Liên quan đến ổ dịch quán bar Buddha, ngày 3/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, đến nay đã cơ bản xử lý ổ dịch này, tiến hành xét nghiệm lần 2 đối với những người từng đến quán bar này và phát hiện 1 trường hợp có nguy cơ nhiễm cao. Đến nay đã có 16 trường hợp mắc COVID-19 có liên quan đến quán bar Buddha.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, từ bệnh nhân 91 (phi công người Anh, là ca chỉ điểm để tìm ra các ca bênh khác có liên quan) ngành y tế đã phát hiện được mối liên hệ tiếp xúc trong quán bar này và khoanh vùng nhanh để xử lý. Về cơ bản, chuỗi lây nhiễm ở quán bar này đã được kiểm soát đầy đủ.
Ông Dũng nói thêm rằng có một số trường hợp khai báo không trung thực. Mặc dù cơ quan chức năng thông báo nhiều lần tìm kiếm những trường hợp từng đến quán bar nhưng vẫn có người đến khai báo trễ. Thậm chí có trường hợp cố tình chờ đủ 14 ngày mới đi khai báo để được xét nghiệm ngay và không phải cách ly hoặc rút ngắn thời gian cách ly.
Theo ông Dũng, TPHCM đã lấy mẫu 255 trường hợp từng đến quán bar này từ ngày 13-17/3. Một số trường hợp đang được cách ly tập trung 14 ngày tính từ ngày bắt đầu cách ly thay vì tính từ ngày tới quán bar. Nguyên nhân được xác định là qua điều tra, tổ chức xét nghiệm phát hiện một vài trường hợp đã qua 14 ngày kể từ khi rời khỏi quán bar Buddha đã có kết quả xét nghiệm dương tính dù lần đầu âm tính.
“Có trường hợp xét nghiệm từ ngày thứ 13 (tính từ ngày tới quán bar) có kết quả âm tính nhưng 3 ngày sau lại có kết quả dương tính. Do đó TPHCM quyết định cách ly đủ 14 ngày tính từ khi bắt đầu cách ly tập trung”- bác sĩ Dũng nói thêm.
Về điều kiện để rời khỏi khu cách ly tập trung, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, để có được sự an toàn, ngoài việc người cách ly phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong thời gian cách ly, nhất là về mặt giao tiếp với người khác, thì phải có đủ ít nhất là 14 ngày cách ly, không có triệu chứng bệnh và có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi rời khỏi khu cách ly. Trước khi rời khỏi khu cách ly, cần có kết quả xét nghiệm âm tính dù trong thời gian cách ly hoàn toàn không có triệu chứng. Đây là điều hoàn toàn cần thiết và hợp lý.
Theo bác sĩ Dũng, để hạn chế nguy cơ mầm bệnh có thể ra cộng đồng, lực lượng y tế bắt buộc phải có đầy đủ kết quả của tất cả những người sẽ rời khỏi khu cách ly trong cùng ngày. Điều đó có nghĩa là dù có kết quả âm tính, bạn vẫn phải đợi kết quả xét nghiệm của tất cả những người sẽ ra khỏi khu cách ly cùng ngày với bạn.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM kêu gọi mọi người, nhất là người đang cách ly và người thân của mình dành thêm một chút kiên nhẫn, chia sẻ thêm một chút khó khăn, lưu lại thêm một chút thời gian ở khu cách ly để chúng ta cùng đạt được một kết quả tốt đẹp nhất.
"Tâm trạng chung tất cả mọi người bị cách ly kiểm dịch trong các khu cách ly tập trung là mong muốn sớm kết thúc thời gian cách ly để trở về gia đình, gặp lại người thân của mình. Chúng tôi hiểu những điều người cách ly mong muốn. Nhưng hãy cùng vì nhau, vì sự an toàn không chỉ cho bản thân người cách ly mà còn là sự an toàn cho người thân trong gia đình và cả cộng đồng mình đang chung sống", bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nói.
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông cho biết bệnh viện Gia An 115 vừa được Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm SARS- CoV 2.
Đây là bệnh viện tư nhân đầu tiên được đồng ý chủ trương cho thực hiện xét nghiệm SARS- CoV 2 sau khi chuẩn bị đủ các thủ tục cần thiết và cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, an toàn sinh học... theo quy định. Trước đó, ngành Y tế TPHCM đã có 2 bệnh viện được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 là: Bệnh viện Nhiệt đới và Bệnh viện Nhi Đồng 1; kịp thời đáp ứng nhu cầu xét nghiệm chẩn đoán và tầm soát đối với người thuộc diện cách ly ngày càng tăng trên địa bàn thành phố.
Sở Y tế TPHCM cũng cho biết cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu (Quận 9) với quy mô 1.000 giường đã được ngành y tế thành phố chuẩn bị và sẵn sàng đưa vào hoạt động nhằm ứng phó nếu số ca dương tính COVID-19 trên địa bàn thành phố ở mức từ 200 – 500 ca, tương ứng khoảng 1.500 đến 3.500 ca nghi nhiễm ở cùng một thời điểm.
Sở Y tế TPHCM tiếp nhận 1.000 bộ kít thử COVID-19 và trang thiết bị chống dịch
Chiều 3/4, Sở Y tế TPHCM đã tiếp nhận 1.000 bộ kit thử COVID-19, 100 máy lọc nước RO nóng nguội và các sản phẩm dinh dưỡng từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp với tổng trị giá khoảng 1,5 tỷ để trang bị trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, 1.000 bộ kit thử COVID-19 và 100 máy lọc nước RO nóng nguội là do Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh Đại Việt trao tặng, tổng trị giá vào khoảng 1,3 tỷ đồng. Toàn bộ máy lọc nước RO nóng nguội này sẽ được Công ty Đại Việt đưa đến các cơ sở y tế theo sự sắp xếp của Sở Y tế TPHCM.
Máy lọc nước RO nóng nguội này sẽ cung cấp nguồn nước uống trực tiếp đạt quy chuẩn chất lượng theo quy định, qua đó giúp các y bác sĩ, cán bộ bệnh viện, bệnh nhân… sẽ có nguồn nước uống trực tiếp tại chỗ mà không phải di chuyển nước từ bên ngoài vào, hạn chế nguồn lây nhiễm.
Trước đó, Công ty Đại Việt cũng đã trao tặng Công ty này cũng đã trao tặng 10 bộ máy lọc nước RO cao cấp cho Bệnh Viện Quân Y 105, Tổng Cục Hậu cần nhằm hỗ trợ công tác chống dịch COVID-19; 500 máy làm mát, trị giá 1,7 tỷ đồng cho khu cách ly ký túc xã Đại học Quốc gia TPHCM.
Cùng ngày, Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) cũng đã có buổi gặp gỡ ký kết biên bản ghi nhớ chương trình “Tiếp sức cùng y bác sĩ vững vàng chống dịch COVID-19” trao tặng 10.000 khẩu trang chuyên dụng N95 và 10.000 khẩu trang y tế thông thường cho các đơn vị y tế và bệnh viện đang trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19.
Đặc biệt, VUS còn dành tặng 1.000 học bổng tiếng Anh toàn phần cho người thân của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên, cán bộ ngành y tham gia chống dịch. Người thân hoặc chính bản thân các “chiến sĩ" tuyến đầu sẽ được tham gia bất kỳ chương trình học tiếng Anh hàng đầu của VUS sau khi dịch kết thúc.
Trong khi đó, Công ty Tafa Việt thông qua Hội Dinh dưỡng TPHCM cũng đã ủng hộ Sở Y tế TPHCM phòng chống dịch COVID-19 thực phẩm dinh dưỡng trị giá 200 triệu đồng dành cho các y bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch.