Tại phiên tòa phúc thẩm cuối tháng 10 do TAND Hà Nội mở xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Trần Văn Mừng (56 tuổi, ở huyện Thanh Trì) về tội Cướp tài sản, bị hại là bà Thanh cũng đến dự. Vợ và hai con của bị cáo ngồi ngay hàng ghế phía sau. Bị cáo tóc bạc, gày gò thỉnh thoảng ngoái lại bắt gặp ánh mắt buồn rượi của người vợ chân chất, trong khi đợi HĐXX vào làm việc.
Theo bản án sơ thẩm, gần 10 năm trước, do quen biết, bà Thanh đã ngỏ ý nhờ ông Mừng xây mộ cho chồng và con mình. Ông Mừng nhận lời, tiền công cho hai ngôi mộ cùng với nguyên vật liệu là hơn 20 triệu đồng. Bà Thanh mới đưa cho ông Mừng gần 7 triệu, còn nợ hơn 14 triệu đồng.
Thời gian ngắn sau, hai người nảy sinh tình cảm mặc dù ông Mừng đã có vợ và hai con đều lớn. Hàng ngày, bà Thanh trông nhà vệ sinh công cộng và buôn bán thêm hàng tạp hoá ở chợ Vĩnh Tuy. Còn ông Mừng thôi hẳn công việc thợ xây, xin vào một công ty xe ôm thân thiện bên Gia Lâm.
Từ ngày có tình ý với bà Thanh, ông Mừng ít về với vợ con và gần như ăn ở tại nhà người phụ nữ trung niên này. Theo ông Mừng, trong thời gian qua lại, ông đã bỏ gần 2 triệu đồng và mua chiếc xe đạp từ gần 5 năm trước để hai người đi chung. Nhưng bà Thanh phần lớn sử dụng chiếc xe này, hàng ngày đi từ nhà ra chợ.
Qua lại chừng 4-5 năm, hai người dần rạn nứt tình cảm. Đến tháng 4/2014, ông Mừng và bà Thanh va chạm. “Con cô ta đã đánh tôi nên tôi không muốn qua lại nhà đó nữa”, người đàn ông nhỏ thó cho hay. Không còn tình cảm, bị cáo đã quay sang đòi nợ số tiền xây mộ hơn 14 triệu đồng.
Sáng một ngày cuối tháng 5/2014, mang tâm trạng bực tức, ông Mừng phóng xe từ chỗ làm sang chợ Vĩnh Tuy gặp bà Thanh. Cáo buộc cho rằng, khi thấy bà Thanh đang lúi húi dọn hàng để kinh doanh, ông Mừng đã cầm viên gạch, túm cổ đe dọa khiến nạn nhân hoảng sợ, vùng chạy.
Sau đó, ông Mừng đã lấy chiếc xe đạp mang đi và để lại xe máy tại chỗ kinh doanh của bà Thanh. Tháng 8/2014, với quy kết cướp chiếc xe đạp trị giá 200.000 đồng, ông Mừng bị TAND quận Hai Bà Trưng tuyên phạt 7 năm tù giam. Ông này đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trước HĐXX phúc thẩm, ông Mừng cho rằng không phải cướp xe đạp. “Xe của tôi, tôi lấy lại”, bị cáo mếu máo trình bày. Chủ tọa cho rằng, tại thời điểm bị cáo lấy chiếc xe đạp mang đi, bà Thanh là người đang sử dụng. “Về tình thì bị cáo đúng, về lý thì bị cáo sai”, ông Mừng thừa nhận.
Trong khi đó, bà Thanh khẳng định chiếc xe do mình mua, bị cáo chỉ là người chở đến cửa hàng. Bà còn trình lên trước chủ tọa giấy tờ bảo hành chiếc xe để phản bác việc ông Mừng mua xe và còn nói không có giấy tờ gì. Trước việc làm này của bà Thanh, bị cáo vò đầu, hai tay chắp lạy thảng thốt “Ối giời ơi” nhiều lần khiến chủ tọa phải nhắc nhở giữ bình tĩnh.
Phiên xử kéo dài từ sáng đến chiều muộn xoay quanh khung điểm truy tố bị cáo Mừng. Trong khoảng 5-7 lần trình bày, người đàn ông này phủ nhận việc dùng gạch đe dọa bà Thanh. Chủ tọa đã phải công bố lại lời khai của nhân chứng. Bà Thanh cũng khẳng định bị người tình túm cổ, cầm gạch đe dọa. “Cùng với việc trước khi gây án, ông ta nhiều lần điện thoại quấy nhiễu, tôi bực tức nên mới làm đơn gửi tới cơ quan chức năng để xử lý nghiêm hành vi của ông ấy”, bà Thanh nói kèm theo lời xin giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Có mặt tại phiên phúc thẩm, nghe hai người thừa nhận qua lại trong thời gian dài, vợ của bị cáo Mừng tỏ ra bất ngờ. Đến giờ, người phụ nữ bất hạnh mới hay những ngày chồng vắng mặt thường xuyên là để ở với nhân tình. Song nhìn chồng tiều tuỵ sau thời gian bị tạm giam, nỗi giận hờn tan biến, bà vẫn dành ánh mắt thương cảm, trìu mến tới chồng.
Sau hai lần nghị án vì phải quay lại phần xét hỏi, cuối cùng tòa cũng ra phán quyết với bị cáo. Tòa đã chấp nhận đơn chống án và tuyên giảm một năm tù cho ông Mừng.
Bị dẫn giải ra xe thùng về trại giam, không dặn dò vợ con, người đàn ông này hướng về phía bị hại, liên tục nói to: “Ối Thanh ơi, về mà suy nghĩ đi nhé”.