Chúc mừng anh và ê-kíp vừa ra mắt “Bình minh đỏ”-bộ phim chiến tranh về trung đội nữ lái xe Trường Sơn thời chống Mỹ được giới phê bình, khán giả đón nhận. Khá lâu rồi anh mới trở lại với phim điện ảnh và đề tài chiến tranh cách mạng, điều gì ở kịch bản này thu hút anh?
Kịch bản có những con người mang lại xúc cảm thì chẳng có điều gì để khước từ, bất kể là đề tài chiến tranh hay không. Với Bình minhđỏ, tôi không có gì phải chần chừ, bởi những con người trong câu chuyện gây xúc động mạnh. Ai đó làm phim vì mục tiêu thương mại, mục đích chiếu rạp có thể suy tính, riêng tôi chỉ cần duy nhất điều trên là có thể quyết định ngay.
Cảm hứng đầu tiên của tôi khi tiếp cận kịch bản chính là hình ảnh tư liệu những cô gái nhỏ bé ngồi trên ca bin của những chiếc xe tải khổng lồ như Zin, Gaz. Nhiều cô gái chân không đạp tới chân ga, chân phanh rồi phải dùng can làm đệm lưng để lái xe. Đó là những hình ảnh đặc biệt trong chiến tranh. Chúng ta có vẻ thân quen với hình ảnh khốc liệt, nhưng không chắc biết trong chiến tranh lại có những nữ chiến sĩ lái xe như thế. Các cô gái đôi mươi thấp bé nhẹ cân thật đặc biệt, chưa có bộ phim chiến tranh nào đặc tả họ. Chính sự đặc biệt này đã cuốn hút tôi, giúp tôi thêm động lực thực hiện bộ phim.
Đoàn làm phim phải đội nắng 40 độ thực hiện các cảnh quay, rồi rất nhiều bối cảnh khói lửa bom đạn khác. Đây đã phải là những thách thức lớn nhất?
Điều kiện khắc nghiệt là điều đoàn làm phim phải đối đầu trên hiện thực. Chuyện đó tôi chắc là những người làm phim tử tế, làm các bộ phim phức tạp đều gặp phải. Tuy nhiên, Bình minhđỏlà một trong những phim làm trong thời kỳ nghiệt ngã khi COVID-19 bùng phát dữ dội. Lịch sử làm phim thế giới rất hiếm khi có cảnh cả dàn nhạc phải xẻ ra từ 1-2 người đi làm đêm kéo dài hàng tháng trời mới hoàn thành bản phối nhạc cho phim. Nửa đêm dân phòng, cán bộ phường đi kiểm tra và đề nghị dẹp. Tôi chỉ nghĩ đây là sự chia sẻ về mặt thông tin, không vin vào đó để kể khó.
Không chỉ có các trở ngại có một không hai đó, mà theo thời gian làm phim chiến tranh ngày càng phức tạp, khó khăn về thiết bị, đạo cụ và nhiều thứ khác. Làm phim về Trường Sơn bây giờ, tôi buộc phải đi xa hơn 100km để chọn được bối cảnh phù hợp. Chúng tôi tới tận Quảng Trị để chọn cảnh nhưng rất nhiều nơi cây keo thay thế rừng nguyên sinh. Tôi nghĩ rằng 5-10 năm nữa thôi, thế hệ sau phải đi xa hơn cả 500km nữa để có những cảnh quay rừng nguyên sinh. Chúng ta đâu thể làm phim về Trường Sơn với toàn rừng keo. Hàng loạt rừng cây săng lẻ huyền thoại làm nơi trú chân, che chắn quân thù xưa ở Trường Sơn đang mất dần.
Hoàn thành xong bộ phim chiến tranh gian nan như thế, anh có ốm trận nào không?
(Cười). Chúng tôi từng có những ngày làm phim dưới nhiệt độ lên tới 44 độ trên công trường đá ở Hà Tĩnh, Nghệ An. Nhiều khi tôi tự nhủ không biết có nghề gì khốc liệt hơn nghề làm phim này không? Liệu sự cống hiến, sự lao động này có tương xứng không. Diễn viên là lính còn ngất ở hiện trường. Tôi nghĩ rằng thật may mắn có niềm vui khi làm phim, niềm vui lao động nghề nghiệp. Quá nửa thời gian chúng tôi phải ngửi khói xăng dưới thời tiết khắc nghiệt như thế. Nếu không có tình yêu lao động có lẽ chúng tôi không thể tồn tại được trong môi trường đó.
Bình minh đỏ được trao giải thưởng BGK tại LHP Việt Nam lần thứ 22 tại Huế, trình chiếu dịp 30/4 này. Phim do NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và đạo diễn Trần Chí Thành thực hiện, kịch bản Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Phim lấy bối cảnh sau tết Mậu Thân 1968, chiến sự ngày càng ác liệt, đòi hỏi tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong để đào tạo lái xe vận tải trung chuyển cho chiến trường. Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng Quân Giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh ra đời với tuyến hoạt động chủ yếu từ Bến Thủy (Nghệ An) đến Tây Trường Sơn. Bốn nhân vật Châu, Hân, Sa, Thương là những cô gái rất trẻ được giao nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương bệnh binh, tử sĩ từ các chiến trường về hậu phương. Mỗi cô gái tuổi đôi mươi ấy đến chiến trường từ những hoàn cảnh riêng, nhưng chung quyết tâm, không sợ gian khổ, hi sinh.
Ngay sau khi công chiếu tối 23/4 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, một số cựu nữ lái xe Trường Sơn xúc động thấy hình ảnh của mình và đồng đội được tái hiện trên màn ảnh. Anh khai thác chất liệu từ những nguyên mẫu ấy như thế nào cho “Bình minh đỏ”?
Không chỉ tư liệu ở trung đội nữ lái xe Trường Sơn, chúng tôi phải tham khảo và chắt lọc nhiều phần đời sống của người lính, đặc biệt lính lái xe nói riêng. Ngay lời tựa chúng tôi phi lộ, bộ phim về nữ bộ đội lái xe chỉ là khởi nguồn để hướng tới tri ân sự hi sinh của người lính. Trên thực tế, trung đội này trở về trọn vẹn sau chiến tranh nhưng thực tế còn biết bao nhiêu bộ đội lái xe trường Sơn hi sinh, bao liệt sĩ ngã xuống. Qua quá trình tìm hiểu chúng tôi thấy, có tiểu đoàn lái xe lên tới 120 xe nhưng kết thúc chiến tranh có khi còn độ 30 xe, tan tác hết. Nhờ nguồn tài liệu tham khảo mang tính khái quát, rộng mở hơn nên chi tiết trong phim cũng đậm đặc hơn để phản ánh bộ mặt khốc liệt của chiến tranh.
Với “Bình minh đỏ”, anh trao gửi sự tin tưởng vào thế hệ diễn viên rất trẻ như Quỳnh Anh, Bảo Hân (Về nhà đi con). Anh có hài lòng với sự thể hiện của họ trên màn ảnh?
Phạm Quỳnh Anh, Phạm Bảo Hân, Hoàng Bích Phượng, Hà Phương Anh... thực sự gây sự cảm động đầy bất ngờ. Chính các bạn trẻ này khi nhận lời tham gia phim không lường tới sự khó khăn nguy hiểm đến thế. Cho nên tôi rất cảm ơn, rất nể trọng sự hi sinh của các bạn. Diễn viên Bảo Hân nói “tuổi trẻ có ước mơ, ước mơ lớn nhất được hòa bình”. Đây chính là sự thấu hiểu tinh thần của bộ phim mà các bạn tham gia. Trước khi quay phim, tôi giúp họ tiếp cận dần với chiến tranh qua phim tài liệu, gặp gỡ các nguyên mẫu trong trung đội lái xe Trường Sơn.
Cảm ơn anh!