Nối thêm chuyện Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

TP - Đã 50 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967). Có khá nhiều giấy mực về danh tướng Nguyễn Chí Thanh nhưng nói về ông có vẻ chừng ấy vẫn chưa đủ. Mới đây, nhân 50 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, NXB Quân Đội Nhân Dân phát hành bộ sách gồm 3 cuốn Những cánh thư ra Bắc vào Nam, Nguyễn Chí Thanh góc nhìn từ hậu thế, Vị tướng nông dân.
Bác Hồ với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Kỳ I: Trong cơn lốc cải cách ruộng đất

Có dung lượng khiêm tốn, nhưng đoạn hồi ức của cố thiếu tướng Đặng Văn Duy, nguyên thư ký của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lần đầu được công bố cho chúng ta biết thêm về một giai đoạn nhạy cảm, khó khăn của vị đại tướng.

...Hồi cải cách ruộng đất, Tổng cục Chính trị và anh Thanh nhận được nhiều thư, công văn của nhiều nơi yêu cầu đưa một số cán bộ trong quân đội về địa phương để xem xét và xử lý, số ấy tính ra không dưới 300 người, hầu hết là cán bộ. Có đồng chí là cán bộ cao cấp ở cơ quan Bộ Quốc phòng hoặc trực thuộc.

 Mỗi lần nhận được thư hoặc công văn thuộc loại đó, anh đều trực tiếp đọc, suy nghĩ và cất riêng vào một chỗ. Anh dặn tôi: “Chuyện này hệ trọng lắm, tuyệt mật. Chú không được nói với bất kỳ ai”. Và anh cho biết, số anh em này nhiều người xuất thân từ thành phần lớp trên, nhưng đều là cán bộ có học, tham gia cách mạng, tham gia quân đội đã lâu, có nhiều đồng chí đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu hoặc có nhiều năm hoạt động cách mạng ở địa phương. Tôi thấy nhiều lần anh Thanh trực tiếp làm việc với các đồng chí Cục trưởng Cục tổ chức và Cục Bảo vệ quân đội.

Không khí dạo đó rất căng thẳng trong quan hệ giữa quân đội với các cơ quan phụ trách cải cách ruộng đất ở các địa phương.

Anh Thanh suy nghĩ rất nhiều, làm sao bảo vệ cho được lẽ phải. Mà bảo vệ được lẽ phải tức là bảo vệ được anh em cán bộ thuộc diện này.

Tiếp đó anh Thanh được Bác Hồ và Bộ Chính trị cử vào Khu Bốn trực tiếp nghiên cứu đánh giá tình hình đặc biệt tập trung vào hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang tiến hành chỉnh đốn tổ chức trong cải cách ruộng đất. Anh Thanh đã dành thời gian nhiều lần cả ngày lẫn đêm để làm việc với anh Chu Văn Biên, Bí thư Khu ủy Khu Bốn. Anh tập trung nghe tình hình chấn chỉnh tổ chức cán bộ, nhất là những trường hợp cán bộ oan sai để kịp thời ngăn chặn, không để mất cán bộ đảng viên và những người có công với cách mạng, với nhân dân trong đó có số cán bộ anh Thanh từng biết khi đang giữ trọng trách Bí thư Liên khu ủy Khu Bốn. Đồng thời, cũng lúc này anh nhận được từ chính Bác Hồ nhiều đơn thư gửi cho Bác và Bác có dặn anh sớm vào nghiên cứu giải quyết cho kịp. Trong số đơn thư ấy có tên người anh ruột của tôi!

Trước khi về, anh Thanh còn dặn thêm anh Biên rằng “về nhân sự nếu có việc gì quá gấp, khẩn trương thì anh cứ thế này… thế này. Thế này tức là “Hãy khoan, trường hợp này phải xin ý kiến của Hồ Chủ tịch đã”.

Ra Hà Nội, anh sang báo cáo ngay trước là với Bác Hồ và sau là Bộ Chính trị. Từ tình hình thực tế ở hai địa phương nóng nhất nước về cải cách ruộng đất cộng với thực trạng ở các địa phương khác nữa, Bộ Chính trị và Trung ương đã đánh giá tình hình, tổ chức hội nghị đề ra phương cách sửa sai trong cải cách ruộng đất. Nhờ vậy mà một số cán bộ quân đội mà anh Thanh từng nhận được đơn thư hoặc yêu cầu của Ủy ban Cải cách ruộng đất đều được yên ổn, không ai phải đưa về địa phương để xem xét gì khác nữa.

Tôi còn nhớ trong diện nói trên, sau này có những đồng chí được phong quân hàm cấp tướng hoặc chuyển ra ngoài làm đến chức bộ, thứ trưởng, viện trưởng các viện quan trọng, nhiều đồng chí vẫn làm việc ở cơ quan Bộ Quốc phòng hoặc chỉ huy các đơn vị quân binh chủng…

Có điều đặc biệt là về chuyện này, anh Thanh không hề nói với ai.  Nếu có nói thì chỉ trao đổi riêng với cá nhân cán bộ đó…

Xin trở lại với lời bộc bạch của tướng Đặng Văn Duy là trong số đơn thư của Bác Hồ trực tiếp chuyển cho đại tướng Nguyễn Chí Thanh về những trường hợp oan sai có trường hợp người anh ruột của tôi…

Ông Đặng Văn Duy có người anh ruột là Đặng Duy Thụ. Ông Đặng Duy Thụ từ năm 1951 đã làm việc ở Ủy ban hành chính kháng chiến huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Trong cải cách ruộng đất, ông Thụ bị tố oan làm thủ quỹ giữ kho cho Quốc dân đảng. Ngoài việc bị khai trừ Đảng và cách tuột các chức một thời gian dài mang án oan ấy, ông Thụ luôn bị o ép, dằn vặt đau khổ.

Khoảng giữa năm 1956, ông Duy bất ngờ về Nghi Xuân nói là tiện đường công tác ghé qua. Cùng đi với người em ruột ông Thụ còn có một người đứng tuổi mà ông Duy giới thiệu là người cùng cơ quan. Người bạn cùng ông Duy thong thả ở chơi với gia đình một buổi. Thái độ người bạn của em mình thẳng thắn chân tình lại gợi cho ông Thụ bộc bạch những tâm sự sâu kín kể cả những dằn vặt khổ đau mà ông vướng phải trong cải cách ruộng đất. Ông Thụ cứ thế mà mở lòng với người đồng đội của em trai.

Chỉ ít ngày sau hai người trở lại đơn vị ở Hà Nội, tình thế như có phép mầu với ông Thụ ở tít tận Nghi Xuân. Ông Đặng Duy Thụ được phục hồi đảng tịch và mọi chức vụ, chế độ. Lại được tham gia vào đoàn sửa sai tại các địa phương khác.

Mãi rất nhiều năm sau, ông Đặng Văn Duy mới hé cho ông anh ruột mình cái người cùng đơn vị ghé quê nhà Nghi Xuân giữa năm 1956 ấy là đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Chắc nhiều người đến giờ vẫn chưa biết. Con trai ông Đặng Duy Thụ năm 1956 ấy, Đặng Duy Báu, mới 12 tuổi, sau này dần dà trưởng thành, từng đảm chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Và người cháu đích tôn ông cán bộ Đặng Duy Thụ oan khuất ngày ấy, con trai Đặng Duy Báu là TS  Đặng Quốc Khánh (sinh năm 1976) hiện  ở cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, được coi là vị chủ tịch tỉnh trẻ nhất nước.

Những giai đoạn khó khăn nhạy cảm không chỉ trong cải cách ruộng đất. Chịu khó lật giở các tập sách mới ra lò của NXB, người đọc luôn bắt gặp những trích đoạn ấn tượng.

 Như đoạn nói về nhà thơ Trần Dần.  Như mọi người biết, sau vụ Nhân văn… Trần Dần bị bắt giam. Thi sĩ gần như mất lòng tin, ý chí, rơi vào tuyệt vọng. Trần Dần đã định tìm đến cái chết.

Nhưng bây giờ nhiều người đọc mới biết chuyện đại tướng Nguyễn Chí Thanh chủ động tới thăm nhà thơ. Và có lẽ lần đầu nhiều người mới biết câu nói của đại tướng với nhà thơ như thế này.

Tôi biết trong đầu anh còn rất nhiều sáng tạo chỉ chờ thời gian để cho ra đời và phát sáng. Anh nhất định phải sống đến ngày đó.

Và câu này nữa của Trần Dần hình như chưa nghe ở đâu: Cái người ký lệnh bắt tôi đã cứu sống tôi!

Và sau này, Trần Dần đã được rửa sạch oan ức bằng Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Với nhà văn Nguyên Ngọc, Đại tướng rất khoái Đất nước đứng lên. Từng gặp gỡ hỏi chuyện thân mật nhà văn trải qua thực tế với đồng bào Tây Nguyên như thế nào mà viết ấn tượng thế.

Nhưng Đại tướng bảo luôn: Cái kết của Đất nước đứng lên cậu viết hơi buồn. Liệu có sửa chút ít được không?

Nguyên Ngọc về sửa đi sửa lại. Nhưng vẫn không ưng.

Đang khi lúng túng, Đại tướng điện đến bảo: Hôm nọ mình nói là nói thế thôi. Cậu cứ để nguyên như thế cũng chẳng sao. Đừng có ép mà lợn lành chữa thành lợn què đấy!

Câu chuyện của con trai Đại tướng, tướng Nguyễn Chí Vịnh với nhà thơ Hoàng Cầm cũng khó mà rơi vào quên lãng.

Ấy là khi Nguyễn Chí Vịnh mạo muội đặt ra câu hỏi với Hoàng Cầm.

Bây giờ nhìn lại vụ nhân văn thế nào? Lớp văn nghệ sĩ thời đó có gì sai?

Tướng Nguyễn Chí Vịnh kể lại không hề đắn đo, ánh mắt lão niên của nhà thơ vẫn rực lên như thắp lửa rằng sai quá đi chứ! Khi ấy văn nghệ sĩ có những nhận thức chưa đúng, có nhiều lệch lạc. Nhưng xử chúng tôi nặng quá. Giá việc này được ông Thanh trực tiếp xử lý tôi tin chắc không đến mức độ như vậy!

Nhà văn nhà báo Phan Quang kể, hiểu rõ hạn chế của mình là không có điều kiện học tới nơi tới chốn ở nhà trường, đại tướng luôn tranh thủ học tập.  Ham mê đọc sách kinh điển, sách lý luận, sách nghiên cứu kinh tế và cả tác phẩm văn học. Căn phòng nhỏ làm việc ở nhà bày nhiều sách trên giá gỗ. “Lần nào đến cũng thấy sách văn học anh đọc thay đổi luôn, chứng tỏ anh đọc khá nhanh. Tôi thấy có cuốn Chiến tranh Hòa Bình, Hồng Lâu Mộng, Thơ chữ hán Nguyễn Du, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi...”. Lần ấy đi công tác, Phan Quang đưa Đại tướng coi tờ Văn Nghệ. Đại tướng chú ý đến mẩu quảng cáo Tuyển tập Shakespeare mới phát hành dày 800 trang.

Đến hiệu sách một thị xã lớn, Đại tướng bảo ghé vào và mua tuyển tập dày cộp ấy. Phan Quang để ý suốt chuyến đi ấy, ngoài việc tranh thủ đọc, đại tướng còn đưa cho cả cậu cần vụ tên là Chắt đọc. Một thời gian sau, đại tướng bộc bạch với Phan Quang: cậu Chắt bảo ông Sechxpia hay thì có hay nhưng ngôn từ rắc rối quá! Mình bảo cổ điển phải thế chứ! Quen rồi sẽ thấy hay. Người ta tả tình yêu đậm đà và ý tứ thế chứ có gì tà dâm đâu?

Còn nhạc sĩ Trần Hoàn kể lần ấy đại tướng bảo đàn hát cho ông bài Thiên Thai của Văn Cao. Đại tướng rủ rỉ: Này, bài hát nghe rất hay nhưng mình chưa hiểu hay ở chỗ nào Hoàn thử nói mình nghe.

Trưa hè đổ lửa ấy, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Nguyễn Chí Thanh chăm chú nghe nhạc sỹ giảng qua về khúc thức, giai điệu hình tượng âm nhạc…

Đại tướng gật gù.

Thế tại răng những bài hát kháng chiến làm lại không hay như vậy được? Mà kháng chiến cũng đau khổ, day dứt lắm chứ? Bao nhiêu mối tình bao nhiêu sự chia ly, bao nhiêu những hy sinh cao cả mà sao chưa có nhiều bài hát hay?

Hình như băn khoăn của Đại tướng đến tận bây giờ vẫn chưa được lý giải rốt ráo.