PGS.TS Bùi Hiền: Đưa đề xuất cải tiến chữ vào đề thi là đánh đố học sinh

Với đề xuất cải tiến chữ của mình, vừa qua PGS.TS Bùi Hiền đã dư luận tranh cãi gay gắt. Mới đây, trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) đã đưa nội dung câu hỏi liên quan đến đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền vào trong đề thi kết thúc học kỳ I dành cho học sinh lớp 12.

Đề thi kết thúc học kỳ I khối 12 của trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội)

Cụ thể, trong phần đọc hiểu với 4 điểm, đề thi này có nêu: 
“Đọc đoạn trích sau đây trong bài “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” của Phạm Văn Đồng và thực hiện các yêu cầu:
“Trong” có nghĩa là trong trẻo, không có chất tạp, không đục; “sáng” là sáng tỏ, sáng chiếu, sáng chói, nó phát huy cái trong, nhờ đó phản ánh được tư tưởng và tình cảm của người Việt Nam ta, diễn tả trung thành và sáng tỏ những điều chúng ta muốn nói…
Phải làm gì để giữ gìn sự trong sáng của tiếng ta, giữ gìn hai đức tính rất quý của nó là giàu và đẹp, hơn thế nữa, làm sao cho nó càng thêm giàu và đẹp. Và phải chủ động, tích cực, nhạy cảm, đồng thời phải kiên trì, phấn đấu lâu dài, một cách có tổ chức, có kế hoạch, vững chắc.
Ở đây phải chú ý ba khâu:
Một là gìn giữ và phát triển vốn chữ của tiếng ta (tôi không muốn dùng chữ “từ vựng”).
Hai là nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta (tôi muốn thay chữ “ngữ pháp”).
Ba là gìn giữ bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn nghệ, chính trị, khoa học, kĩ thuật,…).
(Dẫn theo SGK Ngữ Văn 12 – NXB Giáo dục 2012).
1. Chỉ ra phong cách ngôn ngữ của đoạn trích trên?
2. Các bộ phận được gạch dưới là thành phần gì trong câu?
3. Theo tác giả tiếng Việt có những đức tính gì? Ngoài ba khâu phải chú ý trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà tác giả đưa ra, anh/chị hãy đóng góp thêm một ý kiến của riêng mình về việc đó.
4. Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về “Đề xuất cải tiếng bảng chữ cái “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”” của PGS.TS Bùi Hiền, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về đề xuất ấy”.
5. 
Nhiều học sinh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ đã tỏ ra khá hứng thú với câu hỏi này. Em N.L.A – học sinh nhà trường chia sẻ: “Qua phương tiện thông tin đại chúng em cũng có theo dõi đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền. 
Em rất hứng thú với câu hỏi liên quan đến đề xuất cải tiến chữ. Có thể thấy đây là một vấn đề thời sự vừa qua đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người trong thời gian vừa qua. Đề thi lần này yêu cầu chúng em phải thường xuyên theo dõi những vấn đề mang tính chất thời sự chứ không đơn thuần là học kiến thức trong SGK thì mới có thể làm tốt. Tuy nhiên, nếu bạn nào chưa nắm được thông tin về đề xuất cải tiến chữ của PGS.Ts Bùi Hiền thì đây đúng là một câu hỏi khá “hóc””.
Liên quan đến vấn đề này, sáng 11/12, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Bùi Hiền – nhân vật  được nhắc đến trong đề thi của trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ.

PGS.TS Bùi Hiền cho hay: “Việc đưa đề xuất cải tiến chữ của tôi vào đề thi trong thời điểm này là hơi sớm và mang tính chất đánh đố học sinh. Bởi lẽ, thứ nhất là công trình này của tôi nghiên cứu chưa hoàn thiện. Tiếp nữa là các em chưa được phổ biến một cách cụ thể về chữ quốc ngữ mới trong đề xuất của tôi mà chủ yếu các em nắm bắt được qua phương tiện thông tin đại chúng.

Vì thế, khó tránh khỏi việc nhiều em không nắm kỹ sẽ khó nói quan điểm. Nhìn chung, tôi không tán thành cách đưa vào đề thi câu hỏi này. Tôi chỉ tán thành việc đưa bộ chữ mới này dưới hình thức trò chơi để các em nắm được và so sánh chữ mới với chữ cũ. Sau đó, các em tự cảm nhận xem nó tiện lợi đến đâu. Lúc đó mới nói được quan điểm chứ làm sao nói được quan điểm về một vấn đề chưa nghiên cứu hoàn thiện và các em cũng chưa nắm rõ?”.

Một ví dụ về văn bản dùng chữ viết cải tiến theo đề xuất của PGS.TS. Bùi Hiền. 
Trước đó, báo Infonet đã đưa tin, đề xuất cải tiến chữ của PGS.TS Bùi Hiền đã khiến dư luận tranh cãi gay gắt khi ông đề xuất bộ chữ cái tiếng Việt chỉ còn 31 ký tự thay cho 38 ký tự như hiện nay.

Một số chữ cái được thay đổi như: Bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt và thêm một số chữ cái tiếng Latin cho dễ sử dụng như: F, J, W, Z. Cùng với đó, chúng ta sẽ tiến hành thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên.

Ví như: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Như vậy, với đề xuất này, chúng ta sẽ giảm được những khó khăn cho người dùng, không gây lẫn lộn và bất cập.

Theo Theo Infonet