Khi cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang đến gần, Tổng thống Trump và các trợ lý đang phải lo lắng về việc làm thế nào giành điểm trên đấu trường chính trị thế giới. Giới quan sát cho rằng dù chưa nói gì về việc muốn rút lui, ông Trump đang vất vả xác định mục tiêu cho cuộc gặp mang tính lịch sử này.
“Tôi nghĩ ông Trump tưởng tượng ông ấy sẽ đến cuộc gặp và đạt được một thỏa thuận đột phá, nhưng rõ ràng là ông ấy đang nhận ra điều đó không dễ dàng như ông ấy tưởng”, AP dẫn đánh giá của ông Jean Lee, giám đốc chương trình Triều Tiên tại Trung tâm Woodrow Wilson (Mỹ).
Tự nhận mình là nhà đàm phán tốt nhất, ông Trump thời gian này tập trung vào những thỏa thuận đầy tham vọng nhưng kết quả không được đánh giá cao. Tổng thống Mỹ vừa ấn vào nút hoãn trong cuộc chiến thương mại mà ông từng đe dọa sẽ thực hiện với Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Mới đây, ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân Iran mà không đưa ra được lộ trình nào thể hiện việc Mỹ sẽ theo đuổi mục tiêu cùng các đồng minh. Kế hoạch hòa bình Trung Đông mà ông ủy quyền cho con rể phụ trách đã bị chậm trễ vài tháng và ngày càng bị hoài nghi. Nhưng những người ủng hộ ông vẫn cho rằng đôi khi những nỗ lực tham vọng của ông đã được đền đáp, như dự luật giảm thuế quy mô lớn mà ông ký thành luật vào cuối năm ngoái.
Về cuộc gặp với Triều Tiên, các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói rằng Tổng thống đặc biệt chú ý đến khung cảnh cuộc gặp, nhưng chưa nghiên cứu sâu các tài liệu về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, AP dẫn lời 3 người nắm được thông tin trong Nhà Trắng cho biết.
Ông Trump được đánh giá là người ít khi chuẩn bị kỹ trước khi gặp lãnh đạo nước ngoài. Đối với cuộc gặp Triều Tiên, những người trong cuộc nói rằng Tổng thống Mỹ quan tâm đến việc ghi điểm bằng một thỏa thuận có tính chất lịch sử và ý tưởng của một số người rằng ông có thể được trao giải Nobel Hòa bình.
Ông Scott Snyder, giám đốc Chương trình Chính sách Mỹ - Triều tại Hội đồng Đối ngoại (một tổ chức tư vấn chính sách phi lợi nhuận tại Mỹ), cho rằng có nguy cơ “nghi lễ và tính chất lịch sử” của cuộc gặp sẽ lấn át kết quả thực chất.
Ông Trump khẳng định mục tiêu của ông là bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, và Triều Tiên đồng ý đặt chương trình hạt nhân lên bàn đàm phán như một điều kiện để đối thoại. Nhưng Washington và Bình Nhưỡng vẫn cách nhau cả dặm trong việc xác định những điều đôi bên chấp nhận được.
Ông Kim được nhiều hơn
Ông Trump có cuộc gặp vào ngày 22/5 (giờ Mỹ) tại Nhà Trắng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để chuẩn bị cho cuộc gặp với ông Kim vào ngày 12/6 tới. Chính Hàn Quốc đã chuyển lời từ ông Kim mời ông Trump gặp thượng đỉnh, và Seoul đang thúc đẩy Mỹ tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Nhưng Triều Tiên tuần trước đột ngột dọa không đến cuộc gặp nếu Mỹ cố ép chuyện phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Các quan chức Mỹ coi đây như một kiểu “nắn gân”, giống như kiểu ông Trump dọa sẽ quay lưng nếu ông Kim không nghiêm túc chuyện phi hạt nhân hóa. Cả hai có vẻ đang tìm cách thử thách nhau trước thềm cuộc gặp.
Tuần trước, ông Trump xoa dịu lo lắng của ông Kim bằng lời hứa “bảo vệ” nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng ông Trump cũng có ý rằng ông Kim sẽ chịu rủi ro bị lật đổ hoặc mất mạng nếu kho vũ khí hạt nhân vẫn còn.
Hai cựu quan chức chính quyền Trump cho rằng tính bất định cao của cuộc gặp sẽ có lợi cho ông Kim nhiều hơn về vị thế sau khi có cuộc gặp với ông Trump. Còn thành quả cụ thể dành cho ông Trump sẽ chậm thấy hơn. Các chương trình phi hạt nhân hóa cần nhiều tháng để đánh giá, chương trình của Triều Tiên có thể phải mất nhiều năm để dỡ bỏ và thẩm định nếu Bình Nhưỡng đồng ý.
Một quan chức Mỹ nói rằng ưu tiên của Mỹ trong cuộc gặp tại Singapore sẽ là đạt được một sự hiểu biết chung ở cấp cao nhất với ông Kim, còn chi tiết như thế nào sẽ được xác định sau.
Các chuyên gia cho rằng viễn cảnh tốt nhất sẽ là một thỏa thuận kiểu như thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump vừa vứt bỏ gần đây, nghĩa là Triều Tiên cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ cấm vận. Một thỏa thuận như vậy có thể giúp ông Kim bảo đảm quyền lãnh đạo của mình.
Dù những biến động vừa qua dẫn đến nghi ngờ khả năng cuộc gặp bị hủy, nhưng những người thân cận với ông Trump nói rằng ông vẫn muốn nó diễn ra.
CNN dẫn lời GS Victor Cha, công tác tại ĐH Georgetown và là cựu quan chức Nhà Trắng, đánh giá rằng kết quả tốt nhất của cuộc gặp Trump - Kim sẽ là “quang cảnh đẹp, không khí tốt, một số tuyên bố chung chung về phi hạt nhân hóa và hòa bình, và một số việc sẽ triển khai ngay”, còn khả năng tồi tệ nhất là cuộc gặp bị hủy.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh Fox News ngày 22/5, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng cả chính quyền Clinton và chính quyền Bush đều bị Triều Tiên “chơi”. “Chúng ta đã đề xuất nhượng bộ với Triều Tiên để đổi lấy lời hứa chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của họ, rồi sau đó chứng kiến họ vi phạm và từ bỏ lời hứa”, ông Pence nói. “Ông Kim Jong-un sẽ mắc sai lầm lớn nếu nghĩ có thể chơi Donald Trump”, Phó Tổng thống Mỹ dọa.