Trời nắng như đổ lửa, trên đường phố Hà Nội nóng hầm hập có một người đàn bà... quàng khăn len, đi bộ, trong chiếc túi cũ kỹ mang theo cả xấp lá đơn kêu oan.
Chống tiêu cực bị trù dập
Cách đây hơn 20 năm, được điều từ tỉnh Thái Bình về tỉnh Thuận Hải nhận công tác (nay là tỉnh Bình Thuận), cô giáo Ngọc Trâm hồi ấy đầy niềm tin yêu trong sáng với cuộc đời. Chính vì sự tin yêu đó, mà khi chứng kiến người ta “ăn bẩn”, dẫu đó là cấp trên của mình, cô giáo Trâm không thể nào nhắm mắt làm ngơ.
Ấy là năm 1982, lúc đang làm cán bộ phụ trách phòng thí nghiệm kiêm thủ quỹ của trường cấp III nay là trường PTTH Phan Bội Châu (Phan Thiết, Thuận Hải) phát hiện thấy Hiệu trưởng Lê Văn Ưng thông đồng cùng Kế toán Lê Quang Trinh tham ô công quỹ, cô giáo Trâm đã viết đơn tố cáo.
Trong đơn cô đã nêu ra 32 vụ việc diễn ra từ 1978 -1982, với số tiền chiếm đoạt bất chính là 130.356 đồng. Sở Giáo dục Thuận Hải đã tổ chức đoàn kiểm tra và kết luận sự việc cô Trâm tố giác hoàn toàn đúng.
Nhưng ông Lê Văn Ưng đã “bị” “xử lý kỷ luật” một cách rất ngược đời: Thôi giữ chức Hiệu trưởng trường PTTH Phan Bội Châu để lên làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục, trực tiếp phụ trách Phòng Tài vụ (!?).
Ngồi chưa ấm “ghế”, tân Phó giám đốc Lê Văn Ưng đã “kịp” tham ô tiền học bổng của con em liệt sỹ trong 4 tháng. Một lần nữa, cô giáo Trâm lại làm đơn tố giác gửi UB Thanh tra tỉnh.
Có ai đó biết chuyện đã cho rằng cô giáo Trâm vừa “dại” vừa “liều” vừa “ngây thơ”, rằng không khéo sẽ bị cho “ăn đòn”. Đáng buồn là lời cảnh báo đó đã đúng. Đơn của cô Trâm được UB Thanh tra chuyển về cho Sở Giáo dục xác minh làm rõ. Sở Giáo dục lại thành lập đoàn kiểm tra do chính bị đơn Lê Văn Ưng - Phó Giám đốc Sở - làm trưởng đoàn (!?).
Việc làm tréo ngoe này chẳng những không đảm bảo tính khách quan mà còn tạo điều kiện cho ông Ưng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, dùng quyền lực của mình thẳng tay trù dập cô Trâm.
Bằng cuộc kiểm tra này, ông Ưng đã “sáng tác” ra chuyện cô giáo Trâm làm thiếu hụt công quỹ. Ngay sau đó, ngày 30/6/1984, ông ta đã quyết định cho thôi việc cô Trâm với lý do: “Ý thức tổ chức kỷ luật kém, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm thâm hụt 8.870,5 đồng tiền công quỹ”.
Chưa hết bàng hoàng sau quyết định “trên trời rơi xuống” đó thì 4 mẹ con cô Trâm đã bị cắt phụ cấp. Dẫu bị thôi việc, nhưng cô Trâm vẫn lặng lẽ đi làm trong 2 năm không có lương và kiên quyết đấu tranh bảo vệ phẩm giá, quyền lợi chính đáng của mình.
Cô làm đơn khiếu nại gửi Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh. Sau khi đối chiếu sổ sách thu, chi Đoàn kiểm tra của Viện Kiểm sát kết luận: Cô Trâm không làm thiếu hụt công quỹ, ngược lại nhà trường còn thiếu của cô 474 đồng. Viện kiểm sát đã kiến nghị Sở Giáo dục thu hồi quyết định kỷ luật đối với cô Trâm.
Nhưng kiến nghị đó chẳng những không được lắng nghe mà cô giáo Trâm còn bị đoàn phúc tra của Ban Nội chính tỉnh “bồi” thêm một văn bản kết luận, nội dung chủ yếu dựa trên văn bản của Sở Giáo dục và khẳng định việc xử lý của Sở Giáo dục là đúng (!?)
Bị đẩy ra khỏi trường một cách đầy tức tưởi, cay đắng, danh dự bị bôi nhọ, cô giáo Phạm Thị Ngọc Trâm bắt đầu đoạn trường đi kiện. Cô trở thành khách quen ở các phòng tiếp dân của các cơ quan chức năng của tỉnh.
Nhưng những lá đơn kêu oan như được gửi vào cõi thinh không. Thế rồi ngay cả cái quyền được kêu oan ấy cũng bị tước bỏ khi ngày 3/8/2000, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định 1520/QĐ CTUB –BT không chấp nhận đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Ngọc Trâm với lý do: Sự việc đã được nhiều đoàn kiểm tra xác minh làm rõ.
“Hồi đó, gia đình tôi lâm vào cảnh vô cùng khốn khó, đến mức nếu không vắt kiệt sức mình thì có thể... chết đói được” - Mắt cô giáo Trâm đã đỏ hoe tự lúc nào. Cái thời xa vắng ấy tưởng chừng như mới hôm qua, nó vẫn còn tươi rói trong ký ức khiến cô... toát cả mồ hôi.
Cuộc sống của một gia đình 5 miệng ăn đành trông cả vào mấy đồng phụ cấp thương binh ít ỏi của người chồng từng là chiến sỹ Điện Biên tham gia đánh đồi A1 ngày nào.
Không có tiền, mà có tiền cũng không mua được thực phẩm bởi thời bao cấp tất cả phải nhờ vào tem phiếu, cả nhà phải sống nhờ vào rau và khoai mỳ trồng trong vườn. Đến nỗi bà con hàng xóm vẫn gọi đùa cô Trâm là “Dân ăn rau muống”.
Làm trái cả ý kiến chỉ đạo của đoàn công tác Chính phủ
Quãng thời gian “ăn rau muống...chờ công lý” của cô giáo Trâm cũng không phải vô vọng khi đoàn công tác liên ngành của Chính phủ về làm việc tại Bình Thuận, đã trực tiếp giải quyết trường hợp của cô Trâm.
Sau khi xem xét toàn bộ sự việc, lật lại hồ sơ, ngày 18/12/2000, đoàn công tác liên ngành Chính phủ đã có kết luận số 39/ ĐKT – XKT do ông Dương Ngọc Sơn – Trưởng đoàn, Phó Tổng Thanh tra Nhà nước - ký và kết luận khẳng định:
Chưa có căn cứ để thi hành kỷ luật buộc thôi việc với bà Phạm Thị Ngọc Trâm. Yêu cầu ông Chủ tịch tỉnh Bình Thuận chỉ đạo kiểm tra lại sự việc trên, nếu không có bản tự kiểm điểm của bà Trâm; không có biên bản của Hội đồng Kỷ luật có ý kiến và chữ ký của bà Trâm để xác định việc xử lý kỷ luật buộc thôi việc với bà Trâm là đúng thì UBND tỉnh Bình Thuận phải giải quyết lại vụ việc, khôi phục quyền lợi của bà Trâm theo đúng chính sách pháp luật...
Dĩ nhiên cả bản tự kiểm điểm và chữ ký của cô giáo Trâm đều không có trong biên bản của Hội đồng kỷ luật. Nhưng ngày 17/8/2001, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định số 2018/QĐCT-UBBT công nhận quyết định số 144/QĐ -KL ngày 30/6/1984 của Sở Giáo dục Thuận Hải là đúng và sửa đổi hình thức kỷ luật đối với cô Trâm từ hình thức buộc thôi việc thành hình thức cho thôi việc!
Điều này trái ngược hẳn với ý kiến chỉ đạo của đoàn công tác Chính phủ. Cô Trâm không thể chấp nhận kiểu “gia ân” như vậy, ở tuổi ngoài 60, sau hơn 20 năm đi tìm công lý, người đàn bà này lại vượt nghìn cây số, khăn gói lên đường ra Thủ đô kêu oan.
Vay tiền ngân hàng để đi kêu oan
Tôi cứ thắc mắc trời mùa hè nóng nực mà chẳng hiểu sao cô Trâm lại quàng khăn kín cổ? Cô Trâm lý giải về cái sự ngược đời ấy bằng giọng nói của người vừa ốm dậy: “Tôi mới ra viện được mấy ngày, đi lại nhiều, nóng lạnh thất thường, ăn ở khổ sở quá nên bị viêm phế quản nặng. Vì thế trời nắng chang chang mà mình phải quàng khăn, ai không biết cứ tưởng bị điên”.
Trọ ở Hà Nội 3 năm để chờ công lý, quãng thời gian ấy cay đắng, nhọc nhằn không biết để đâu cho hết. Ra đây, cô phải vay tiền ngân hàng để đi kêu oan. Oan kêu chưa thấu mà lãi mẹ đẻ lãi con.
Vậy nên, ở Thủ đô mà cô sống hành xác như một nữ tu hành khổ hạnh. Một thời gian dài ngủ nhờ nhà xe ở trường Chu Văn An, sau đó người cháu cho mượn căn phòng nhỏ xíu lợp mái tôn, tiết hè này vào trong nóng như lò lửa, nhưng như vậy với cô cũng tươm tất lắm rồi.
Đi xe ôm, xe buýt là thứ xa xỉ, cô Trâm chỉ dám đi bộ vì như thế sẽ không mất tiền, dẫu cho ở tuổi 66, mắt đã mờ, chân đã run, nhiều khi suýt đâm vào dòng xe cộ nhộn nhạo ở đường phố Hà Nội.
Ngày đi bộ hàng chục cây số, tối về cơm niêu nước lọ, nằm một mình, nước mắt lã chã khi nghĩ về chồng con ở Bình Thuận. Thương 3 cô con gái phải trải qua tuổi thơ dữ dội kể từ ngày mẹ bị hàm oan.
Đang độ tuổi hồn nhiên, các em đã phải đi bán báo, bán vé số, nuôi lợn, 2 giờ sáng đã thức dậy cùng mẹ đi làm giá đỗ. Nhưng cả 3 cô con gái đều học rất giỏi, thường xuyên được lên báo đài của tỉnh. Nay thì cả ba cô đều đã tốt nghiệp đại học và công ăn việc làm ổn định.
Sự trưởng thành của các con, cùng với tình thương yêu hết mực của chồng trở thành một điểm tựa vững chắc, giúp cô giáo Trâm vượt qua sóng gió cuộc đời. Cho dù cuộc đời cả hai vợ chồng đã hơn một lần bị tước đoạt những thứ lẽ ra là của mình.
Sau khi cô bị thôi việc, hai vợ chồng lên rừng khai hoang được 6000 m đất để trồng chanh, trồng xoài, trồng cam... Mồ hôi và cả máu đổ xuống để rừng cây xanh tốt lên, sắp đến ngày hái quả thì bị người ta thu hồi với lý do để làm khu công nghiệp. Nhưng thực tế, có khu công nghiệp nào đâu.
Tết không có tiền về với gia đình, cô nằm một mình trong phòng trọ, khóc và làm thơ. Những vần thơ như thế này được viết lên trong đêm 30: “Tôi đã đi trong cát bụi cuộc đời; Gian nan khổ cực lắm ai ơi...”.
Bạn bè ở Bình Thuận viết thư ra kể, chiều chiều thường thấy chồng cô giáo Trâm ra đứng ở ngõ ngóng vợ về. Người chồng năm nay đã 78 tuổi viết thư ra cho vợ với những lời giản dị mà khiến cô Trâm chảy nước mắt: “Em ơi! Cây xoài trước ngõ nhà mình quả chín nhiều lắm, em không về mà ăn?”.
Là con liệt sỹ, lại đã từng tham gia Thanh niên xung phong ở Trường Sơn, nên khi xem chương trình giao lưu kỷ niệm chiến thắng 30/4, cô giáo Trâm xúc động đến ngất đi. Chẳng lẽ, từng ấy năm cống hiến, cuộc đời cô lại có một kết cục như vậy ư? Chẳng lẽ hơn 20 năm đi tìm công lý, rốt cuộc cái cô nhận được là một mái đầu bạc cùng với một trí nhớ suy tàn, nhớ nhớ quên quên?
Phản hồi của bạn đọc
LTS : Hiện cô giáo Trâm đang ở trọ tại Hà Nội nên không có địa chỉ cố định. Mọi liên hệ, giúp đỡ xin gửi về địa chỉ : Ban bạn đọc báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương (Hà Nội); hoặc qua hộp thư nóng của TPO: hotline@baotienphong.com.vn, ĐT: 84 4 9431250.
Tên: Lê Quang Hà, Email: quanghaibna@yahoo.com
Thấy chuyện bất bình không thể làm ngơ
Tôi kính trọng cô đã dám nói lên điều mà chẳng ai muốn làm (!?) Không chỉ riêng cô, còn nhiều người đã bị trù dập trong công việc, nhưng 20 năm quả là thời gian quá dài với sức chịu đựng của một con người, vậy mà cô đã phải gánh chịu, tôi thầm cám ơn cho cô vì quanh cô còn có một gia đình hạnh phúc.
Cô hãy vững tin lên nhé, gia đình mới là trên hết, cô chỉ cần có niềm tin thì mọi chuyện của cô sẽ được giải quyết thôi, cô đã phải trả một giá quá đắt. Tôi rất lấy làm buồn vì xã hội còn có nhiều quan chức như vậy; ở đây tôi không nói riêng ông hiệu trưởng mà còn những người trực tiếp làm việc này đã không thấu hiểu sự việc, làm theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa".
Liệu khi họ đọc được bài báo "Nỗi oan 20 năm của người đàn bà đối đầu với tiêu cực" thì họ nghĩ gì, có thể trong số đó có người sẽ hối hận nhưng số còn lại liệu có thể thanh thản sống cuộc đời còn lại (!?).
Cô Trâm thân! cô hãy tin là quanh cô còn rất nhiều bạn bè, còn có pháp luật. Cuộc sống rất cần sự dũng cảm, tôi đề nghị toà soạn và các cấp các ngành đem lại niềm tin cho cô Trâm.
Tên: Ta quang Hung, Email: Hoa_hung_suu@yahoo.com
Mong các cơ quan có trách nhiệm đừng quá vô cảm
Sau khi đọc nội dung bài viết của báo Tiền phong về nỗi oan trái kéo dài 20 năm nay của cô Trâm, tự nhiên nước mắt tôi dàn dụa, bởi vì tôi không thể hiểu nổi ở một nước văn minh tươi đẹp như chúng ta ngày nay mà còn có những người phải chịu những nỗi thống khổ như thế, oan trái như thế.
Tôi mong các cơ quan có trách nhiệm đừng quá vô cảm trước nỗi đau của người dân vô tội. Bởi vì chúng ta là những người cộng sản, đã từng chiến đấu suốt đời cho hạnh phúc của nhân dân.
Xin cảm ơn Tòa soạn, tôi mong được chia sẻ với cô Trâm nỗi đau này.
Tên: Nguyễn văn Long, Email: vlong0419@yahoo.com
Tôi thưc sự khâm phục về một tấm gương nhà giáo dũng cảm , một mình đối mặt với tiêu cực và phải chịu nỗi oan ức suốt 20 năm ...Tôi hiện nay đang công tác tại Korea... Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân của" sự lạm dụng chức quyền, trù dập người đấu tranh chống tiêu cực"...
Tôi mong cô Phạm Thị Ngọc Trâm sớm tìm được sự công bằng để trở về đoàn tụ với gia đình; đồng thời, những kẻ đã gây bao đau khổ cho cô phải chịu hình phạt xứng đáng với những gì chính họ đã gây ra!
Rất mong quý báo tạo điều kiện giúp đỡ để bảo đảm sức khoẻ và an toàn cho cô Trâm! Tôi xin được chia sẻ với cô về những gian nan mà cô đã phải chịu dựng suốt 20 năm qua.
Tên: Pham thi Ngoc Hanh, Email: koyamavn@dng.vnnv.n
Vài dòng chia sẻ cùng cô giáo Trâm
Hãy luôn vững tin cô nhé. Đường hành trình tìm công lý của cô chắc hẳn sẽ còn lắm truân chuyên, nhưng cô hãy vững tin vì bên cô vẫn còn đó những tấm lòng sẻ chia. Và hạnh phúc hơn là bên cạnh cô còn có một người chồng và những người con luôn yêu thương, và hiểu cô hơn tất cả.
Mong rằng báo Tiền phong sẽ là nhịp cầu nối giúp người phụ nữ đơn độc kia tìm lại niềm tin đã bị đánh mất, tìm lại chút an bình trong những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Tên: Cong ly, Email: Justice_1900@yahoo.com
Trước tiên tôi xin bày tỏ lòng cảm phục, và chia sẻ nỗi đau mà cô giáo Trâm đã gánh chịu trong 20 năm qua. Từng dòng chữ của bài báo như mỗi nhát cắt vào tim tôi. Tại sao vậy!? Chủ trương, Đường lối , chính sách Pháp luật của Đảng và Nhà nước ta hoàn toàn đúng. Nhưng một số cá nhân khi thi hành công vụ , lại xem nhẹ kỷ cương phép nước dung túng cho kẻ có tội, hại người có công tố giác, gây giảm sút niềm tin vào pháp luật của nhân dân.
Qua vụ việc trên tôi mong ước được quý báo, luôn cập nhật các tin tức xử lý vụ việc trên, thông tin đến bạn đọc liên tục và kịp thời, nhằm cũng cố niềm tin của quần chúng vào pháp luật. Từ đó, sẽ phát huy được tinh thần đấu tranh chống tiêu cực của nhân dân góp phần phát triển nước nhà. Tôi cũng xin được biết địa chỉ và điện thoại của Cô Trâm để chia sẻ cùng cô .
Tên: Nguyên Thi TC, Email: thi.nguyen@betv.be
Báo Tiền phong Chủ nhật số 23 ra ngày 5/6/2005 đăng bài “Nỗi oan trái hơn 20 năm của người đàn bà đối đầu với tiêu cực” tai Bình Thuận. Tiêu cực xảy ra ngay tại quê tôi nên lại càng bức xúc hơn.
Thưa quý báo, tôi thực sự xúc động khi đọc bài báo về cô giáo Trâm, về khó khăn và vất vả của một người người đàn bà, đấu tranh cho cuộc sống gia đình và công lý xã hội. Để tiện việc giúp đỡ cô Trâm trong lúc khó khăn này, xin quý báo vui lòng cho tôi địa chỉ liên lạc của cô Trâm.
Tên: Trần Quốc Anh, Email: quocanh@freenet.de
Toi doc bai bao nay va thay dong cam va men phuc co giao Tram, neu toi o hoan canh do chac chan toi khong bao gio lam nhu co giao Tram vi khong du can dam. O dau cung co bat cong chi co nhieu hay it, van de la can co che phap ly nghiem minh de moi nguoi deu binh dang truoc phap luat.
Toi muon gui tien ve giup co giao Tram ma khong co dia chi xin quy bao lien he gium. Cam on.
Tên: buivandan, Email: buivandanhy@yahoo.com
Cần làm rõ sự việc!
Tôi là độc giả nhiều năm của báo Tiền phong, tôi đã từng đọc báo Tiền phong từ khi còn là một chú bé và tới bây giờ tôi đã 30 tuổi.
Thưa quý báo, tôi thực sự xúc động khi đọc bài báo về cô giáo Trâm, về một nỗi oan của một người người đàn bà mà người đàn bà đó cũng như mẹ của tôi vậy - Những người đã trải qua thời kỳ bao cấp khó khăn và vất vả. Tôi thấy vô cùng bức xúc về những gì xảy ra với cô Trâm, vì vậy tôi không mong muốn gì hơn là đề nghị quí báo hãy làm tiếp những bài phóng sự điều tra để làm rõ cho bạn đọc bộ mặt thật của những kẻ hà hiếp dân lành.
Cô Trâm kính mến! Cô hãy vững tin vào công lý khi mà ở bên cạnh cô vẫn còn rấ nhiều người tốt.
Tên: Minh Tri, Email: jijangmin@empal.com
Nỗi oan 20 năm của người đàn bà đối đầu với tiêu cực. Nỗi oan trái kêu đã gần 20 năm mà không thấu, giờ chân đã mỏi, mắt đã lòa. “Không biết tới ngày mình chết, có được thấy công lý không?” - Cô giáo Phạm Thị Ngọc Trâm..." Toi rat xuc dong ve bai bao neu tren. Toi mong muon co the dong gop mot phan hy vong cung co giao Ngoc Tram. Xin vui long Email cho toi dia chi lien lac cua co giao Tram cang som cang tot. Email den: jijangmin@empal.com Tran trong, MT.