"Trời không mưa cũng mặc áo mưa"
Trải qua 20 năm buôn cá tại một chợ đầu mối lớn ở Hà Nội, đến thời điểm này, cô Nguyễn Thị Sương ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) đã quen với "mùi cá chết" bốc ra từ cơ thể mình, nhưng người nhà thì vẫn phải tránh xa mỗi khi cô về, rút chân khỏi đôi ủng và cởi bộ quần áo mưa trên người.
Cô Sương tâm sự, những người buôn bán tại chợ đầu mối thường có chung một nỗi khổ là chẳng bao giờ được ngủ đêm. Khi mọi người chìm trong giấc ngủ thì họ lại bắt đầu làm việc hăng say nhất. Dân buôn cá như cô còn khổ gấp đôi do phải khoác lên người bộ quần áo mưa kín mít từ đầu xuống chân, kèm theo đôi ủng, găng tay cao su, đầu đội mũ, cả người chỉ hở mỗi cái mặt.
"Chẳng ai bắt mình phải mặc áo mưa và đi ủng cả. Nhưng suốt ngày phải bắt cá sống, bê nước từ chậu này đổ sang chậu kia, cá quẫy nước bắn tung toé, rồi làm cá cho khách,... nếu không mặc áo mưa thì người ướt hết, tanh lòm nữa. Không những thế, quần áo vải sẽ nhanh hỏng, bùn đất có bám vào thì khó mà giặt sạch. Lúc đó, quần áo chẳng khác mớ rẻ lau nhà", cô Sương nói.
Cô Sương kể, lúc bắt đầu vào nghiệp buôn cá, trời mùa đông, cô thấy chuyện mặc bộ quần áo mưa trong lúc làm việc chẳng khó khăn mấy, chỉ cảm thấy hơi vướng víu chút. Thậm chí, những ngày rét mướt bộ quần áo mưa còn giúp cô giữ ấm cơ thể. Song, khi chuyển sang hè thì đúng là cực hình.
Ngày nào, cô Sương cũng phải mặc trên người bộ quần áo mưa, chân đi ủng từ 6 giờ chiều hôm trước để đến ao đầm cân cá, sau đó lại chở cá ra chợ đầu mối bán suốt cả đêm và kết thúc buổi chợ cũng là 8 giờ sáng hôm sau. Mồ hôi túa ra, nhớp nháp khó chịu vô cùng.
"Những hôm oi bức, mồ hôi làm ướt đẫm bộ quần áo vải mặc bên trong, chảy xuống ướt cả đôi ủng. Vì thế, trong lúc bán cá, thỉnh thoảng tôi lại tháo đôi ủng ra dốc ngược xuống để mồ hôi chảy ra ngoài", cô chia sẻ.
Theo cô Sương, người bình thường chỉ cần mặc áo mưa khoảng 30 phút đã thấy bức bí, vướng víu và khó chịu, vậy mà, dân buôn cá như cô, ngày nào cũng phải khoác lên mình bộ quần áo mưa tới 14 tiếng, bất kể trời mưa hay nắng.
Hậu quả, khi về nhà, cởi bộ quần áo mưa ra, cơ thể bốc mùi, đứng cách xa 2 m vẫn ngửi thấy. Dân buôn cá thường ví cái mùi đó giống như mùi cá chết. Còn da chân, da tay trắng ợt, nhăn nheo do phải tiếp xúc với nước trong thời gian dài.
Thu nhập 100 triệu/tháng: Chấp nhận
Thấu hiểu nỗi khổ của dân buôn cá, đôi lúc vợ chồng chị Hoàng Thị Quyến ở Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) muốn bỏ nghiệp đã trót theo 15 năm qua để kiếm nghề khác cho nhàn thân.
Chị Quyến cho hay, trong 15 năm ấy, số lần chị được ngủ vào ban đêm đếm được trên đầu ngón tay, còn đa phần là thức trắng, một ngày ngủ chưa đến 6 tiếng đồng hồ.
Nhiều người cảm thấy mặc quần áo mưa vào mùa hè như cực hình, song vì khoản tiền kiếm được quá cao nên cũng phải chấp nhận.
Anh chị là mối buôn lớn, mỗi đêm nhập cả ô tô cá về đổ ở chợ đầu mối. Cứ khoảng 4-5 giờ chiều hàng ngày, vợ chồng chị lại đến các ao đầm nhập cá, chuyển cá lên xe đánh về Hà Nội đổ buôn cho các mối ở chợ lẻ. Cứ thế, trong suốt khoảng thời gian đó, anh chị đều phải đi ủng, mặc quần áo mưa kín mít.
"Nhiều khi chồng tôi nghĩ, hay là hai vợ chồng chuyển sang nghề khác nhẹ nhàng hơn", chị nói.
Nhưng suy đi tính lại, cả hai đều tặc lưỡi chấp nhận. Nghề nào cũng có cái khổ riêng của nó. Một số nghề khác sướng hơn nhưng tiền kiếm được cũng ít hơn. Chị Quyết chia sẻ, buôn cá tuy cực nhọc nhưng đổi lại, vợ chồng chị đều đặn thu được khoảng 100 triệu đồng/tháng.
"Muốn có tiền thì phải đánh đổi, phải chấp nhận, chứ làm gì có nghề nào dành cho người học chưa hết cấp 3 như vợ chồng tôi mà lại kiếm được số tiền lớn vậy", chị nói.
Thừa nhận điều này, cô Sương cũng tâm sự, mùa hè, cơ thể cô lúc nào cũng bốc mùi đã đành, các kẽ ngón chân của cô còn lở loét, ngứa ngáy do phải đi ủng quá nhiều. Những lúc thế cô chỉ muốn bỏ nghề , kiếm một việc gì đó nhàn hơn.
"Song, cứ nghĩ đến khoản tiền kiếm được thì tôi lại cố, đến nay cũng đã 20 năm". Cô tiết lộ, đều đặn hàng ngày cô bán được trên dưới 1 tấn cá, trừ hết chi phí cô đút túi ít nhất 2 triệu đồng/ngày. Tính ra, 1 tháng cô có 60 triệu đồng ăn tiêu.