Mong sớm trở lại giảng đường
Sau gần 3 giờ xếp hàng, Nguyễn Ngọc Huệ (SN 2002, ở TP Hải Dương), sinh viên năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền đến lượt đăng ký. Nữ sinh nhanh chóng xuất trình chứng minh thư, thẻ sinh viên cho nhân viên y tế nhập dữ liệu lên hệ thống rồi lấy mẫu xét nghiệm. Huệ chia sẻ, sau Tết dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên trường tổ chức học online tại nhà. Đến nay, toàn tỉnh hết giãn cách xã hội, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát nên khi biết tin liền đi xét nghiệm để chuẩn bị trở lại trường.
“Sau khi kết quả xác định âm tính, em sẽ lên Hà Nội và tiếp tục tự cách ly, theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày tại phòng trọ rồi mới lên lớp theo quy định của nhà trường. Dù học online vẫn đầy đủ nhưng học trực tiếp sẽ được trao đổi nhiều hơn với thầy cô, bạn bè”, nữ sinh Nguyễn Ngọc Huệ nói.
Còn Huy (SN 2002, ở TP Hải Dương) chia sẻ, mới trở thành tân sinh viên Đại học Bách Khoa vài tháng thì dịch bệnh bùng phát do đó phải học online từ Tết. Nam sinh viên chia sẻ, tự nguyện xét nghiệm SARS-CoV-2 để sớm được trở lại trường, bắt kịp với giáo án.
“Có kết quả âm tính, em rất yên tâm học tập. Gia đình, người thân và bạn bè trên lớp cũng sẽ yên tâm, tập trung vào việc học hơn”, Huy nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phạm Văn Cường, cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương cho biết, tỉnh chủ trương tập trung lực lượng y tế ưu tiên xét nghiệm để sinh viên có đủ điều kiện trở lại trường kịp thời. Do đó, từ chiều 2/2, sinh viên đang học ở các tỉnh, thành bạn quê tại Hải Dương chỉ cần mang theo giấy tờ tùy thân đến đăng ký sẽ được xét nghiệm. Bình quân, mỗi ngày lực lượng y tế lấy mẫu cho hơn 1.000 sinh viên. Theo quy định, trường hợp xét nghiệm tự nguyện như sinh viên cũng như các tài xế sẽ phải nộp 734.000 đồng/lượt.
Nữ sinh Hải Dương nghi dương tính SARS-CoV-2
Ông Phạm Duy Tuyến - CDC Hải Dương thông tin, quá trình xét nghiệm ngày 3/3 đơn vị xác định một nữ sinh viên nghi ngờ dương tính SARS-CoV-2. Trường hợp này là T.T.M (SN 1999, trú phường Ngọc Châu, TP Hải Dương), là sinh viên Đại học Lao động xã hội Hà Nội. Sáng 4/3, CDC Hải Dương tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 2 đối với nữ sinh này. Ngay sau khi nhận được thông báo, UBND phường Ngọc Châu đã tổ chức phun khử khuẩn, dựng rào phong tỏa tạm thời đối với 9 hộ dân thuộc khu 17, phường Ngọc Châu. Quá trình truy vết, lực lượng chức năng xác định 4 trường hợp F1, là ông bà nội và bác của nữ sinh. Tất cả đã được cách ly y tế, theo dõi sức khỏe.
Theo dịch tễ ban đầu, sáng 29/1, nữ sinh từ Hà Nội về nhà ở TP Hải Dương. Hằng ngày ở nhà với ông bà nội tại phường Ngọc Châu. Chiều 4/2, T.T.M đi siêu thị BigC với bác ruột. Chiều 8/2 và 9/2, đi chợ mua đào với bác ruột tại phố Tôn Đức Thắng và mua hoa tại chợ Tân Kim, phố Nguyễn Văn Linh.
Đêm 11/2, tới nhà bác ruột trên phố Điện Biên Phủ, phường Bình Hàn chúc Tết. Từ 12/2-2/3, nữ sinh T.T.M ở nhà không đi đâu. Ngày 3/3, nữ sinh ra Trung tâm văn hóa Xứ Đông lấy mẫu xét nghiệm để chuẩn bị lên Hà Nội học thì kết quả nghi ngờ dương tính SARS-CoV-2.
Phong tỏa thêm 3 khu dân cư ở huyện Kim Thành
Chiều 4/3, BCĐ Phòng chống COVID-19 tỉnh Hải Dương quyết định thiết lập vùng cách ly y tế 14 ngày đối với 3 thôn, khu dân cư thuộc huyện Kim Thành để phòng chống COVID-19. Cụ thể, 50 hộ dân (190 khẩu) thôn Văn Thọ, xã Đại Đức, 218 hộ (639 khẩu) xóm 2, thôn Dưỡng Thái Nam, xã Phúc Thành và toàn bộ 315 hộ (1.207 khẩu) xóm 3 và xóm 4 thôn Hải Ninh, xã Kim Tân.
BCĐ Phòng chống COVID-19 tỉnh Hải Dương giao UBND huyện Kim Thành chủ trì, phối hợp với ngành công an, giao thông, y tế, quân đội thiết lập chốt kiểm soát COVID-19 24/24h. Đồng thời, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự an sinh xã hội vùng cách ly.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lưu Văn Bản -Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thông tin, trong ngày tại huyện Kim Thành ghi nhận thêm 6 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó, 3 ca tại xã Kim Đính đã phong tỏa từ trước, 3 ca còn lại tại xã Đại Đức và xã Phúc Thành. Các ca bệnh mới đều là F1 hoặc trong vùng cách ly, phong tỏa trước đó. Việc phong tỏa cách ly các cụm dân cư trên theo đề nghị của tổ công tác UBND tỉnh và BCĐ Phòng chống COVID-19 huyện Kim Thành.
Lãnh đạo UBND huyện Kim Thành thông tin, khi phát hiện chùm ca bệnh mới, BCĐ Phòng chống COVID-19 huyện đã phong tỏa, cách ly và thiết lập các chốt kiểm soát 24/24h, đồng thời lực lượng chức năng đã hoàn tất sát trùng, khử khuẩn. Đến nay, toàn huyện ghi nhận 54 ca bệnh, đã truy vết được 1.717 trường hợp F1 và hơn 6.300 F2.
Hải Dương có thể còn các ổ dịch lẩn khuất
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, tình hình dịch tại Hải Dương đã đỡ căng thẳng nhưng sẽ vẫn xuất hiện rải rác các ca bệnh.
Toàn tỉnh còn 4.690 trường hợp đang thực hiện cách ly. Từ đầu năm đến nay, Hải Dương đã lấy 503.406 mẫu, đã xét nghiệm 503.406 mẫu. Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: “Việc có những ca mắc rải rác là điều có thể xảy ra do một số bệnh nhân trong cộng đồng đã ủ bệnh bây giờ phát hiện được do tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Đến nay, tình hình dịch của Hải Dương đã kiểm soát được. Dịch ở Chí Linh, Cẩm Giàng là những nơi có nhiều bệnh nhân đã được kiểm soát, không xuất hiện ca mắc mới”.
Số ca mắc của Hải Dương trong những ngày gần đây vẫn nằm trong các ổ dịch đã được khoanh vùng và có xu hướng giảm dần. Ngay trong tỉnh Hải Dương, cũng không còn ghi nhận trường hợp mắc lây từ huyện này sang huyện khác. "Một kết quả nữa góp phần cho đánh giá về thực trạng dịch của Hải Dương là các địa phương khác trong cả nước không còn ghi nhận các ca mắc từ Hải Dương trở về những ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và đặc biệt Hà Nội xét nghiệm gần 50.000 trường hợp đều cho kết quả âm tính", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Tuy nhiên cũng theo ông Phu, Hải Dương cần đẩy mạnh việc xét nghiệm các điểm có nguy cơ để tiếp tục phát hiện được các ổ dịch mới có thể còn lẩn khuất, phát hiện được các trường hợp đầu tiên càng tốt trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch ngay tránh lây lan. Việc khoanh vùng phải hợp lý, khoanh vùng theo điều tra dịch tễ, theo truy vết, có thể khoanh vùng nhỏ nhưng phải chặt, miễn sao kiểm soát hết nguy cơ.
Chuyên gia Trần Đắc Phu cũng cho rằng, Hải Dương cần đánh giá là dịch còn ở một địa bàn nào đó hay không. Nguy cơ này có thể phát hiện bằng cách xét nghiệm tầm soát diện rộng có chỉ định chứ không tràn lan, xét nghiệm dựa trên các ca chỉ điểm đặc biệt các trường hợp sốt, ho hoặc thông qua giám sát dịch tễ thông qua tổ giám sát cộng đồng. Hiện Hải Dương có tới 11.000 tổ với khoảng 25.000 người. Đồng thời, tỉnh cần đánh giá các mối liên quan của một địa bàn nào đó với địa bàn có dịch xảy ra vừa rồi; đánh giá thêm các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch của mỗi địa phương trong tỉnh, để biết được chính xác nguy cơ dịch tại địa bàn của từng huyện, xã...
Theo chuyên gia dịch tễ này, dịch COVID-19 tại Hải Dương có 4 đặc điểm vô cùng khác biệt: “Đây là chủng virus mới, tốc độ lây lan nhanh. Virus đánh vào môi trường doanh nghiệp với hơn 2.000 công nhân khiến công việc dập dịch càng khó khăn hơn. Dịch bùng phát vào thời điểm Tết Nguyên đán nên việc kiểm soát gặp nhiều vấn đề hơn. Đặc biệt có đến hơn 80% các trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng lâm sàng, chỉ được phát hiện qua xét nghiệm. Trong khi ở các vụ dịch trước chỉ khoảng 35-40%...”.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong ngày có 22 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy Việt Nam đã điều trị khỏi 1.920 ca.