Năm 2015, tôi được tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị Thượng đỉnh LHQ diễn ra tại New York, Mỹ (từ 25 đến 28/9) theo lời mời của Tổng Thư ký Ban Ki-moon.
New York đón chúng tôi trong cái nắng vàng của những ngày đầu mùa thu nước Mỹ.
Làm thẻ sự kiện
Buổi chiều đầu tiên đến New York, anh Bùi Vũ Hiệp (Tham tán báo chí Việt Nam tại LHQ) dẫn chúng tôi đi làm thẻ tác nghiệp tại trụ sở LHQ nằm bên giao lộ số 1 (First Avenue) và phố 46 (46th Street). Tòa nhà chính 39 tầng - tạo hình như một quyển sách khổng lồ đứng uy nghiêm. Phía trước là hàng quốc kỳ của các nước trong đó có quốc kỳ Việt Nam tung bay rực rỡ trong nắng.
Khoảng 4 giờ chiều, nhân viên an ninh mời chúng tôi đi qua cửa kiểm tra. Hàng trăm phóng viên từ nhiều nước khác nhau cũng đang chờ ở đây để làm thủ tục. Hôm ấy người tiếp tôi là Ailen Tran còn trẻ. Thấy tôi phải chờ ở hàng bên còn khá đông, cô gọi tôi sang bàn của cô bằng giọng tiếng Việt chuẩn (Chắc cô biết tôi là nhà báo đến từ Việt Nam trong dòng người đang xếp hàng chờ). Cô gái người Mỹ gốc Việt làm thẻ tác nghiệp cho tôi chỉ trong vài phút.
Thấy cô thân thiện, cởi mở, tôi hỏi chuyện và được biết Trần quê Nha Trang, là một trong số ít người Việt Nam làm việc tại cơ quan danh giá này.
Vào phòng họp lớn nhất hành tinh
Chiều 28/9, tôi chính thức bước chân vào tòa nhà quyền lực nhất thế giới. Phòng họp Đại hội đồng đang diễn ra Phiên toàn thể của nguyên thủ và đại diện 193 nước. Đây là hội nghị lớn nhất hành tinh, 15 năm mới tổ chức một lần. Anh Bùi Vũ Hiệp cho biết, đoàn Việt Nam may mắn được ngồi trung tâm phía trên hội trường. Chủ tịch nước ta sẽ phát biểu ở thứ tự số 15. Tới LHQ, nguyên thủ các nước không phân biệt lớn nhỏ phải bốc thăm chỗ ngồi, bốc thăm thứ tự phát biểu. Vào những ngày cuối, hội trường thường rất vắng.
Mất chừng một giờ đồng hồ ngồi đợi ở hành lang, chúng tôi được mời vào khu vực dành riêng cho báo chí tác nghiệp trong phòng họp. Phòng tác nghiệp bố trí trên tầng cao để quan sát được toàn cảnh hội trường. Khi chủ tịch Trương Tấn Sang bước lên bục, tôi nhanh chóng bật máy ghi âm, chọn những khuôn hình đẹp nhất để bấm máy.
Chủ tịch nước nêu rõ: “Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm và cam kết chính trị cao, chúng ta sẽ thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững vì lợi ích chung của toàn nhân loại, vì cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Việt Nam cam kết đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, một nước nào bị tụt hậu trong tiến trình này”.
Việt Nam cam kết đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo công bằng xã hội, tiết kiệm tối đa tài nguyên và cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam nỗ lực cùng ASEAN và các nước liên quan duy trì và củng cố hòa bình, an ninh trong khu vực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông, con đường huyết mạch kết nối ASEAN với các nước và khu vực khác…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc bài phát biểu trong tiếng vỗ tay vang dội khán phòng rộng lớn ở Trụ sở LHQ, thể hiện sự ủng hộ to lớn của cộng đồng quốc tế đối với chính sách của Việt Nam.
Bài phát biểu của Chủ tịch nước dài chưa tới 7 phút. Nhưng để có được khoảng nửa giờ tác nghiệp tại phòng họp LHQ, chúng tôi phải chuẩn bị cả tháng trời, trải qua những vòng kiểm tra an ninh nghiêm ngặt.
Kỳ họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 70 khai mạc từ 15/9/2015 tại Trụ sở LHQ bên bờ sông Đông ở New York với sự tham gia của đại diện 193 nước thành viên LHQ và các tổ chức quốc tế. Trọng tâm kỳ họp là bảo đảm việc thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030 – được thông qua tại phiên họp thượng đỉnh từ 25 đến 28/9. Chủ tịch nước ta và đoàn đại biểu Việt Nam được mời tham dự sự kiện này.
Khát vọng hòa bình
New York gây ấn tượng bởi những tòa nhà chọc trời, choáng ngợp nhưng màu sắc thật dễ chịu. Những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh, phóng viên báo chí nước ngoài đến trụ sở LHQ tác nghiệp tăng kỷ lục. Xe truyền phát sóng các hãng thông tấn nằm ngay phía ngoài trụ sở thực hiện các chương trình trực tiếp. An ninh siết chặt nhưng thành phố lại rất thanh bình. Cảnh sát New York chốt chặn ở nhiều ngả đường hướng về toà nhà quyền lực, nhưng họ rất thân thiện chụp ảnh cùng phóng viên Việt Nam.
Vị trí Tháp đôi xưa được thay bằng hồ nước để tưởng niệm các nạn nhân và cạnh đó người Mỹ đã xây dựng lên một tòa tháp đơn. Không ai có thể hình dung phố Wall, quảng trường Times Square, tượng Nữ thần Tự Do luôn sôi động, thu hút hàng vạn lượt người khắp hành tinh đến thăm mỗi ngày.
Một trong những công trình nổi bật nhất tại New York chính là Trụ sở Liên Hợp Quốc. Công trình được xây dựng từ năm 1949 đến năm 1952 trên diện tích 64.000 m2, thiết kế bởi 11 kiến trúc sư đến từ khắp nơi trên thế giới, chịu trách nhiệm chính là kiến trúc sư người Mỹ - Wallace K. Harrison. Bên trong trụ sở làm việc, có nơi đón tiếp nguyên thủ, nơi trưng bày chân dung các đời Tổng thư ký LHQ, lá cờ của LHQ với dòng chữ “Fallen for the Cause of Peace”; các tác phẩm nghệ thuật, hiện vật của các quốc gia gửi đến trong đó phiên bản Trống Đồng Ngọc Lũ của Việt Nam cũng được gửi trưng bày tại đây.
Ấn tượng nhất trong khuôn viên là tác phẩm điêu khắc khẩu súng lục bằng đồng của nghệ sĩ người Thụy Điển Carl Frederik Reutersvaerd. Khẩu súng lục nòng bị bẻ xoắn hướng lên trời mốc rêu xanh thời gian. Biểu tượng cho mục tiêu của LHQ là duy trì, bảo vệ hoà bình, an ninh quốc tế, chống bạo lực và chiến tranh được ghi rõ tại Điều 1, Hiến chương của LHQ từ năm 1949.