Tại Lễ trao giải cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 năm 2024 vừa được tổ chức tại ĐH Bách khoa Hà Nội, Phạm Thị Huê lớp Kĩ thuật Cơ khí động lực-02, ngành Kĩ thuật Cơ khí động lực khoá K65, là một trong 4 thí sinh giành giải Nhất của ĐH này. Đặc biệt Huê là thí sinh nữ duy nhất của ngành Thủy lực giành Huy chương Vàng và đạt được điểm số cao nhất trong 49 thí sinh dự thi Olympic Cơ học toàn quốc năm nay của ĐH Bách khoa Hà Nội.
“Em rất vui khi giành được giải Nhất và cảm thấy xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Vì trước đó em đã ôn tập cẩn thận, trong kì nghỉ 30/4, 1/5 vẫn nhắn tin hỏi bài thầy hướng dẫn. Đặc biệt, khi xem danh sách chỉ có 1 người được giải Nhất em đã rất tự hào và vui mừng vì đã đạt được mục tiêu đề ra ban đầu”, Huê nói. Cô sinh viên năm thứ tư của ĐH Bách khoa Hà Nội có thói quen những bài giảng trên lớp các môn học nói chung và môn Thủy lực nói riêng phải hiểu được đến tận cùng mới “tha” cho thầy cô. Nhờ vậy, việc tự ôn tập của cô cũng dễ dàng.
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê của tỉnh Hải Dương, bố mẹ trước đây làm nông nên có năm, gia đình Huê thuộc diện hộ nghèo của xã. Mấy năm gần đây, nhờ có khu công nghiệp phát triển nên bố mẹ làm công nhân, thu nhập ổn định hơn. Cũng vì hoàn cảnh không khá giả lại đông chị em (4 người con) nên 2 chị gái của Huê chỉ được học hết cấp 3 rồi đi làm kiếm tiền. Huê may mắn được học ĐH nên em coi đó là động lực để phấn đấu.
Có đam mê sẽ thành công
Những ngày học THPT, người định hướng cho Huê lựa chọn ngành kĩ thuật là thầy dạy môn Vật lí. Tuy thầy không định hướng 1 ngành cụ thể, nhưng sau khi tìm hiểu, Huê nhận thấy ngành yêu thích và phù hợp là Cơ khí Động lực, trong đó có môn Thủy lực. “Vật chất tồn tại trong thế giới tự nhiên ở 3 thể là rắn, lỏng, khí. Thủy lực là ngành học về chất lỏng. Em nghĩ cơ hội phát triển sau này sẽ rất lớn nếu theo ngành học này. Em muốn theo con đường nghiên cứu, ví dụ như nghiên cứu dòng máu, tách các hạt mang ADN ung thư ra khỏi máu, tách muối, ion trong pin điện,...”, Huê hồ hởi chia sẻ.
Tuy vậy, ban đầu bạn bè, người nhà, họ hàng và rất nhiều người gặp đều hỏi Huê tại sao con gái mà chọn học ngành Kĩ thuật trong khi mẹ muốn em theo ngành Y, bố thích em theo ngành Kinh tế.
“Em lựa chọn theo sở thích bởi em nghĩ rằng hiện nay, xã hội phát triển không ngừng; định kiến con gái không nên học kĩ thuật đang được xóa bỏ; chỉ cần đủ yêu thích, đủ đam mê thì sẽ học tốt, làm làm tốt và mang lại giá trị cho xã hội”, cô sinh viên thẳng thắn khẳng định. Đồng thời chia sẻ con gái học ngành kĩ thuật có ưu điểm là được chú ý và quan tâm hơn từ các bạn nam, thầy cô trong lớp. Đặc biệt, có 1 số học bổng chỉ dành cho nữ sinh học kĩ thuật (Huê cũng từng đạt được học bổng đó). Nhưng Huê nhớ như in những buổi đầu học ĐH, em bị ngợp vì lớp toàn nam nên e ngại giao tiếp. Nhưng sau khi quen thì những khoảng cách đó không còn nữa.
Các thành tích Huê đạt được sau 4 năm học (khối ngành Kĩ thuật em theo học hệ kĩ sư nên phải học 5 năm): danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp trường; học bổng khuyến khích học tập các kì của ĐH Bách khoa Hà Nội; 2 lần nhận giấy khen của Đoàn ĐH Bách khoa Hà Nội về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; giải ý tưởng sáng tạo khi tham gia nghiên cứu khoa học cấp trường; học bổng của quỹ châu Á; học bổng của công ty Huyndai VietNam Shipbuilding; có1 bài báo được đăng trên tạp chí Q4 và 1 bài được đăng trên tạp chí Q3; Huy chương vàng Olympic cơ học toàn quốc lần thứ 34 năm 2024.
Vốn yêu thích môn Thủy lực từ ngày còn học THPT, nên trên lớp cô sinh viên rất hứng thú tìm hiểu các tính chất, hiện tượng thủy tĩnh, động học, động lực học, các đường ống phức tạp. May mắn hơn các vấn đề nghiên cứu của em trên phòng Lab có liên quan chặt chẽ đến môn này. Ví dụ như vấn đề nghiên cứu sự chuyển động và tách của các vi hạt trong ống, hay nghiên cứu các mô hình xoáy trong chất lỏng,...
ĐH Bách khoa vốn được coi là ngôi trường “diệt sinh viên” (hằng năm số lượng sinh viên bị buộc thôi học do không hoàn thành trách nhiệm học tập khoảng trên dưới 1.000), học kì đầu tiên còn bỡ ngỡ nên điểm trung bình chung thấp nhưng 2 kì gần đây, em đều đạt điểm tuyệt đối là 4.0/4.0. Hiện tại, học lực 4 năm của Huê xếp loại giỏi.
Năm học tới, tuy là năm cuối, nhưng Huê dự định sẽ sắp xếp thời gian, kế hoạch học tập để lại được tiếp tục tham gia Olympic Cơ học toàn quốc. Bởi em muốn được chinh phục giải thưởng Nguyễn Văn Đạo của Hội Cơ học Việt Nam. Giải thưởng này chỉ dành cho thí sinh đạt điểm tuyệt đối 40/40 tại cuộc thi Olympic Cơ học. Năm nay, thí sinh duy nhất của cuộc thi giành giải thưởng này là Vũ Thanh Hải, Học viện Kĩ thuật Quân sự.
Kế hoạch của Huê trong thời gian tới còn là hoàn thành mục tiêu thi chứng chỉ tiếng Anh IELTS đạt mức điểm mong muốn; hoàn thành tốt nhất có thể các môn học trên lớp, tham gia nghiên cứu khoa học 1 lần nữa, viết thêm mấy bài báo về các vấn đề đang nghiên cứu để xin học bổng đi du học sau ĐH.