Và càng bất ngờ hơn khi chiều cùng ngày hôm đó ông tạm gác kế hoạch đến thăm Trạm xá Tình Quê Mẹ, do ông tài trợ xây dựng 1989 ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), mà đi thẳng vào Khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) - nơi có 504 người dân vô tội bị lính Mỹ sát hại chỉ trong một buổi sáng 16/3/1968.
Chính vụ thảm sát gây chấn động lương tri nhân loại thế giới này đã cuốn hút ông lên kế hoạch làm bộ phim Pinkville, dự kiến sẽ khởi động quay đầu năm 2008- thời điểm kỷ niệm 40 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ.
Khám phá sự thật của vụ thảm sát
Cả đêm ngày 5/9 và đầu giờ sáng ngày 6/9, cánh nhà báo ở Quảng Ngãi dường như “mù” thông tin về lịch trình và nơi ở của đạo diễn Oliver Stone cùng các cộng sự của ông. Tất cả các khách sạn lớn trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi đều trả lời “không biết” khi chúng tôi gọi điện đến. Ngay cả một nhân viên Sở ngoại vụ Quảng Ngãi cũng mù tịt !
Ngay từ sáng sớm, cánh nhà báo đành chạy xe máy xuống Khu chứng tích Sơn Mỹ để “mật phục”. Thời gian trôi dần nhưng vẫn không thấy Oliver Stone xuất hiện, một số nhà báo không đủ kiên nhẫn để chờ đành bỏ đi. Và rồi, 9 giờ sáng, một chiếc xe du lịch 14 chỗ ngồi trông rất “khiêm tốn” chạy thẳng vào Khu chứng tích.
Không một ai trong chúng tôi nhận ra đạo diễn Oliver Stone nếu như hình ông không được đăng tải trên một số báo sáng 6/9, vì chiếc xe đã không “VIP”, mà trang phục áo quần của đạo diễn lừng danh này lại đơn giản như một khách du lịch bình thường.
Bước xuống xe, Oliver Stone niềm nở tiến thẳng đến cánh nhà báo: “Chúng tôi rất bất ngờ trước sự chào đón nồng nhiệt của các bạn và cảm thấy rất thú vị khi các bạn cùng chúng tôi đều quan tâm đến vụ thảm sát này. Tôi chỉ dành cho các bạn 15 phút thôi nhé !”.
“Điều gì giúp ông thành công trong những bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam?”. Oliver Stone trả lời một cách cởi mở: “Tôi đã làm 3 bộ phim về chiến tranh Việt Nam, đó là những phim tự truyện của cá nhân tôi và đó là 3 câu chuyện cá nhân..., nhưng cái hay của nó là khi xem ai cũng thấy mình có cái gì ở trong đó”. Oliver Stone từng là trung sĩ thuộc Sư đoàn 25 của Mỹ tham chiến ở Việt Nam.
“Còn bộ phim về vụ thảm sát Sơn Mỹ sắp khởi động thì sao ?”. “Câu chuyện về Mỹ Lai thì tôi không phải là người trong cuộc. Bộ phim sẽ chỉ dựa vào ký ức của những người biết về nó. Tôi rất có thiện cảm với mảnh đất này. Ban đầu tôi có nhiều lựa chọn nhưng cuối cùng tôi quyết định chọn nơi này. Đây là một bộ phim có tính chất điều tra, khám phá, bởi xung quanh còn nhiều tình tiết chưa được biết trong vụ thảm sát diễn ra nơi đây”.
Đạo diễn Oliver Stone nói thêm, ông biết nhiều người Mỹ và người Việt Nam đang sinh sống trên đất Mỹ biết rõ về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Nhiệm vụ của ông là gặp gỡ, khám phá, tìm hiểu để tìm ra sự thật của vụ thảm sát thông qua bộ phim sắp tới. Nếu không có gì thay đổi thì cuối năm nay chúng tôi sẽ khởi động quay và sang năm sẽ hoàn thành.
Rồi như ... “sực nhớ”, Oliver Stone cười: “Đáng lý ra tôi không nên nói nhiều về bộ phim và những công việc mà tôi cùng các cộng sự đã làm và sắp làm. Bye... Bye!”.
Khi được hỏi, ngoài Sơn Mỹ thì ông còn sử dụng những bối cảnh nào cho bộ phim sắp tới, đạo diễn Oliver Stone xin từ chối trả lời. Ông giơ tay tạm biệt rồi bước nhanh vào gian phòng trưng bày các hiện vật.
Trở thành nhân viên “bất đắc dĩ” để theo chân Oliver Stone!
O. Stone đang nghe thuyết minh tại Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: Phú Đức
Trước thái độ dứt khoát không cho báo chí theo đoàn, tôi cùng với một đồng nghiệp đành phải “thay hình đổi dạng” để làm nhân viên “bất đắc dĩ” của Khu chứng tích, với mục đích theo chân ông đạo diễn đến cùng.
Vừa bước vào phòng trưng bày hiện vật, Oliver Stone cùng các cộng sự đứng lặng người bên một bức ảnh lính Mỹ xả súng bắn vào một nhóm người dân vô tội. Ông liên tục lấy chiếc khăn trong túi quần ra lau mồ hôi.
Qua bà Phùng Lệ Lý- Việt kiều gốc Đà Nẵng, từng có cuốn sách được Oliver Stone chuyển thành phim “Trời và Đất”, cùng đi trong đoàn, được biết Oliver Stone đã phải thốt lên: “Quá khứ của chiến tranh thật khủng khiếp!” khi chứng kiến cảnh đau thương này. Chính điều đó đã níu chân Oliver Stone ở lại Khu chứng tích Sơn Mỹ đến tận 13 giờ chiều, tức 4 tiếng đồng hồ trong khi kế hoạch ban đầu chỉ từ 30 phút đến 1 giờ.
Tham quan gian trưng bày xong, Oliver Stone cùng các cộng sự lúc này mới biết Giám đốc của Khu chứng tích này – anh Phạm Thành Công cũng chính là một trong những nạn nhân hiếm hoi sống sót sau vụ thảm sát do xác của người thân đè lên.
Oliver Stone hỏi anh Công: “Anh nghĩ gì khi vụ thảm sát khiến gia đình anh mất 6 người ?”. Anh Công trả lời: “Hồi đó tôi còn nhỏ (11 tuổi) nên chưa ý thức nhiều về chuyện đau thương này. Nhưng khi lớn lên vài tuổi nữa, mới biết sự mất mát của gia đình là rất lớn nên rất căm thù. Nay, tôi cũng như bao người Việt Nam khác muốn hòa bình, hợp tác cùng nhau khắc phục những di chứng chiến tranh để cùng nhau phát triển”.
Còn bà Hà Thị Quý (82 tuổi), cũng là nạn nhân trong vụ thảm sát này đã không cầm được nước mắt khi kể lại câu chuyện đau thương ngày ấy cho Oliver Stone cùng các cộng sự nghe, mặc dù lúc này đã 12 giờ trưa, mồ hôi ướt đẫm người Oliver Stone.
Anh Công nói tiếp: “Tôi mong bộ phim sẽ sớm hoàn thành trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày xảy ra vụ thảm sát, để mọi người trên thế giới hiểu rõ hơn về câu chuyện đau thương này”. “OK ! ” - Oliver Stone cười tự tin.