Trong đêm 8/9, ở các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định và thành phố Lạng Sơn nước dâng lên rất cao. Từ 20h hôm qua (8/9), nước tràn vào phường Tam Thanh, Chi Lăng làm hàng trăm hộ dân phải di dời người và tài sản.
Tại chợ Giếng Vuông ở trung tâm thành phố Lạng Sơn, 1.200 hộ kinh doanh phải di dời tài sản để tránh ngập lụt. Tại huyện Tràng Định và Văn Lãng, nước lũ làm ngập hàng trăm ngôi nhà, nhiều hộ gia đình phải sơ tán đến nơi an toàn.
Trước tình hình cấp bách này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, trực 100% quân số. Các cơ quan, đơn vị liên quan đã huy động gần 100 máy xúc, 135 ô tô, 712 rọ thép, 1.000 m lưới thép, 132 bộ biển báo, 40 chiếc xuồng, 7.468 chiếc phao cứu sinh cùng nhiều trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống bão; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ 238 hộ dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn. Cùng với đó, các lực lượng chức năng, cấp ủy chính quyền, các đoàn thể và nhân dân đã chung tay, giúp sức vượt qua những khó khăn, nguy hiểm…
Trong đêm 8/9, trời tiếp tục mưa. Nước trên sông Kỳ Cùng càng dâng cao làm cho tâm lý người dân hoang mang, lo lắng. Gần như cả đêm, người dân xứ Lạng đều thức và ngóng mong nước rút. Các tổ, đội công tác chức năng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh vào cuộc khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về nhà ở, trong đó trọng tâm là di dời người và tài sản đến nơi an toàn; tổ chức khắc phục tạm thời đối với những nhà bị hư hỏng nhẹ..
Sáng 8/9, mặc dù bão đã qua nhưng mưa vẫn chưa ngớt, những nguy cơ về sạt lở đất, ngập lụt... vẫn còn hiện hữu, bởi vậy sự chủ động ấy cần tiếp tục được phát huy; tinh thần đoàn kết cần tiếp tục được củng cố để Lạng Sơn vững vàng vượt qua thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất.