Gặp tại phòng làm việc, thầy nhẹ nhàng:
- Các em có việc gì mà gặp riêng thầy vậy?
Tôi nhanh nhảu:
- Thưa thầy em là bí thư chi đoàn lớp, thay mặt các bạn muốn xin thầy cho bạn Nam thi lại môn của thầy. Gia đình bạn ấy nghèo quá phải đi làm thêm, bố mẹ bạn ấy ốm đau triền miên nên ảnh hưởng việc học…
Tôi đang thao thao, thầy quát:
- Tôi không hỏi anh. Nam là người cần trình bày. Không phải trẻ mẫu giáo mà cần người nói hộ…
Nam nói lí nhí, vẻ buồn bã. Thầy chịu không được nói to:
- Sức dài vai rộng, sao ăn nói không thành lời vậy? Như thế học hành sa sút thì có gì lạ. Nhà nghèo, bố mẹ ốm, học lực yếu - trông cậy gì nữa đây, tương lai sẽ đi về đâu.
Em đang núp bóng cả lớp, núp bóng bí thư chi đoàn, núp bóng cái nghèo, núp bóng bố mẹ ốm đau - để rồi bị yếu thêm. Lúc nào em cũng trưng cái dáng vẻ yếu đuối, tội nghiệp thế này để nhận những lời động viên, chia sẻ, thông cảm và em không muốn ra khỏi cái vỏ bọc ấy nữa!
Thầy nghĩ, làm đàn ông phải mạnh mẽ lên, may ra mới thay đổi được những khó khăn hiện tại. Em xin thi lại, được thầy chiếu cố, em lại vịn vào đó. Rồi cứ tiếp tục xin! Vậy đến bao giờ nhà mới hết nghèo, bố mới hết bệnh nếu em cứ mãi là người đi xin. Hai em về đi, thầy biết phải làm gì.
Hôm sau Nam được thi và đỗ.
Cuộc nói chuyện với thầy hôm ấy, tôi không liên quan bao nhiêu nhưng cảm giác xấu hổ cứ xâm chiếm. Sao tôi phải nói thay bạn ấy, coi bạn ấy như kẻ yếu đuối; sao tôi lại nhanh nhảu khi đi xin xỏ mà không chọn cách khác để giúp bạn?
Tôi biết thầy muốn Nam chọn cách khác, mạnh mẽ hơn để qua cơn khó khăn, vươn lên. Nam thấm thía lời thầy và rất xấu hổ. Nam nói: “Tớ phải thay đổi bí thư ạ. Cảm ơn đã giúp đỡ”!
Thầy đã cho Nam một cơ hội để vươn lên, và cũng cho Nam (và tôi) một bài học để thay đổi. Bài học vượt khó để vươn lên khó khăn, để thành một nam sinh bản lĩnh dám đối đầu, không đổ thừa hoàn cảnh!