Những năm gần đây, NSND Như Quỳnh tham gia dòng phim truyền hình với những hình tượng nhân vật khác hẳn trước đây. Sau bộ phim “Đừng bắt em phải quên”, NSND Như Quỳnh đang khiến khán giả bất ngờ bởi vai bà Dần trong phim “Hương vị tình thân”. Ở vai diễn đặc biệt này, NSND Như Quỳnh phải bộc lộ được hình ảnh người phụ nữ có cuộc đời dữ dội, đau đớn, mất mát nhiều thứ.
Những ký ức ấy ám ảnh rất lâu, đến lúc già, con cháu đề huề, bà vẫn lẫn lộn cuộc sống hiện tại và quá khứ. Điều ấy tạo nên xung khắc giữa bà và cháu, mẹ chồng và con dâu… Bà Dần luôn muốn thể hiện vị thế số một trong gia đình khiến gia đình nhiều phen khốn khổ. Vai diễn bà mẹ chồng bị bệnh Alzheimer này còn có tính khắc nghiệt nên gây ra nhiều tình huống “có một không hai” như nửa đêm điên loạn lao vào phòng con trai gào thét, túm tóc, tát con dâu... nhưng sau đó lại không nhớ gì.
Chia sẻ về vai diễn mới này, NSND Như Quỳnh cho biết: “Đây là một vai khó với đạo diễn, tìm được một người lớn tuổi phải có sức khỏe mới theo được đoàn làm phim hàng tháng trời, nếu già quá thì không đảm bảo được đúng với nhân vật trong kịch bản, mà trẻ quá thì không phù hợp với các diễn viên đóng vai con, cháu. May mắn, tôi tuy lớn tuổi nhưng ngoại hình vẫn còn dễ chịu, tôi cũng còn khỏe”.
Đọc xong 30 tập đầu tiên về vai bà Dần, ban đầu nghệ sĩ Như Quỳnh cũng sợ không kham nổi nên có ý định từ chối. “Nhưng đạo diễn Nguyễn Danh Dũng là một người thân quen với tôi, là người rất biết cách giúp diễn viên khơi gợi cảm xúc, chú tâm khai thác từng nhân vật đã thuyết phục tôi. Bản thân tôi cũng muốn thử sức, làm khác đi con người mình, những hình tượng vai diễn trước đây của tôi”, nữ diễn viên thổ lộ. Quan trọng nhất là với vai diễn này, diễn viên phải có sự thấu hiểu về cuộc đời đủ độ chín về cuộc sống và cảm nhận riêng về tâm lí, tính cách của nhân vật. Đây là dạng vai về tâm lí của người già. Những kí ức khá nặng nề về sự vất vả, về những người đã từng gây ra đau khổ cho bà đã không ngừng ám ảnh bà Dần.
Theo NSND Như Quỳnh, hiện nay, ở Việt Nam, đang có rất nhiều người già bị một kiểu tâm lí rối loạn, lẫn lộn giữa kí ức xưa cũ và cuộc sống hiện tại.
“Khi tôi làm vai diễn này, tôi nghĩ đến bà ngoại tôi, người cũng có những dấu hiệu na ná như nhân vật bà Dần. Vì thế, tôi cố gắng thể hiện thật nhất với cảm xúc của mình”, nữ diễn viên bày tỏ. Chất liệu để nhập vai bà Dần được lấy việc quan sát lối sống của bà ngoại khi trí nhớ giảm dần đi sau năm tháng và cảm nghĩ về việc người già cũng luôn cần được lớp trẻ thương yêu, vỗ về, an ủi nên NSND Như Quỳnh đã có thêm nhiều cảm xúc, màu sắc và diễn theo những gì bản thân cảm nhận.
“Vai diễn của tôi hé lộ khơi gợi cho người xem, nhất là các bạn trẻ hiểu, người già cần sự cảm thông, thấu hiểu, gần gũi, dịu dàng. Tôi mong muốn, qua bộ phim khán giả sẽ thực sự trả lời câu hỏi: người già ở Việt Nam đang thiếu gì, cần gì và họ mong muốn được thông cảm ra sao, được an ủi, vỗ về như thế nào”. NSND Như Quỳnh tâm sự thêm.
Hàng chục năm làm nghề, thành công nếm đủ, kinh nghiệm dạn dày nhưng NSND Như Quỳnh cho rằng, vì đã lớn tuổi mà đảm nhận một vai diễn nặng về tâm lí nên bản thân bà cũng phải cố gắng nhiều. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của cả đoàn làm phim, từ đạo diễn, quay phim đến các diễn viên, luôn dành cho nữ diễn viên Như Quỳnh sự quan tâm đặc biệt.
Đó đơn giản là một không gian tĩnh lặng để chị học lời thoại, chuẩn bị tâm lí trước mỗi cảnh quay. “Với các diễn viên trẻ có thể nhập vai, bắt tâm lí nhân vật, thuộc lời rất nhanh nhưng với tôi thì cần phải có sự chuẩn bị nhập vai theo cách của mình. Tôi nghĩ rằng, nếu các bạn trẻ chịu khó làm theo như cách của chúng tôi vẫn làm phim điện ảnh thì cũng rất tốt cho nghề nghiệp và tốt cho phim truyền hình”, NSND Như Quỳnh bộc bạch.
Từ trước đến nay, nhắc đến Như Quỳnh, khán giả sẽ nhớ ngay đến một nữ diễn viên gạo cội của điện ảnh Việt từng nổi tiếng với những vai điềm đạm, hiền lành, đậm chất phụ nữ phương Đông. Có lẽ vì sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà thành đã góp phần làm nên “khí chất” của người phụ nữ Hà Nội trong các vai diễn để đời của bà như: cô Nết trong “Đến hẹn lại lên”, cô sinh viên sư phạm Nguyệt trong “Hà Nội mùa chim làm tổ”, cô Liên trong “Gánh hàng hoa”, Vân trong “Hy vọng cuối cùng”, Mai trong “Bài ca ra trận”…
Gia tài đồ sộ về phim ảnh của NSND Như Quỳnh không chỉ trong nước mà còn có nhiều bộ phim của đạo diễn nước ngoài và đạo diễn gốc Việt như: phim Đông Dương (nhà làm phim người Pháp Régis Wargnier), “Mùa hè chiều thẳng đứng” (đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng), “Hạt mưa rơi bao lâu” của Đoàn Minh Phượng - đạo diễn gốc Việt sống ở Đức, “Áo lụa Hà Đông” (đạo diễn Lưu Huỳnh), “Sài Gòn nhật thực” (đạo diễn Othello Khanh)... và một số dự án phim hợp tác với nước ngoài: “Bé Đa” (do Việt Nam và Hàn Quốc phối hợp sản xuất), “Ngọn tháp Hà Nội” (do Việt Nam và Đức phối hợp sản xuất), “Hai cô con gái ông chủ vườn thảo dược” (Việt Nam và Pháp), phim truyền hình “Cô dâu vàng” (Việt Nam và Hàn Quốc)...
Bà luôn được đánh giá cao không chỉ khả năng diễn xuất mà còn ở tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao trong nghề. Thời gian sau này, khi dòng phim điện ảnh ở Việt Nam có phần trầm lắng, diễn viên Như Quỳnh chỉ tham gia một vài dự án điện ảnh như “Chơi vơi”, “Chuyện của Pao”, “Lời nguyền huyết ngải”... rồi chuyển sang đóng phim truyền hình. Trên màn ảnh nhỏ, các nhân vật bà đảm nhận thường là bà mẹ nhiều tâm tư, một lòng vun vén gia đình và rất đỗi thương con – được coi là rất tương đồng với bà ở ngoài đời.
Bước sang tuổi 68 nhưng NSND Như Quỳnh vẫn giữ được dáng người thanh mảnh, gọn gàng, bà đi lại nhanh nhẹn, gương mặt vẫn còn nguyên những nét đẹp thanh xuân đậm chất Á Đông, thuần Việt... Nữ nghệ sĩ còn được mến mộ khi có cuộc sống hạnh phúc, viên mãn. Chồng bà, nhiếp ảnh gia Hữu Bảo sẵn sàng ở nhà chăm sóc con để nghệ sĩ Như Quỳnh thực hiện các dự án phim ở xa.
Từ hậu phương vững chắc như vậy, bà đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp diễn xuất. Vì thế, ở tuổi gần 70, nhận lời một dự án phim dài 120 tập như “Hương vị tình thân”, với NSND Như Quỳnh chỉ đơn giản là bà vẫn cảm thấy đủ sức khỏe để tham gia đóng phim, bởi “đã là diễn viên, khi được mời đóng phim, thực sự tôi cũng ham”.