Nhà văn Xuân Phượng kể năm 1991, khi bước qua tuổi 60, bà mở Lotus Gallery ở TPHCM với mong muốn phòng tranh sẽ là cầu nối đưa tranh của các hoạ sĩ trong nước ra thế giới, đưa tranh từ nước ngoài về Việt Nam. Và hành trình đó đã gặp muôn vàn khó khăn, nhiều vinh quang, thành công vang dội từ những chuyến đi song cũng không ít những nhọc nhằn, những tình huống dở khóc, dở cười. Như chuyện mang hàng trăm bức tranh cùng họa sĩ, nhân viên nhập cảnh nước ngoài, xin visa, thuê địa điểm trưng bày tranh, rồi lo khách sạn, nơi ăn chốn ở cho mọi người… sơ sểnh là có thể hỏng việc.
Trong những hành trình như thế, Xuân Phượng từng bị đối tác lừa, chiếm đoạt tài sản. Bà cũng đã bị nhốt trong phòng giam sân bay, bị đối xử như tội phạm… May mắn thay, nhờ có các mối quen biết và cách làm ăn luôn ngay thẳng, bà đã vượt qua nhiều khó khăn để đưa Lotus Gallery trở thành phòng tranh có thương hiệu, uy tín với các nhà sưu tập và các họa sĩ trong, ngoài nước.
Cũng trong cuốn sách, Xuân Phượng kể những câu chuyện về cái duyên của bà với các họa sĩ Việt. Là người có kinh nghiệm về mỹ thuật, bà có hàng trăm chuyến đi khắp Việt Nam để tìm kiếm những tài năng trẻ. Từ những chuyến đi, Xuân Phượng đã phát hiện nhiều họa sĩ chưa có tên tuổi và khuyến khích, động viên họ mạnh dạn tham gia thị trường tranh thế giới. Nhờ đó, nhiều hoạ sĩ trẻ đã có cơ hội phát triển nghề, được giới hội họa thế giới công nhận.
Trong Khắc đi… Khắc đến, bà Xuân Phượng kể lại một cách sinh động bằng văn phong nhẹ nhàng, ấm áp nhưng cũng không kém phần hài hước. Người đọc có cảm giác như đang trực tiếp nghe bà kể chuyện. Các câu chuyện dưới góc nhìn của người trong cuộc, đầy thực tiễn và ấn tượng của một thời đất nước còn đang chập chững bước vào quá trình hội nhập.
Bà Xuân Phượng chia sẻ, kể từ những bước đi đầu tiên, mang chuông đi đánh xứ người, tới nay bà có hàng trăm chuyến đi triển lãm tranh trên thế giới.
Nhưng “gai nhọn bất ngờ đâm thẳng vào người, cạm bẫy ngụy trang khéo léo, đưa mình vào tròng. Đấy là những giây phút bàng hoàng, điêu đứng, lảo đảo gắng gượng khôn cùng để níu giữ cho bằng được cuộc sống của phòng tranh thân yêu, cuộc sống nửa đời sau của tôi khi bước vào tuổi hưu. Và, tôi tin là mình đã thành công”, nữ nhà văn Xuân Phượng bộc bạch.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nhận xét, Khắc đi…khắc đến cho chúng ta thấy rõ hơn hành trình đưa tác phẩm hội họa, văn hóa Việt đến với thế giới. Ngoài trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của Xuân Phượng còn là những khúc quanh đầy hiểm trở, những sắc màu thật đẹp của khát vọng, yêu thương, của hạnh phúc và nỗi buồn nơi niềm đau của phận người.
Bà Xuân Phượng sinh năm 1929 tại Huế, tham gia kháng chiến chống Pháp khi mới 16 tuổi. Từ một giao liên, bà trở thành nhân viên y tế và đến năm 1968 xung phong vào Nam với vai trò một phóng viên chiến trường. Xuân Phượng là một trong những nhà báo đầu tiên vào Dinh Độc Lập theo trung đoàn xe tăng trong ngày 30/4/1975. Sau này, bà trở thành đạo diễn, nổi tiếng với nhiều bộ phim tài liệu như Việt Nam và chiếc xe đạp, Tôi viết bài ca hồi sinh, Khi tiếng súng vừa tắt. Năm 2020, hồi ký Gánh gánh… Gồng gồng của bà nhận Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM.