Ông Tiến sĩ có 50 người con khuyết tật

TP - Trừ anh thương binh 2/4 Lê Trọng Sơn, 46 tuổi, quê quán ở Quảng Xương, Thanh Hóa,  còn lại là 50 công nhân  tại Trung tâm bảo trợ người tàn tật ICE VN (quận 12, TPHCM) của vua sáng chế điện tử - Tiến sĩ Trần Văn Tín, đều là thanh niên khuyết tật, gọi anh là chú xưng con.
Tiến sĩ Trần Văn Tín giới thiệu với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bộ tiết kiệm xăng tại  triển lãm Hà Nội

Làm doanh nghiệp, tiêu chí lợi nhuận luôn là mục tiêu theo đuổi của mọi doanh nhân, nhưng "vua sáng chế" Trần Văn Tín không vì mục đích này. Có người cho rằng anh "gàn gàn, dở hơi", có người tế nhị hơn khi nghĩ rằng anh ta là người không thực tế, không thức thời. Nhưng tiếng gọi nhân văn từ cuộc sống luôn thúc giục Tín.

Cty Tư vấn công nghiệp điện tử (ICE VN) ra đời năm 2004, ban đầu là một sân chơi mang tính thử nghiệm những kiến thức tin học mà TS Tín đã lĩnh hội tại Kiev - Nga.

Cậu học trò nghèo đất Quảng Nam - Đà Nẵng không bao giờ quên những ngày trà đá bán dạo, sửa chữa ở tiệm điện tử Hòa Cường (Đà Nẵng) để kiếm sống khi chưa tới tuổi 15.

Năm 1987, Trần Văn Tín thi đỗ thủ khoa Đại học Bách khoa TPHCM với số điểm gần tuyệt đối- 29,5 điểm. Anh được cấp học bổng sang Nga du học chuyên ngành máy tính điện tử. 

Năm 1995, trở về nước với tấm bằng đỏ, anh từ chối nhiều lời mời công tác tại những nơi danh giá về máy tính, tin học điện tử.  Tín lỉnh kỉnh mang toàn bộ tài liệu về mạch điện tử với bản vẽ, những chi chít thông số, dày đặc như ma trận trở về quê hương.

Lăn lộn ngoài khu chợ trời Nhựt Tảo, Kim Biên để mưu sinh bằng nghề sửa chữa điện thoại, anh có dịp tiếp xúc và thử nghiệm rất nhiều kiến thức đã học. Một buổi kiếm ăn, một buổi chạy vào bệnh viện Chợ Rẫy nuôi mẹ đang mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều lúc Tín ứa nước mắt khi thấy mẹ đau đớn vì bệnh tật và tủi thân vì phận nghèo, sau bao nhiêu năm du học trở về với hai bàn tay trắng.

Không nuôi nổi thân thì lấy đâu nuôi mẹ, nuôi gia đình ? -Câu hỏi  chưa có lời đáp ấy cứ lẩn quẩn trong tâm tưởng của Tín.

"Tháng 11/2008, bằng sáng chế và giải pháp hữu ích mang tên "Bộ phận má vít điện và ổ cắm điện gắn thiết bị đó" của thầy trò Tiến sĩ Trần Văn Tín đã được Cục Sở hữu trí tuệ VN cấp chứng nhận bằng sáng chế độc quyền."

Doanh nghiệp ICE VN thành lập từ sự ủng hộ của Hội Doanh nghiệp trẻ và Hội LHTN Bình Dương, Trần Văn Tín tự tin bắt đầu lao vào nghiên cứu chế tạo ra những sản phẩm độc đáo, chẳng hạn bộ chống xung động màng nhĩ tai khi nghe điện thoại di động được một Cty ở Malaysia mua bản quyền. Rồi bộ tiết kiệm xăng, bộ sạc pin theo xe gắn máy, ô tô, đèn soi tiền giả, máy đuổi chuột, biến thế tiết kiệm, đèn tiết kiệm năng lượng…

Nuôi và dạy nghề cho thanh niên khuyết tật

Hai bạn Nguyễn Thành Tài và Sĩ đang làm việc

50 lao động, là những thanh niên khuyết tật được Trần Văn Tín tiếp nhận vào doanh nghiệp. Nhưng làm sao nuôi được ngần ấy con người?

Công việc kinh doanh không mấy thuận lợi vì doanh nghiệp của Tín thiếu bộ phận quảng bá sản phẩm, thiếu người làm thị trường để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại nhập lậu ồ ạt từ Trung Quốc và hàng nhái sản xuất trong nước.

Nhưng Tín vẫn như một gã say, đi về phía lòng nhân ái không chút lưỡng lự đắn đo. Ước mơ về một trung tâm dạy nghề điện tử cho người tàn tật thôi thúc mãnh liệt trong anh.

Một lần, anh cầm trong tay ba sổ đỏ nhà đất tìm đến ngân hàng thế chấp để vay tiền, nhưng thất vọng. Một cán bộ Đoàn ở Bình Dương đã cho mượn luôn giấy tờ nhà mình để Tín vay tiền. Mấy anh em doanh nghiệp trẻ các tỉnh cũng hỗ trợ Tín.

Tín mang tất cả giấy tờ nhà xưởng, đất từ Bình Dương, kể cả giấy tờ nhà mình đang ở (tại quận 12), mang thế chấp ngân hàng để vay vốn đầu tư xây dựng một trung tâm dạy nghề người tàn tật tại quận 12.

Nguyện vọng đã thành, nhưng lại bắt đầu những khó khăn, thách thức mới.

Trần Dương Anh Tuấn (quê Gia Lai), phụ trách kỹ thuật của Trung tâm kể lại: Có chuyên môn về điện tử, nên khi biết chú Tín, con lập tức xuống ngay. Mẹ con đi tìm gần 10 ngày mới gặp. Tuấn vừa dạy nghề cho các bạn khuyết tật, vừa cùng làm việc chế tạo những sản phẩm điện tử.

Với Nguyễn Thành Tài, sinh 1979 ở Bình Dương, bị tật bẩm sinh hai tay co quắp, ngắn như một nhánh đẻ ra từ nách và vai, vừa làm thầy dạy cho những lớp hướng dẫn người tàn tật của Trung tâm liên kết tại Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Kiên Giang, vừa làm việc như các bạn.

Tài tâm sự: "Mong muốn lớn nhất của con là học nghề và dạy nghề cho những bạn khuyết tật như mình có nghề nghiệp, việc làm trong cuộc sống”.  Tài học hết 12, có thể tự chạy xe gắn máy về nhà vào cuối tuần, thao tác làm việc rất nhanh, khéo léo và chuẩn xác đến mức người bình thường khó có thể làm tốt hơn thế.

Có lần Tín nói, suốt ngày đêm phải sáng tạo ra những sản phẩm mới để bán, những sản phẩm của người tàn tật chưa được xã hội đón nhận nên rất buồn.

Ngoài việc dạy nghề, Tín phải lo xoay xở cái ăn, cái mặc cho 50 đứa con.

Mỗi lần nhận "sô" đi dạy người khuyết tật ở các tỉnh, Trần Văn Tín không quên mua vài bao gạo chở về làm quà cho các con!

Một góc xưởng công nhân khuyết tật làm ổ cắm điện

Biết chuyện của Tín, có người không cầm được nước mắt. Anh từng từ chối những lời mời của các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước về tin học điện tử, công nghệ cao với mức lương trên 7.000 USD/ tháng, để chấp nhận làm một người đi xin gạo, nhặt nhạnh từng đồng vừa mua gạo nuôi 50 công nhân "đặc biệt" vừa dạy nghề điện tử cho họ.

"Để làm gì ?". Tín cười như mếu: Để họ có một nghề đủ kiếm sống, bớt tủi thân vì mình bất hạnh và để cứu cánh tâm hồn khi bị bỏ rơi…

Có thể nói, chưa bao giờ ở Trung tâm khuyết tật, niềm vui sướng - lại dâng trào, ngất ngây như thế.

Tiến sĩ Tín đang xúc tiến thành lập một trung tâm dạy nghề cho người tàn tật tại Campuchia, nhưng trong lòng anh như lửa cháy. "Ngân hàng từ chối cho vay tiền vì doanh nghiệp của người tàn tật khó có khả năng thanh toán nợ"-Tín nói như mếu.

Gian nan, nhưng chưa bao giờ Tín nghĩ mình bỏ cuộc.