NSƯT Duy Hậu mắc 'hội chứng sợ phụ nữ'?

“Chưa bao giờ tôi muốn có một mối quan hệ tình ái nào cả. Nói thực là giờ đây tôi đã mất niềm tin vào hạnh phúc bền lâu, vào sự chia ngọt sẻ bùi trong đời sống tình cảm...", NSƯT Duy Hậu - người đàn ông cô đơn lặng lẽ tâm sự trong sinh nhật lần thứ 57 của mình.

Khi chúng tôi mang lá thư “cầu hôn” chân thành và cảm động của một nữ độc giả dành cho ông, ông đang tổ chức sinh nhật lần thứ 57 cho mình. Buổi sinh nhật ấy chỉ có một cốc sữa chua, được tổ chức ở một quán nhỏ vỉa hè và đến dự không có ai khác ngoài chủ nhân.

Và vì thế, những lời tâm sự gan ruột của ông, có thể khiến những người yêu quý ông rơi nước mắt.

Những “viên đạn đại bác” đều rót xuống tháng 7

“Thật thú vị khi nhận được những niềm vui nho nhỏ thế này trong ngày sinh của mình” - ông Đại trong Sóng ở đáy sông, ông Hàm trong Đất và người - nói khe khẽ. Một lời “cầu hôn” chỉ là một niềm vui nho nhỏ? Nếu thế thì câu chuyện về “hội chứng sợ phụ nữ” của nghệ sĩ Duy Hậu là có thật?

“Vẫn như những ngày bình thường khác, trong ngày sinh nhật của mình, tôi dậy sớm, tập thể dục, ăn sáng và chỉ một ý nghĩ  thoáng qua khi dừng lại ngoài hành lang: Không biết hôm nay có chuyện gì đặc biệt xảy ra không?” – ông kể tiếp – “Rồi tôi thả bộ đến quán cà phê quen thuộc trên đường Trần Phú. Ngồi chưa ấm chỗ thì Trợ lý Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam Mai Đức Chung đến chúc mừng và tặng cho tôi một chiếc cà vạt rất đẹp, mua từ Bangkok. Đấy là một trong những người bạn thân nhớ ngày sinh nhật của tôi. Còn lời chúc ở nước ngoài thì tôi đã nhận từ hôm qua”.

Ngồi trầm ngâm trong ngày sinh lần thứ 57 của mình, người nghệ sỹ cô đơn lẩm nhẩm nhớ về những tháng 7 không thể quên trong cuộc đời mình – chúng “nặng ký” như những viên đạn đại bác.

Sinh ngày 23/7/1951; đi bộ đội ngày 16/7/1968; ngày 23/7/1972 từ chiến trường Quảng Trị ra Hà Nội; tháng 7/1987, vợ con ông đi nước ngoài và không trở về nữa. Những sự kiện buồn vui như trên giời rơi xuống cho những ngày tháng 7. Đã 20 năm nay, ông sống một mình với sự cô đơn căng đầy, chất chứa trong căn nhà lặng lẽ...

Một mình vượt qua bệnh tật và cái chết

Bùi ngùi, ông kể: “Cuộc sống đơn độc kinh khủng lắm. Tôi vẫn nhớ cách đây mấy năm, tôi bị bệnh phải vào viện phẫu thuật. Chẳng có người đưa đón, tôi tự bắt xe vào viện, tự làm thủ tục nhập viện, gửi lại số điện thoại vài người bạn thân và lên giường mổ.

Một mình tự vượt qua cơn đau bệnh tật, tự chăm sóc mình rồi tôi cũng ra viện về nhà. Ở nhà, cứ mỗi lần có người đến thăm hỏi, tôi lại phải vịn cầu thang ba tầng lầu xuống mở cửa tiếp khách.

Tháng 2 âm lịch vừa rồi, tôi cũng bị một trận cảm tưởng chết. Đi tập thể dục về, vẫn đọc sách và đi ngủ bình thường. Đến 12 giờ đêm, tôi bị đánh thức bởi một cơn đau bụng dữ dội. Tỉnh dậy, tôi thấy bụng chướng lên, mắt nhoà đi, không gian trong phòng như bắn pháo hoa.

Tôi cố gượng dậy lấy điện thoại di động bấm phím tắt số 2 (đấy tôi chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống độc thân của mình kỹ lưỡng đến thế cơ mà) gọi cho một người bạn thân là bác sĩ... nhưng cũng không thể. Tôi lịm đi. Đến khi tỉnh dậy thì thấy mồ hôi toát ra đầm đìa. Lúc này, tôi mới gọi điện được cho bác sĩ. Anh bạn bảo tôi bị cảm nhập tâm, nhưng may mà số cao nên thoát chết”.

Không có thói quen ăn hàng, NS Duy Hậu ra chợ mua đồ ăn về nhà tự nấu. Ông bị bệnh thận nên phải ăn uống kiêng khem theo chế độ riêng. Thường ông đi chợ mua rau quả một lần về chất trong tủ lạnh để ăn trong vài bữa.

Nỗi cô đơn khủng khiếp và sự lẩn tránh đám đông

“Đã 20 năm nay tôi sống thế này quen rồi. Hình như số phận dành cho tôi là như vậy. Vợ con không trở về. Những người bạn tâm giao của tôi thì hoặc là đang ở xa, hoặc là đã đi xa mãi mãi. Hình như cuộc đời muốn tôi phải cô đơn một cách triệt để, trở thành cô độc.

Thế nhưng dù thế thì tôi vẫn cười, vẫn xúc động cực mạnh và vẫn thành công rất nhiều trong nghề nghiệp. Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi, sao mình lại sống được đến bây giờ nhỉ? Ngày trước, khi ở trong chiến trường, nếm trải bao nỗi khổ thể chất, đối mặt với cái chết hàng ngày, hầm sập, bom đạn nhưng mình vẫn sống sót, vẫn khoẻ re.

Có lần ở đơn vị, khi tôi đang bê chồng bát sắt đi qua sân thì bị sét đánh trúng vào cái chuồng gà ngay gần đó, hất tôi ngã văng ra. Tưởng chết mà không chết. Rồi khi đi diễn, đi ngoài đường, tôi cũng gặp nhiều tai nạn nguy hiểm, nhiều lần bị chấn thương não, đã từng chết lâm sàng đến 30 phút. Tôi đều vượt qua được cả, thế mà giờ đây, tôi lại không chịu nổi sự tra tấn về tinh thần. Có lúc, tôi căng thẳng đến mức độ leo lên sân thượng, ngửa mặt lên trời, chờ xem còn gì rơi xuống đầu mình không, cho xong. Thế đấy!

Sự cô đơn cả ở những chỗ đông người trong tôi thật khủng khiếp. Nó làm cho tôi luôn sợ và lẩn tránh đám đông. Đã 20 năm nay, khi ra đường, tôi luôn đội mũ, dù là ban ngày hay buổi tối, vì tôi luôn mang cảm giác của người yếm thế. Thường thì khi người ta cô đơn, người ta hay đến những nơi đông vui để mượn không khí đó xua tan đi nỗi buồn của mình.

Còn tôi, càng ở nơi đông vui, tôi càng thảng thốt nhận ra sự cô độc của mình len lỏi trong từng thớ thịt, từng mạch máu. Cảm giác như giữa trưa hè yên ắng, bỗng vang lên eo óc một tiếng gà. Tiếng gà trưa đó làm sự yên ắng được đẩy lên đến tận cùng.

Trắng đêm ngồi đếm sỏi để trốn ký ức

“Điều tôi sợ nhất là phải nhìn thấy cảnh chia ly ở sân ga bến tàu. Mỗi lần chứng kiến những cảnh đó, tôi đều phải bứt ra thật nhanh, đi chỗ khác để tránh lên men cảm xúc. Tôi bị bệnh mất ngủ triền miên, có những đợt 3 đêm liền không chợp mắt.

Mệt mỏi vì sức khoẻ đã đành, nhưng mệt mỏi về tinh thần còn kinh khủng hơn. Mỗi khi không ngủ được, ký ức và nỗi nhớ trong tôi lại ùa về. Những hình ảnh, những sự kiện, những cảm xúc làm tôi muốn nổ tung.

Mỗi khi mất ngủ, tôi thường giết thời gian và trốn ký ức bằng việc quan sát từng con cá trong bể kính, để tìm ra tính cách của từng con, rồi đếm sỏi dưới đáy bể hay thắp nến để xem những hình tượng tôi bày quanh nhà nhảy múa”.

Khi chúng tôi đang trò chuyện thì chuông điện thoại của NSƯT Duy Hậu đổ dồn. Ông nghe máy, tôi thấy khuôn mặt ông dãn ra, rồi nụ cười vui vẻ nhen dần lên trên khuôn mặt gầy gò vì bệnh tật. Ông cho biết, đó là một người bạn chiến đấu trong chiến trường Quảng Trị mất liên lạc 40 năm nay giờ tự nhiên lại tìm ra ông và gọi điện.

Quả là một ngày sinh nhật với nhiều niềm vui bất ngờ. Dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng ông vẫn nhận ngay ra giọng nói của người bạn cũ. Một trí nhớ thật tuyệt vời. Ông cho biết, cũng nhờ trí nhớ tốt mà ông học thuộc kịch bản rất nhanh. Những bộ phim dài tập không bao giờ làm khó ông được về việc nhớ lời thoại và cảnh diễn.

“Tôi đã mất niềm tin vào hạnh phúc bền lâu”

Khi tôi cho ông biết, lá thư mà một fan hâm mộ nữ vừa nhờ chúng tôi chuyển là một lời cầu hôn, ông bảo:

“Tôi nhận được rất nhiều thư của người hâm mộ cả nước gửi đến trong cuộc đời diễn viên của mình. Cũng có nhiều trường hợp, tôi gọi điện lại cảm ơn người ta và kết bạn được với một vài người trong số đó. Vì thế, khi nhận được lá thư này, tôi không bất ngờ nhưng cảm thấy rất thú vị”.

Khi được hỏi vì sao ông lại “sợ phụ nữ” đến độ suốt 20 năm qua không một bóng hồng nào có thể chen vào cuộc sống cô độc của ông, Duy Hậu thở dài:

“Tôi rất trân trọng tình cảm của công chúng dành cho mình. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi muốn có một mối quan hệ tình ái nào cả. Nếu tôi muốn phá vỡ sự cô đơn, thay đổi cuộc sống hiện tại của mình, tôi đã làm lâu rồi.

Vì cũng có nhiều người phụ nữ đến với tôi, có cả những cô gái còn rất trẻ. Nhưng, nói thực là giờ đây tôi đã mất niềm tin vào hạnh phúc bền lâu, vào sự chia ngọt sẻ bùi trong đời sống tình cảm.

Xã hội bây giờ mọi giá trị đều đảo lộn, tôi không nghĩ còn nhiều người dám chung vai với mình trong những lúc khó khăn. Tôi không dám bắt đầu lại từ đầu. Khoa học hiện đại có thể khám phá được tất cả những bí ẩn của bầu trời, của đại dương, của địa tầng đá núi... thế nhưng riêng đàn bà thì là một ẩn số không thể biết trước được.

Giới trẻ hiện đại có khái niệm sống thử, để xem có hợp nhau không trước khi tiến đến hôn nhân. Nhưng với tôi, hạnh phúc không thử được. Quan niệm đó chỉ dành cho giới trẻ, chứ không dành cho lứa tuổi 60 của chúng tôi.

Sự “không muốn” của tôi còn bởi, tôi quan niệm người nghệ sỹ càng đau khổ về tinh thần thì càng xuất sắc về tài năng. Hoàn cảnh khắc nghiệt trong cuộc sống tình cảm, đã giúp tôi có được khá nhiều thành công lớn trong nghiệp diễn. Một sự đánh đổi bất đắc dĩ. Bởi chẳng ai dại gì chấp nhận sự đánh đổi ấy. Đó là số phận thì phải chịu thôi”.

“Cuộc đời cay đắng tặng cho tôi những chi tiết đắt giá”

Tôi cho rằng, cái hạnh phúc lớn nhất của một người đàn ông là có một vài người ruột thịt để quan tâm lo lắng, để được chứng tỏ vai trò trụ cột của mình. Thế nhưng số phận của tôi không cho tôi có được cái hạnh phúc giản đơn ấy, nên bao nhiêu trí lực tôi trút hết vào vai diễn.

Các đạo diễn chọn tôi vào phim của họ, thường không phải vì ngoại hình của tôi giống với nhân vật thật nhưng họ tin rằng tôi, với vốn sống của mình, có thể làm đầy lên khoảng cách đó.

Ví dụ như vai ông Trịnh Bá Hàm trong phim Đất và người của tôi là một ví dụ. Ngoại hình của tôi không hề giống nhân vật được miêu tả tro ng kịch bản, nhưng tôi vẫn vào được vai hết sức nhàn nhã và sáng tạo ra hình ảnh cái tăm của ông Hàm. Cái tăm to như chiếc đũa ấy không hề có trong kịch bản, tôi đã mang cái tăm đó từ trong sân khâu tuồng, chèo... dân gian vào trong phim. Và nó được khán giả chấp nhận.

Nhiều khi tôi phải cảm ơn cuộc sống cô đơn của mình, nó cho tôi rất nhiều chất liệu để sáng tạo trong diễn xuất. Nhớ lại phim Chiều tàn thu muộn của hai đạo diễn trẻ Vũ Trường Khoa và Phạm Thanh Phong, họ nhờ tôi làm giúp cảnh ông Tân cô đơn. Tôi bảo dễ thôi, cần gì diễn một ông Tân liên tục thở dài, vật mình hết bên này sang bên nọ, các cậu kiếm cho mình một cái kim, một chiếc áo đứt khuy.

Còn gì gợi lên sự cô đơn hơn cảnh một người đàn ông chong đèn ngồi cặm cụi đính lại chiếc khuy áo đứt, thỉnh thoảng lại giật nảy người xuýt xoa vì kim đâm vào tay? Đó là những chi tiết đắt giá mà cuộc đời đã tặng cho tôi. Đời tôi có được chút vinh quang nào trong nghiệp diễn, thì bao giờ nó cũng đi kèm với cay đắng”.

Những ngày này, NSƯT Duy Hậu đang nghỉ diễn một thời gian để chăm lo cho sức khỏe. Ông nghỉ ngơi, đọc sách báo, xem tivi, đi dạo phố, tập thể dục để cho thư thái và tái nạp năng lượng cho mình. Sự cô đơn đã gặm nhấm 1/3 cuộc đời ông và gần cả cuộc đời theo như ông nói vì đó chính là phần đời đẹp nhất, đáng sống nhất.

Có thể, tháng 9 tới ông sẽ nhận lời tham gia vai chính một bộ phim mới 24 tập, nếu sức khoẻ cho phép. Giờ đây, vì đang “bất thường về sức khoẻ thể chất, tinh thần, sinh hoạt” nên mong ước lớn nhất của NSƯT Duy Hậu là được “trở thành một người bình thường”, để người lữ hành cô độc đó có thể gồng mình đi nốt quãng đường thăm thẳm mà số phận đã đặt chân lên.

Theo GĐXH