NSND Bạch Tuyết: Đưa nhạc hit của giới trẻ vào cổ nhạc

TP - Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ phát sốt khi NSND Bạch Tuyết cover một loạt hit của những ca sỹ trẻ trên nền cổ nhạc. Từ “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP, rồi “Em gái mưa” của Hương Tràm, “Đừng hỏi em” của Mỹ Tâm…
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Trao đổi với PV TPCN, NSND Bạch Tuyết cười lớn: “Cả đời tôi thích thú làm cái mới. Người Mỹ nói: Nghệ thuật phải mới. Mới chưa chắc hay nhưng dù sao cũng phải mới cái đã”. Bà nói vui: Đơn giản như chuyện ta sắm bộ đồ để diện tết, dù chưa chắc bộ đồ mới đã đẹp song vẫn được ưu tiên sử dụng hơn đồ cũ. Bạch Tuyết khoe, tuy đã ở tuổi  “xưa nay hiếm” theo quan niệm người xưa nhưng bà vẫn liên tục cập nhật thông tin về nghệ thuật trên thế giới: “Ở đâu có cái gì mới, ban nhạc trẻ nào đang nổi, tôi cũng đều nắm bắt”.

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Cải lương văn minh lắm!

Quay sang nhạc trẻ Việt, bà phản bác: “Người ta nói nhạc trẻ ồn ào vô nghĩa. Nhưng tôi không thấy vậy, có một số bài lời thâm thúy”. Nghệ sỹ cải lương gạo cội lấy “Lạc trôi” làm thí dụ: “Ùn ùn người nghe như thế thì cũng có lí của nó. Người Trung Hoa có câu: Nghe âm nhạc của một thời thì biết rằng thời đó đang đi đến đâu. Qua quan sát và nghiên cứu “Lạc trôi” tôi thấy giới trẻ ngày nay rất hay nhưng họ đang bị mất phương hướng. “Lạc trôi” phản ánh trúng tâm trạng người trẻ, cho nên anh Sơn Tùng đó được triệu triệu người like (thích)”. NSND Bạch Tuyết tiếp tục tán dương ngôn từ của giới trẻ: “Tôi nghe một số từ, thấy người trẻ hôm nay họ nói rất ngắn, súc tích. Thí dụ, “mưa trôi để lại ngây thơ” trong “Em gái mưa” của Hương Tràm. Thế hệ trước cứ giải thích dài dòng, sợ người ta không hiểu. Còn người trẻ thì tóm gọn điều muốn nói trong một câu. Tôi tự nghĩ: Ủa, sao mình không làm cải lương bằng mấy từ văn học này ta?”. Thế là, phiên bản cải lương “Em gái mưa” ra đời, trong đó bà “cop” hẳn một vài câu trong bản gốc, khiến khán giả trẻ thích thú: “Anh trót thương em như là em gái”, “Mình hợp nhau đến như vậy thế nhưng không phải là yêu”…

NSND Bạch Tuyết hát nhạc trẻ.

Một bài “hit”  được Bạch Tuyết “nhào nặn” thành phiên bản cải lương khi bà  thấy có một số từ thuyết phục mình, như trong bài “hit” “Sống xa anh chẳng dễ dàng” do Bảo Anh trình bày, có câu “Nhìn vào hư không ngước vô định vào xa xăm”, theo Bạch Tuyết thì văn học cải lương chưa có lối diễn tả này: “Muốn tụi trẻ thích thì phải có ngôn ngữ của tụi đó, nếu không ai nghe mình”. (NSND Bạch Tuyết có bằng cử nhân Ngữ văn ở tuổi 40 - PV).

Trước khi cover những bản hit của ca sỹ trẻ, nghệ sỹ đều chủ động xin phép họ: “Tiếp xúc với họ, tôi thấy các bạn ấy có văn hóa, có khao khát đóng góp cho cuộc đời này”. Ca sỹ Hương Tràm, chủ nhân của “Em gái mưa” đã viết cho NSND Bạch Tuyết: “Cảm ơn cô rất nhiều. Bản thân con không ngờ ca khúc của mình lại có ngày được sự công nhận của một NSND gạo cội, được hát lại theo phiên bản cải lương tuyệt vời như vậy”. Nhiều khán giả cổ vũ Bạch Tuyết tiếp tục cover hit nhạc trẻ, họ khen giọng ca của nữ nghệ sỹ vẫn đầy nội lực. NSND tiết lộ: Bà giữ được giọng nhờ mấy chục năm nay luyện thở.

Biến tấu hit nhạc trẻ cũng chỉ là một lần thể nghiệm làm mới cải lương của bà. Vẫn còn có những mảnh đất khác nghệ sỹ cần khai phá: “Nhiều người không để ý nên cứ nghĩ cải lương là xưa cũ. Cải lương văn minh lắm, nó gồm cả thi - ca - vũ-  nhạc kịch. Một nghệ sỹ cải lương phải học hết mọi thứ mới hóa thân được vào nhân vật. Thậm chí cải lương có thể đưa nhạc giao hưởng, vũ ba lê vào là chuyện bình thường”. Phóng viên hỏi nữ nghệ sỹ: “Tại sao không đưa bolero, dòng nhạc đang thịnh hành vào cải lương?”. Nghệ sỹ đáp: “Cải lương có bolero rồi, năm 1960  bolero vào thì vào luôn cải lương”.

Sức sống của cải lương: Forever!

Nhiều người thường quá chú trọng danh hiệu NSND cải lương của Bạch Tuyết mà quên mất bà còn là một nghệ sỹ có học vị cao. Bà giành tấm bằng tiến sỹ cách đây 19 năm. Hiện tại, bà vẫn làm việc cần mẫn “20 tiếng một ngày không thấy mệt”, Bạch Tuyết tiết lộ. Bà tiếp tục học luật quốc tế, nay đã tốt nghiệp, rồi học tiếp về sinh học: “Giống như con virus, tôi không chịu ngồi yên”. Tại sao một nghệ sỹ cải lương nổi tiếng vẫn miệt mài học? Bất ngờ trước câu hỏi này, bà cười lớn: “Tôi lấy bằng tiến sỹ đã 19 năm, tới này sang năm thứ 20, chưa ai hỏi tôi học để làm gì?”. Rồi nghệ sỹ dẫn câu tiếng Anh “kinh điển”: “You’re never too old to learn” (Bạn không bao giờ là quá già với việc học - pv). Ở nước ngoài, 70, 80 tuổi người ta vẫn vô đại học. Vấn đề không phải người ta kiếm bằng cấp mà là hướng tới có nhiều thông tin chừng nào, người ta sẽ văn minh chừng ấy và tốt đẹp chừng ấy. Khi tôi vào cải lương tôi thấy nó quá quí. Nhưng vì cải lương ra đời ban đầu để đáp ứng nhu cầu chống ngoại xâm nên “gạo chợ nước sông” riết rồi ít người có học quá đi. Người ta vẫn cảm thấy sự ít học là bình thường còn tôi thấy tội nghiệp nghệ thuật cả một dân tộc. Vì thế, tôi nguyện sẽ học  tử tế. Khi đi dạy phải bước vô trường đại học dạy đàng hoàng chứ tôi không thích sống lâu lên lão làng”.

NSND Bạch Tuyết -  cố NSUT Thanh Sang trong vở “Kiều Nguyệt Nga”.

Nghệ sỹ gạo cội cho rằng: Cải lương không cần chiêu trò. Bởi ở cải lương đã hội đủ chiêu trò, vì kết hợp nhiều bộ môn nghệ thuật, vấn đề ở chỗ cần có một người tài hoa để hiểu nó. Và cải lương cũng cần một sân khấu hấp dẫn để thu hút khán giả: “Khi tôi học ở nước ngoài, tôi có một thẻ vào nhà hát. Nhà hát bên họ luật lệ đàng hoàng. Sân khấu hấp dẫn. Có những vở tôi đi coi tới 4,5 lần có khi chỉ để xem cảnh trí. Chẳng hạn đổi sang cảnh cổ đại, họ đổi cho mình thấy luôn, nháy mắt một cái thấy cảnh mới hoàn toàn. Có những nhà hát như thế mới khiến khán giả toàn cầu ngưỡng mộ, đặt mua vé từ năm trước. Trong một thành phố, người ta có bao nhiêu nhà hát. Còn ở ta thử hỏi, Sài Gòn có bao nhiêu nhà hát, Hà Nội có bao nhiêu nhà hát?”. Nghệ sỹ Bạch Tuyết lấy hiện tại so với quá khứ và rút ra kết luận giật mình: “Hồi mới giải phóng, tôi ra Hà Nội, ngồi miếng ván, quay mặt vô trong ăn phở, ăn xong bước qua chỗ khác mới có nước trà uống. Còn bây giờ chỗ phở, chỗ cà phê đẹp cực kỳ mà nhà hát thánh đường đang thế nào? Hồi còn lang thang ngoài đường thì nhà hát đẹp cực kỳ, còn bây giờ mọi thứ đều lên chỉ riêng nhà hát xuống”.

Nói về sức sống của cải lương, NSND Bạch Tuyết khẳng định: “Forever” (mãi mãi). Nhưng đang thiếu người giỏi để hiểu âm nhạc cải lương. Theo nữ nghệ sỹ, phải biết nghe cải lương như nghe nhạc giao hưởng: “Bạn phải biết nghe thì đặt lời vô mới đúng chỗ” (soạn giả cải lương không sáng tác nhạc mà chỉ soạn lời ca theo bản nhạc có sẵn - PV). Nhiều khán giả và nhà nghiên cứu còn nhận ra: Cải lương cũng như một số loại hình sân khấu khác đang trong tình trạng thiếu “sắc”. Hiện nay, ít người trẻ vừa đẹp, vừa tài chọn cải lương làm nghiệp. Biết bao giờ cải lương lại có một Thanh Nga tài, sắc vẹn toàn: “Thanh Nga mới chuẩn đào thương. Nàng nở nụ cười người ta thấy như đóa hoa nở dần từng cánh. Nàng cất  tiếng, khán giả lịm đi”. Riêng Bạch Tuyết dù được mệnh danh “cải lương chi bảo” cũng không dám nhận đóng tất cả mọi vai đều hay: “Thí dụ, tôi thành công với vai Dương Vân Nga, vì Dương Vân Nga quyết liệt. Cả đời tôi không bao giờ  dám đóng Huyền Trân công chúa hay công chúa Ngọc Hân”.

NSND Bạch Tuyết không trách người trẻ quay lưng với cải lương: “Đừng hỏi người trẻ theo cải lương nhiều hay ít. Vấn đề là cải lương có gì để giới thiệu với người trẻ. Giống như ta đọc trăm cuốn sách, có khi chỉ một cuốn được “gối đầu giường”. “Nửa đời hương phấn là vở cải lương ra đời khi Sài Gòn bị Mỹ chiếm đóng, trong đó có những người con gái nghèo phải bán thân nuôi gia đình, tâm trạng họ không vui, cải lương chia sẻ với họ. Hiện nay, ở miền Tây, có những cô gái không biết chữ nhưng cha mẹ dám cho lấy chồng nước ngoài, có thấy vở cải lương nào chia sẻ với người ta. Cải lương không mang hơi thở cuộc sống đương đại thì trách gì người ta quay lưng?”.  Rồi bà kết luận: “Ông cha mình quá giỏi đi, bây giờ mình quá dở”.

“Đừng hỏi người trẻ theo cải lương nhiều hay ít. Vấn đề là cải lương có gì để giới thiệu với người trẻ.

NSND Bạch Tuyết