Ông Johnathan Hạnh Nguyễn rút đề xuất làm cổ đông chiến lược ACV

Hơn 10 ngày sau khi đề nghị được tham gia làm cổ đông chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không, Công ty Liên Thái Bình Dương của ông Johnathan Hạnh Nguyễn bất ngờ xin rút lại văn bản này.
Sân bay Tân Sơn Nhất được ví như "gà đẻ trứng vàng" cho ACV.

Trong công văn xin rút lại đề nghị hợp tác với tư cách nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mà Công ty TNHH Liên Thái Bình Dương gửi Bộ Giao thông cuối tuần rồi, doanh nghiệp này giải thích lý do chính là bởi họ vừa nhận được sự phê duyệt và phải tiến hành ngay các thủ tục để triển khai một số dự án đầu tư với quy mô lớn tại TP HCM cũng như một số địa phương khác. Do vậy, doanh nghiệp cần tập trung một cách tốt nhất để mong đem lại hiệu quả cao cho các dự án kể trên.

Một nguồn tin của Bộ Giao thông vận tải cho hay trước đó hồi giữa tháng, Bộ cũng đã có văn bản phản hồi đề xuất của công ty này.

“Chúng tôi hướng dẫn doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ quyết định của Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chí để trở thành nhà đầu tư chiến lược của ACV. Theo đó, nếu không đủ điều kiện làm cổ đông độc lập thì họ có thể xem xét để tham gia trong một tổ hợp hai hoặc ba nhà đầu tư”, vị này nói.

Trước đó, trong công văn đề xuất làm cổ đông chiến lược, Liên Thái Bình Dương từng khẳng định “xét thấy năng lực phù hợp với các tiêu chí mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra, chúng tôi muốn hợp tác dưới tư cách là nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ cổ phần tham gia 5% vốn điều lệ của ACV”.

Theo đề án cổ phần hóa ACV, doanh nghiệp sẽ bán 20% vốn Nhà nước cho đối tác chiến lược.

Để trở thành cổ đông chiến lược của ACV, Bộ Giao thông vận tải quy định nếu nhà đầu tư là một tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng hàng không thì phải quản lý, khai thác tối thiểu 10 sân bay, đồng thời doanh thu tối thiểu đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2014. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2014 không thấp hơn 2 tỷ USD hoặc tương đương. Còn điều kiện với công ty đầu tư tài chính thì vốn điều lệ cùng thời gian nói trên không ít hơn 5 tỷ USD.

Thế nhưng, cũng tại văn bản hồi giữa tháng, Liên Thái Bình Dương giới thiệu vốn điều lệ của công ty mới đạt 2.500 tỷ đồng (khoảng 110 triệu USD) và lĩnh vực kinh doanh chính là thương mại chứ không hẳn là nhà khai thác cảng hay đầu tư tài chính.

Tuy vậy, tại quyết định phê duyệt tiêu chí nhà đầu tư chiến lược ACV, Bộ Giao thông cũng quy định đối với nhà đầu tư là tổ hợp các tổ chức (tập đoàn/công ty tài chính; tập đoàn/công ty quản lý khai thác cảng hàng không hoặc công ty kinh doanh dịch vụ phi hàng không) thì phải có tối đa là 3 tổ chức. Trong tổ hợp này phải có ít nhất một tổ chức là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng hàng không và số lượng sân bay mà họ khai thác, quản lý trong năm 2014 không ít hơn 5 cảng, đạt doanh thu tối thiểu 1 tỷ USD.

Theo Theo VnExpress