Để ý kỹ mới thấy những bức tường hậu lở lói rêu phong quay lưng ra phố của các cơ quan quân sự. Nếu là mặt tiền thì sâu hút vào trong cũng của một cơ sở nhà binh nào đó có lính bồng súng nghiêm cẩn.
Nhưng thời đổi mới như có hiệu lệnh âm thầm nhất loạt đằng sau quay đổi hậu quân thành tiền quân. Mặt tiền phố Lý Nam Đế, vốn là khu tập thể của các sỹ quan trung cao cấp quân đội đã bung ra hàng loạt cửa hàng điện lạnh, điện tử, nhà hàng…Mặt hậu thoắt thành mặt tiền, thành nơi buôn bán kinh doanh san sát, nhà cửa tân thời loáng cái đã sáng choang nhôm kính. Những đơn vị quân đội vốn trước đây bí mật khiêm nhường ẩn trong cây trong lá giờ cũng xây cất khang trang.
Trong trận đồ bát quái của một con phố thương mại, tôi đang đi dò tìm một ngôi nhà. Nhà 34 Lý Nam Đế. Ngôi nhà mà đại tướng Nguyễn Chí Thanh và gia đình ở từ cuối những năm 50.
Ngồi chuyện với chị Nguyễn Thanh Hà, con gái cả của đại tướng, cứ bâng khuâng một quá vãng…
Tiếp quản Thủ đô, tướng Thanh và gia đình được ở một ngôi biệt thự bề thế ở đường Cổ Ngư gần kề hồ Tây. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, nhận thấy nhiều điều bất tiện vì nhà nước khi đó đang rất cần những biệt thự sang trọng phục vụ công việc khác cần kíp, tướng Thanh đã chủ động trả nhà. Rồi gia đình được chuyển đến một ngôi nhà ở phố Cửa Đông. Nhưng cũng chả lâu, Bộ Quốc phòng thấy ngôi nhà quá chật không có cả chỗ tiếp khách nên đề nghị đại tướng chuyển đến ngôi nhà khác. Đó là nhà 34 Lý Nam Đế.
Nhà 34, ngôi nhà đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã sống và làm việc trên 10 năm. Từ nhà 34, ông đã vào chiến trường… Cũng từ nhà 34 ông đột ngột vướng bạo bệnh rồi vào thẳng bệnh viện 108 và vĩnh viễn ra đi. Nhà 34 cũng là nơi phu nhân đại tướng, bà Nguyễn Thị Cúc cùng 4 người con đã ở thêm 13 năm nữa…
Nhà 34 Lý Nam Đế có 3 tầng. Mỗi tầng có hai phòng khoảng 20m2. Nhưng căn phòng được người lui tới nhiều nhất lại là cái gara vốn dùng để xe ở tầng một.
Tuy thiếu tiện nghi nhưng lại rất tiện không phải leo cầu thang. Con cái đi học là ào vào đây. Khách thân quen và nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp cũng vào đây và được tiếp ở đây. Bà nội trên hành lang tầng 2 có thể nghe rõ mọi lời trò chuyện từ đây. Lần ấy Bác Hồ dùng cơm với gia đình. Bác thoáng thấy bàn tay phải của thân mẫu đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ có 4 ngón. Răng rứa mệ? Bác ân cần hỏi. Bà nội kể cho Bác và cả nhà nghe lần tham dự biểu tình chống sưu thuế, người đàn bà gan góc đó đã xáp tới giơ bàn tay áp lên miệng khẩu súng ngắn của một quan binh Pháp tau thách mi bắn đó. Hắn bắn thiệt. Một ngón tay bà nội đứt lìa.
Nghe chuyện Bác cười, hướng về phía đại tướng rõ là mẹ nào thì con nấy!
Cũng lần gặp ấy với tướng Nguyễn Chí Vịnh, con trai đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nghe kể về đám cưới của anh tổ chức tại nhà 34. Tướng Vịnh nói có lẽ đó là sự kiện lớn cuối cùng của gia đình tướng Thanh trong ngôi nhà 34 này… Và trước đó, 3 đám cưới của các con gái tướng Thanh cũng đều được tổ chức ở ngôi nhà này, trên mảnh sân này. Cỗ cưới cũng được nấu nướng, chế biến trong căn bếp nhà 34.
Rồi câu chuyện ngược về những năm xa. Chắp nối thêm chuyện với chị Nguyễn Thanh Hà.
Nhà 34 gồm ngôi nhà 3 tầng, ngôi nhà ngang và nhà bếp nhỏ phía sau. Cạnh bếp và ngôi nhà chính có hai bể nước vừa đựng nước máy và nước mưa. Bao quanh là sân vườn.
Khi mới chuyển về đây, vườn còn trống chỉ lơ thơ ít cây dại. Một lần đi Thanh Hóa, tướng Thanh trở về trên xe com-măng-ca lèn chặt các loại cây giống. Nhiều nhất vẫn là dừa. Dừa giống xứ Thanh. Chắc nhiều nhưng đậu lại còn hơn chục cây ở hai mép sân chính. Sâu phía trong nữa là ổi, nhót và khế. Chị Hà nói hai hàng dừa luôn trĩu quả. Dừa ăn không hết mang ra chợ Hàng Da bán. Khế, ổi cũng thế. Mỗi dịp gia đình có giỗ, chị Hà, Sơn gánh dừa khế ổi ra chợ Hàng Da. Bán chỉ bằng một nửa và hai phần ba giá người ta bán ở chợ. Nhưng cũng đủ tiền để lo toan cho mấy mâm cỗ tinh tươm có mấy đĩa thịt gà đầy đặn. Lần ấy Bác Hồ sang chơi nhà cô chú Thanh bà và các cháu… Bác cười vườn rộng đẹp đấy. Nên trồng thêm rau vừa có hoa lá lại vừa có rau ăn… Thế là một phần vườn được chuyển sang trồng rau muống, su hào, cải bắp… Lần ấy chị Kim Sơn gánh rau muống ra chợ Hàng Da bán. Một ông nhiếp ảnh chớp được mang tặng chị ảnh. Tiếc tấm ảnh nay đã bị thất lạc.
Hai hàng dừa nhà 34 do tướng Thanh tự tay trồng thành cổ thụ nay đã bay biến mất cùng số phận của ngôi nhà và mảnh vườn. Tướng Thanh và bà Cúc có sáu đứa cháu nội ngoại thì có bốn sinh ở nhà 34. Bốn cô cậu ấy từng vui chơi và lớn lên dưới bóng râm mát của dừa ổi khế nhà 34 này.
…Trong nhà 34 có một tập thể nhỏ đặc biệt. Đó là trung đội bảo vệ do ông Sáng làm trung đội trưởng. Cậu bé Vịnh luôn gắn bó với trung đội này. Cậu thường được hướng dẫn đẽo súng đánh võ chơi những trò quân sự và được chiều chuộng. Ngày 6/7/1967, trước đêm đại tướng trở bệnh đột ngột khi vừa từ nhà sàn Bác Hồ trở về, cả trung đội đã sắp hàng nghiêm cẩn đưa trình đại tướng một lá đơn viết bằng máu tình nguyện theo đại tướng vào chiến trường B.
Từ ngôi nhà 34, đại tướng rất hay đi ngoại thành. Ông hay về chuyện trò gặp gỡ với ông Quỳnh, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương.
… “Chuyến đi vào Thanh Hóa ấy, tôi (Chí Vịnh) đi cùng các anh chị trong nhà. Không có điện đài đi theo. Khoảng 8, 9 giờ tối bỗng có tiếng súng nổ. Rồi pháo bắn sáng rực ngoài biển, đó là một đêm đầu tháng 8/1964. Chỉ một lát sau có người đến báo là cả nhà phải ra Hà Nội gấp. Thế là đi suốt đêm. Sáng sớm mới ra đến 34 Lý Nam Đế. Thì ra Bác Hồ báo ra gấp. Ngôi nhà 34 sớm tinh mơ ấy có công an, bộ đội đầy nhà. Một cuộc họp quan trọng. Bà nội được đưa từ gác hai tạm xuống tầng một”.
Khách bắt đầu đến nhà. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến đầu tiên rồi Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau đó là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Các ủy viên Bộ chính trị không quá 10 người ngồi vừa đủ bộ sa lông tầng hai. Khoảng 7h30 Bác đến. Bác đi chiếc Pô- be- đa. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xuống đón Bác.
Giá như nhà 34 mà còn thì hẳn trên gác hai, tại bộ sa lông cũ kỹ ấy có tấm biển ghi những dòng đại loại: Tại đây ngày… tháng 8/1964, Bộ Chính trị đã họp bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bàn bạc quyết định những việc nước hệ trọng. Đối phó với cuộc tiến công bằng đường không của giặc Mỹ. Nội dung thứ hai là bàn việc cử đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào chiến trường B.
Khu vườn nhà 34 không chỉ có dừa, ổi đại tướng trực tiếp trồng. Cũng trong cuộc họp ấy Bác Hồ nói nhà chú Thanh nên xây một cái hầm trú ẩn.
Đó là cái hầm đặc biệt chống bom sâu đến hơn 10 mét. Đó là căn hầm cùng loại được xây ở nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn phòng Trung ương ở Nguyễn Cảnh Chân và khu A1 Bộ Quốc phòng. Căn hầm ở nhà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là cái thứ tư.
Khi nhà 34 sang chủ mới thì người ta đã lấp căn hầm này.
Năm 1972, hằng tháng, Nguyễn Chí Vịnh nhận tiền tuất của bố. Mỗi tháng bà nội được 19 đồng. Vịnh được 12 đồng. Cả nhà được 10 đồng. Vào thời điểm này học bổng toàn phần của học sinh phổ thông là 9 đồng. Một lần vào năm 1973, có người bảo “tiêu chuẩn của cháu hưởng theo Tổng cục Chính trị không còn nữa. Cả nhà cũng không còn nữa”. Nghe vậy Vịnh lẳng lặng trở về nhà không dám nói với mẹ vì mẹ đang đau ốm sợ bệnh nặng thêm…
Những năm cuối 79 đầu 80, sức khỏe bà Cúc suy kiệt. Bệnh đau dạ dày kinh niên, bệnh cao huyết áp diễn biến thất thường. Bà hầu như không ngủ. Kèm theo đó là nỗi lo không tên những day dứt nói ra và không thể nói ra được. Bà bị trầm cảm. Bà nằm ở Viện 103, 108 rất lâu rồi mất ở 108 năm 1980.
Lần ấy ngồi chuyện với tướng Vịnh, tôi có hỏi về việc tại sao không giữ lại ngôi nhà 34 để làm nơi lưu giữ những kỷ niệm về đại tướng như một thứ bảo tàng. Tướng Vịnh cứ ậm ừ rồi lảng sang chuyện khác. Sau này gạn thêm chị Hà và chồng là anh Bảo, nguyên là sĩ quan tùy tùng của tướng Đào Đình Luyện, anh chị nói luôn là đầu những năm 90 liên tục đề nghị đơn từ hẳn hoi nhưng…
Một chút tiếc nuối nữa khi trong câu chuyện, anh Bảo cho hay gia đình hiện không còn giữ được tấm ảnh nào về nhà 34.
Bây giờ mỗi khi ghé phố nhà binh Lý Nam Đế lướt qua nhà 34 có chủ mới với kiến trúc tân kỳ nhôm kính, không khỏi bồi hồi khi nghĩ đến mấy chục năm trước, chủ cũ ngôi nhà là đại tướng Nguyễn Chí Thanh…
Cũng là cái may khi mới đây những người con của đại tướng, được sự trợ giúp của nhà nước và quân đội đã xúm tay tạo dựng được một không gian nhà lưu niệm đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở 47 Phan Đình Phùng.
Giá như nhà 34 mà còn thì hẳn trên gác hai, tại bộ sa lông cũ kỹ ấy có tấm biển ghi những dòng đại loại: Tại đây ngày… tháng 8/1964, Bộ Chính trị đã họp bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bàn bạc quyết định những việc nước hệ trọng. Đối phó với cuộc tiến công và đường không của giặc Mỹ.