Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Lạt, ở một số phường, xã vẫn xảy ra tình trạng nhiều người lén lút san gạt đất nông nghiệp, đất rừng hoặc thi công công trình đổ đất đá thải, san gạt lấn chiếm đất lâm nghiệp để tạo mặt bằng, nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã phát hiện, xử lý hơn 43 trường hợp san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép; xử phạt hàng trăm triệu đồng; tạm giữ hàng chục phương tiện vi phạm, bao gồm xe múc, xe ủi và xe tải.
Thậm chí, tháng trước, cơ quan chức năng phát hiện vụ ngang nhiên sử dụng máy múc san gạt, giật cấp tạo mặt bằng rồi đổ bê tông, cốt thép làm đường ngay giữa rừng thông tại lô c, khoảnh 3, tiểu khu 156b (lâm phần do Ban quản lý rừng Lâm Viên quản lý). Kiểm tra hiện trường, các cơ quan chức năng xác định có khoảng 200m đường bê tông đã kịp hoàn thành, bề mặt rộng từ 2 - 4m, dày 10 - 20cm, khu vực rừng bị xâm phạm khoảng 900m2, trong đó có nhiều gốc thông bị chặt rễ, phủ đất đá lên trên. Lực lượng chức năng đã dùng phương tiện cơ giới phá bỏ con đường bê tông này, thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm. Mặt khác, 5 năm qua, lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã phát hiện xử lý 502 vụ lấn chiếm, tái lấn chiếm, san ủi trái phép đất lâm nghiệp với diện tích gần 100ha.
Để phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm san gạt đất, cải tạo mặt bằng trái phép, mới đây, UBND thành phố Đà Lạt đã đưa hệ thống camera tầm cao (thuộc Trung tâm điều hành thành phố thông minh) vào hoạt động; đồng thời yêu cầu UBND các phường, xã tăng cường công tác quản lý, bố trí lực lượng kiểm tra địa bàn, nhất là thời điểm ngoài giờ làm việc của cơ quan hành chính, ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ… để kiểm tra, xử lý các trường hợp san ủi đất trái phép.