Không “chống dịch như chống giặc” thì diễn biến sẽ xấu
Nhìn lại năm 2020, đâu là dấu ấn lớn nhất trong hoạt động của Chính phủ mà ông muốn nhắc tới?
Năm 2020 là năm vô cùng khó khăn, biến đổi khí hậu tiêu cực, các tỉnh Tây Bắc mưa rét đậm, thiệt hại, Tây Nguyên hạn hán, miền Trung hạn hán và sau đó có nhiều trận bão lũ, lũ quét, thiệt hại lớn cho hạ tầng kinh tế xã hội, mất mát lớn. Đặc biệt đại dịch COVID-19 lớn chưa từng có, ảnh hưởng đến mọi mặt của kinh tế, xã hội.
Khó khăn là vậy, song chúng ta vẫn đạt được thành công rất lớn trong phòng chống đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng nằm trong số rất ít các nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương. Trong khó khăn, chúng ta vẫn được tăng thu ngân sách, tăng số lượng doanh nghiệp...
Đây “biến cố” lớn chưa từng có tiền lệ. Ở thời điểm trước khi nghỉ Tết Nguyên đán 2020, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn chung chung theo hướng đại dịch này không lây từ người sang người(?) Tuy nhiên, qua xem xét, VPCP thấy rằng, không phải như thế đồng thời báo cáo, đề xuất các biện pháp ứng phó với Thủ tướng.
Vì thế, ngay trong Chỉ thị số 05 đầu tiên của Thủ tướng đã có những chỉ đạo hoàn toàn khác khuyến cáo của WHO. Thủ tướng cũng đưa ra các chỉ lệnh chưa từng có như “chống dịch như chống giặc”, toàn quân, toàn dân phải tham gia việc này….
Rồi hàng loạt các biện pháp như đóng cửa biên giới, đóng cửa đường mòn, lối mở, tạm dừng các chuyến bay tới Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu. Tiếp đó, với Chỉ thị 15, 16, Thủ tướng yêu cầu giãn cách xã hội, cách ly xã hội… Đây đều là những vấn đề không đơn giản và chưa từng có tiền lệ.
Giờ nhìn lại những thời đầu của năm 2020, chúng ta thấy được sự chỉ đạo rất quyết liệt, sáng suốt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước trong từng vấn đề cụ thể. Nếu chúng ta không có những quyết định mạnh mẽ ngay từ đầu thì có lẽ bây giờ chúng ta không thể lường hết được điều gì sẽ xảy ra.
Trong năm 2021, Chính phủ duy trì chủ trương chống dịch bệnh như thế nào? Chính phủ có kế hoạch mua vắc xin để tiêm đại trà cho người dân hay không và nguồn kinh phí như thế nào, thưa ông?
Nếu chúng ta không giữ được hiệu quả trong phòng, chống COVID -19 thì chúng ta không làm được gì cả. Song chúng ta không thể “đóng cửa” quanh năm để không bị nhiễm COVID -19 mà chúng ta vẫn phải làm và vẫn phải phòng, chống.
Vì thế, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong năm 2021 là vẫn quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong chống dịch, chúng ta không được chủ quan, nhất là quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh trái phép trên các tuyến biên giới.
Liên quan đến vắc xin thì hiện nay một số nước đã sản xuất được và cũng đã tiêm thử, tiêm cho một số đối tượng trong phạm vi ưu tiên của nước đó. Nếu chúng ta sản xuất được là rất tốt, nếu chưa chủ động được thì tinh thần của Thủ tướng là vẫn phải mua.
Khi có vắc xin thì chúng ta khuyến khích người dân tiêm, nhưng đối tượng thế nào, chính sách thế nào thì lúc đó sẽ có cơ chế chính sách. Đối với các trường hợp là gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo thì các cơ quan chức năng sẽ đề xuất với Thủ tướng để có chính sách phù hợp.
Tạo ra những đột phá mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế
Ông Mai Tiến Dũng chia sẻ với báo chí về những giải pháp phát triển kinh tế trong năm 2020
Trong phát triển kinh tế, năm 2021, Chính phủ sẽ có mục tiêu, phương hướng và hành động cụ thể như thế nào, thưa ông?
Năm 2021 là năm đầu của kế hoạch 5 năm, đồng thời là năm đầu của chiến lược 10 năm, năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Vì thế, thời gian tới chúng ta phải tiếp tục tạo ra những đột phá rất mạnh, nhất là liên quan đến đầu tư hạ tầng trên cơ sở huy động các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội tham gia. Nếu chúng ta không huy động được nguồn lực thì chúng ta không đủ điều kiện để đầu tư.
Thứ 2, chúng ta phải xác định được việc nào thì nhà nước đầu tư, việc nào giao cho doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nếu chúng ta đổ đồng tất như trào lưu, nơi nào muốn có sân bay, cảng biển, cảng sông thì không ổn.
Để một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững thì chúng tôi cho rằng phải làm sao tiếp cận được những dịch vụ đặc biệt về tiền tệ, tài chính, ngân hàng. Phải tính toán làm sao để tiếp cận tín dụng thuận lợi, không chỉ thủ tục mà còn lãi suất… thì mới tạo điều kiện được cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp sinh ra nhiều nhưng đi viện cũng nhiều, ốm đau cũng nhiều, tử vong cũng nhiều thì không ổn.
Trước thềm năm mới, Bộ trưởng có điều gì muốn chia sẻ?
Chúng tôi có lời cảm ơn chân thành đến các cơ quan báo chí, truyền thông, các phóng viên cơ quan báo chí. Chúng tôi cho rằng thành công của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020 có sự đóng góp quan trọng của các bạn.
Tôi mong rằng báo chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, Thủ tướng và Văn phòng chính phủ, để chúng ta tạo ra những kết nối, thông tin 2 chiều hài hoà. Chúng tôi làm không tốt thì các cơ quan báo chí không thể nói chúng tôi tốt được. Và chúng tôi không làm được thì chúng tôi cũng không bao giờ nói chúng tôi làm được.
Quan trọng nhất là tạo ra minh bạch. Chúng tôi luôn luôn minh bạch và tạo ra công cụ để đánh giá sự minh bạch này. Chúng tôi không làm gì để thông qua báo chí đánh bóng cơ quan hay cá nhân. Chúng tôi là người giúp việc, chúng tôi chỉ đứng sân sau thôi. Nhưng những điều Chính phủ, Thủ tướng làm được, chúng tôi phải nói để thông qua báo chí cũng truyền tải tư tưởng đến người dân.