địa chính trị toàn cầu. Vừa qua, Ấn Độ cũng đã chuyển qua sử dụng đồng ruble của Nga để thanh toán hợp đồng mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga trong lúc Mỹ ban hành lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow.

Delhi sử dụng đồng nội tệ rupee mua dầu thô từ Iran sau khi Washington tái áp dụng các lệnh cấm vận chống Tehran. Hồi tháng 12/2018, Ấn Độ và UAE ký hiệp định hoán đổi tiền tệ nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư không liên quan đến đồng tiền thứ ba.

Cũng giống như Ấn Độ, để hạn chế tác động của các lệnh cấm vận hay trừng phạt kinh tế từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Washington, cũng muốn thoát khỏi thế độc tôn của USD bằng kế hoạch thương mại “phi đô la”. Nước này đã tuyên bố đang chuẩn bị để tiến hành các giao dịch thương mại bằng nội tệ với các nước như Trung Quốc, Nga hay Ukraine. Ankara cũng đã thảo luận về khả năng thay thế đồng USD bằng các đồng nội tệ trong giao dịch với Iran.

Động thái này xuất phát từ những lý do cả chính trị lẫn kinh tế. Quan hệ giữa Ankara và Washington đã xấu đi kể từ năm 2016. Người ta nói Tổng thống Erdogan nghi ngờ Mỹ đứng đằng sau vụ đảo chính không thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, chấp chứa giáo sỹ Fethullah Gulen, nhân vật mà chính quyền Ankara nói là chủ mưu vụ bạo động.

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đi xuống sau khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt sau vụ bắt giữ một mục sư Mỹ, bị cáo buộc liên quan đến các hoạt động lật đổ. Quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga cũng khiến Washington “điên tiết”.

Iran cũng tương tự, có nhiều lý do để tránh xa đồng USD. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran ký năm 2015, tái áp đặt các lệnh trừng phạt, ngăn cản quốc gia vùng Vịnh này xuất khẩu dầu mỏ và thực hiện các giao dịch thương mại khác.

Đối với Nga, các biện pháp phi đô la hóa nền kinh tế đã được thực hiện từ năm 2014. Cho đến nay, Moscow đã một phần loại bỏ USD trong các hoạt động xuất khẩu, ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Ấn Độ, Trung Quốc và Iran. Gần đây, Nga đề nghị sử dụng euro thay thế USD trong giao dịch với Liên minh châu Âu.