NXB Trẻ: Mua bản quyền khi chưa có... bản thảo!

TP - Mua bản quyền khi bản thảo chưa hoàn thành, thậm chí chưa có sẽ là một “cú hích” để “gây men” cho tác giả, động viên tác giả dành hết tâm huyết để hoàn thành tác phẩm.
Mạc Can là tác giả hiếm hoi được mua bản quyền khi chưa có bản thảo

Nhà xuất bản (NXB) Trẻ vừa ký hợp đồng mua tác quyền của 3 tác giả Mạc Can, Lư Nhất Vũ và Lê Giang trong vòng 10 năm.

Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên có một NXB dám mua bản quyền (chứ không phải là hỗ trợ, đầu tư sáng tác) khi bản thảo vẫn còn “trứng nước” - với trường hợp Mạc Can, thậm chí còn chưa có cả… đề cương (mà mới manh nha ý tưởng) - với trường hợp Lê Giang - Lư Nhất Vũ!

Thế mà NXB đã kịp lên kế hoạch xuất bản, phát hành vào quý II-III năm 2006. Chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Quách Thu Nguyệt (GĐ NXB Trẻ) xung quanh vấn đề này.

Mua bản quyền từ giai đoạn “trứng nước”, bà có cho rằng NXB đang mạo hiểm?

Với Mạc Can, Lê Giang, Lư Nhất Vũ, thực sự NXB đã chọn mặt gửi vàng. Thật ra, năm ngoái, công trình “Hát ru” của Lê Giang - Lư Nhất Vũ (đoạt giải Hội Nhạc sĩ VN cho thể loại lý luận - phê bình) cũng đã được NXB Trẻ đặt hàng từ khâu đề cương (nhưng chưa ký bản quyền)!

Mua bản quyền khi bản thảo chưa hoàn thành, thậm chí chưa có sẽ là một “cú hích” để “gây men” cho tác giả, động viên tác giả dành hết tâm huyết để hoàn thành tác phẩm.

Tất nhiên, đây cũng là việc để cạnh tranh với các NXB khác. Đây cũng là cách khiến tác giả phải biết cách giữ thương hiệu và chữ tín. Còn mạo hiểm ư? Trong kinh doanh đôi khi cũng nên “liều” một chút.

Nhưng sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật không đơn giản như sản xuất một mặt hàng tiêu dùng thông thường, vì nó phụ thuộc rất nhiều vào tính chủ quan của người sáng tác… Nếu chất lượng tác phẩm không được như mong đợi thì sao?

Mạc Can là cộng tác viên thân thiết của NXB Trẻ. Chúng tôi trân trọng một nghệ sĩ nghèo nhưng có tâm huyết. Có thể về nghệ thuật văn chương Mạc Can chưa giỏi bằng những cây bút khác.

Nhưng ông ấy có vốn sống và tác phẩm có những nét lạ để thu hút độc giả. Hẳn nhiên, ngoài sự tin cậy, khi đặt hàng với tác giả, NXB cũng phải trao đổi, thỏa thuận về thời gian và phải phần nào biết được tính khả thi đến đâu.Còn độ rủi ro thì ngành, nghề nào chả có.

Bà có thể tiết lộ số tiền “đặt cọc” với 3 tác giả trên không?

Hiện, chúng tôi đã ứng tiền trước một khoản tiền đầu tư ban đầu không nhiều lắm. Theo tôi, vấn đề quan trọng là sự trân trọng và tin cậy nơi tác giả - điều mà lâu nay ít NXB nào ở Việt Nam dám làm.

Trong khi đó, ở các nước, việc mua bản quyền khi tác giả chưa có bản thảo, thậm chí cả khi chưa biết tác phẩm hay dở tới đâu lại là chuyện hết sức bình thường.

Bởi vì với các NXB nước ngoài, chỉ riêng cái tên tác giả cũng đã đủ để đặt lòng tin. Nếu đặt ngược lại vấn đề thì ở ta cũng có nhiều tác giả chưa thực sự có “thương hiệu” để khiến NXB tin cậy.

Theo tinh thần của Luật và Nghị định xuất bản sửa đổi, bổ sung, Cục Xuất bản sẵn sàng cho phép một tác giả cùng lúc bán bản quyền cho nhiều NXB. Như vậy, liệu NXB Trẻ có dám chắc sẽ “độc quyền” được 3 tác giả trên - bằng hình thức mua đề cương, ý tưởng?

Tôi nghĩ tác giả có tự trọng sẽ không bán bản quyền một tác phẩm cho nhiều NXB. Mình tin tưởng họ là chính.

Cục Bản quyền Văn học nghệ thuật (Bộ VH-TT) đã soạn thảo đề án Hỗ trợ mua bản thảo đối với tác phẩm có giá trị (với số tiền đầu tư ban đầu 6 tỷ đồng), liệu điều này sẽ giúp cho các NXB bớt “gánh nặng”?

Chúng tôi không hy vọng sẽ được “nhòm ngó” số tiền đó. Nếu cứ ngồi chờ bầu sữa bao cấp thì bao giờ mới có tác phẩm hay!