Những vấn đề trên được ghi nhận tại diễn đàn Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến, tại TPHCM, ngày 28/9.
Nhiều khó khăn khi xuất ngoại
TS. Nguyễn Văn Kiền - giảng viên Đại học Quốc gia Úc - cho rằng, nông sản hữu cơ của Việt Nam có nhiều cơ hội vào thị trường Úc và gạo là mặt hàng có cơ hội tốt nhất nhờ nhu cầu gạo hữu cơ vượt xa nguồn cung. Các sản phẩm trái cây, rau quả chế biến hưởng lợi thế quy định thuận lợi; các mặt hàng như hạt điều, macca vào thị trường này cần được xử lý cacbon dioxide.
Riêng hai mặt hàng thế mạnh của Việt Nam là cà phê và hồ tiêu tại thị trường này sẽ gặp nhiều khó khăn do thừa nguồn cung. Ngoài ra, các mặt hàng cá, tôm, các loại thảo mộc và gia vị khô như húng quế, quế... sẽ có triển vọng phát triển tốt tại thị trường này.
“Quan sát tại các kênh siêu thị, nhà hàng, các cửa hàng bán buôn, tôi thấy rằng sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc từ Việt Nam đang dần thâm nhập vào thị trường Úc. Đó là những tín hiệu tốt để tiếp tục giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đến người tiêu dùng tại quốc gia này” - TS Kiền nhìn nhận.
Trong khi đó, nông sản hữu cơ của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn khi vào thị trường châu Âu.
Ông Phạm Minh Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam - cho biết, từ năm 2000 - 2010, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã âm thầm làm sản phẩm hữu cơ cho DN châu Âu, nhưng thực chất là các DN mua hàng về đóng gói.
“Năm 2008, khi sang châu Âu, chúng tôi nhận thấy chè Việt Nam không có tiếng tốt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí đến bây giờ, các đối tác lần đầu làm với chúng tôi cũng đều kiểm tra rất kỹ, dẫn đến DN phải tốn kém nhiều trong khâu xét nghiệm”- ông Đức thông tin.
Từ năm 2018, DN Việt Nam bắt đầu thực sự làm chủ. Cũng trong giai đoạn này, một số DN lớn bắt đầu chuyển một phần sản phẩm sang làm hữu cơ. Tuy nhiên, thương hiệu của DN trong nước hiện còn nhỏ, khó xâm nhập thị trường châu Âu.
“Tất nhiên, uy tín, danh tiếng sản phẩm hữu cơ xuất xứ từ Việt Nam ở thị trường thế giới đã đi lên được một chút", ông Đức nói và cho hay, từ 2018 đến 2022, có 164 DN với 200 sản phẩm đang có chứng nhận USDA của Mỹ.
Cần xây dựng lòng tin
Để phát triển thị trường hữu cơ tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Việt Nam - nhấn mạnh, cần xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.
“Điều này cần cả quá trình với sự nỗ lực từ nhiều bên từ cơ quan quản lý nhà nước, DN, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng” - ông Tiến nói.
Ở góc độ DN, Phó Chủ tịch HĐQT Vinamit Bùi Hồng Quân cho rằng, để làm nông nghiệp hữu cơ thực chất, điều quan trọng là DN phải đảm bảo uy tín, thực hiện đúng cam kết về chất lượng, mẫu mã khi tới tay nhà phân phối và người tiêu dùng. Ông Quân cũng thẳng thắn cho biết, hiện nay, Vinamit vẫn chưa thể tin tưởng được một số nhà cung cấp do nhiều đơn vị chưa đảm bảo đúng theo cam kết ban đầu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chưa thực sự phát triển, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.