Xót xa người ở lại
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ ở tổ 3, thôn 2, xã Long Tân, huyện Phú Riềng (Bình Phước), chị Lê Thị Lan (33 tuổi) thắp nén nhang, ngước lên di ảnh con nghẹn ngào: “Cả ngày đi làm không sao, cứ bước vào nhà, nhìn ảnh con, tôi không thể nào cầm được nước mắt…”.
Con chị tên Trần Đức Đông (SN 2007), vừa mất trong một vụ đuối nước thương tâm. Nhà nghèo hai vợ chồng chị Lan đi vắng cả ngày, làm bốc vác, thợ hồ, lượm hạt điều kiếm sống. Chiều 1/5, vợ chồng chị đi làm, anh em Đông ở nhà cùng mấy đứa trẻ trong xóm rủ nhau ra hồ nước bên chùa Thanh Tân chơi. Nguyễn Thị Huyền Nhi (9 tuổi), ngã vào chỗ nước sâu, vùng vẫy kêu cứu. Quá hoảng loạn, các em nhào ra cứu và đều bị đuối nước.
Là đứa duy nhất biết bơi, Đông bơi ra đưa Nguyễn Văn Bắc (11 tuổi) vào bờ trước rồi lần lượt đưa em trai và 2 bạn khác vào bờ. Lên đến bờ, Đông phải móc miệng các bạn để nước trôi ra rồi tiếp tục bơi ra cứu Nhi. Nhưng do kiệt sức, cả hai chìm xuống đáy hồ. “Mấy đứa trẻ hoảng loạn kêu cứu, khi mọi người mò được thì 2 đứa đã tử vong. Tôi đến nơi chỉ thấy con nằm bất động, hai mẹ con không kịp nhìn nhau lần cuối”, chị Lan đau xót nói.
Nhà nghèo, Đông chẳng bao giờ than trách hay đòi hỏi gì. “Thương con đi học xa, vợ chồng tôi tằn tiện sắm được chiếc xe đạp để hai anh em đèo nhau đi học, ai ngờ đi không được bao lâu thì giờ xe đắp chiếu theo con”, bố Đông nghẹn ngào.
Ngày 2/6, trên địa bàn xã Ia Sao (Ia Grai), Gia Lai, một vụ đuối nước thương tâm cướp đi sinh mạng của 4 em học sinh, gồm: Nguyễn Lê Hải Yến (lớp 5), Nguyễn Thị Hảo (lớp 4),Tống Thị Quỳnh Hương (lớp 3), và Đỗ Ngọc Thuận (mầm non). Vừa tới cổng chào xã Ia Sao, huyện Ia Grai, đã nghe thấy tiếng khóc gào thét của người thân, tiếc thương 4 phận đời ngắn ngủi.
Người nhà kể lại, chiều 2/6, các em Yến, Hương, Hảo, Thuận đi xe đạp đến khu vực hồ C3 do Cty Cà phê Ia Sao 2 quản lý, thuộc thôn Tân Lập để tắm thì bị đuối nước. Người dân cạnh đó nhảy xuống cứu không kịp...
Mấy ngày qua xã Ia Sao như có đại tang khi cả 4 gia đình em nhỏ này đều là hàng xóm. Anh Nguyễn Thanh Hồng (bố cháu Yến) đã khóc hết nước mắt, nghẹn ngào nói: “Con bé cố gắng đạt học sinh giỏi để nghỉ hè này tôi cho về thăm quê, nhưng chưa kịp thực hiện... Ngày nào đi làm, vợ chồng tôi đều khóa cửa, dặn cháu ở nhà. Trước hôm bị tai nạn, cháu xin phép đi chơi với bạn một ngày vì đang là nghỉ hè. Giá hôm đó tôi không mủi lòng cho đi thì không xảy ra cơ sự này”.
Kể về hoàn cảnh của cháu Hảo, bà Nguyễn Thị An (hàng xóm) cho biết, Hảo là út trong gia đình 3 chị em gái. Người mẹ bị cao huyết áp nhưng lại là lao động chính trong nhà. Cha Hảo bị tâm thần chạy chữa nhiều năm không khỏi. Cũng vì thế mà Hảo cùng hai người chị phải tự lập từ nhỏ. “Lúc vớt thi thể Hảo lên, mặc dù điên nhưng người cha chạy đến xô đẩy hết mọi người để đánh vào mặt con cho nó tỉnh lại.
Cha của Hảo gặp người nào cũng kéo đến nhờ cứu con của mình”, bà An nói trong nước mắt. Trong khi đó, vì nhiệm vụ, ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) anh Đỗ Ngọc Cường (bố cháu Thuận) không về kịp. Anh hứa cuối tuần sẽ về đưa Thuận đi chơi bù, nào ngờ ngày 2/6 anh về nhà thực hiện lời hứa thì… không còn kịp nữa.
Trước đó, tại Đắk Lắk, ngày 7/5, xảy ra vụ đuối nước đau lòng, hai em Phạm Vũ Tiến Phát (SN 2010), Dương Vũ Nhật Trường (SN 2012, cùng trú tổ dân phố 1, phường Khánh Xuân) rủ nhau ra ao cá của một hộ dân gần đó để chơi, chẳng may trượt chân xuống ao tử vong. Hai em là anh em họ, nỗi đau càng gấp bội.
Gần một tháng sau nỗi đau mất con, chị Hiên vẫn chưa lấy lại được tinh thần. Nhớ lại chuyện cũ, chị không cầm được nước mắt. “Hôm đó là Chủ nhật nên buổi chiều 2 vợ chồng chị đi lễ. Vì chúng hiếu động nên tôi để hai cháu ở nhà chơi với nhau. Không ngờ...”. Chị Hiên sốc và không tin nổi, chỉ trong tích tắc con, cháu chị đã không còn nữa.
Thiếu sân chơi
Mùa hè đến nhu cầu vui chơi của các em tăng cao, nhưng tại các tỉnh miền núi Tây Nguyên, các xã vùng sâu, vùng xa rất thiếu sân chơi. Vì thế các em tìm đến trò chơi nguy hiểm như bắn súng cao su, trượt cầu thang, đánh nhau bằng que, tắm sông, suối, ao, hồ.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Linh, chuyên viên Ban Thanh thiếu nhi trường học, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh chưa có sân chơi chuyên biệt dành cho trẻ. Ở thành phố Buôn Ma Thuột, Nhà văn hóa thiếu nhi mở các lớp học năng khiếu, còn ở huyện, thị trấn thì tận dụng nhà văn hoá cộng đồng thôn, buôn tổ chức sinh hoạt hè.
Một số huyện như Ea Súp, Cư M’gar, Krông Pắk tạo khu vui chơi cho trẻ bằng các vật dụng tái chế như lốp xe cũ, bể bơi nhân tạo để dạy bơi. Tháng 3/2017, Tỉnh Đoàn chỉ đạo các hội đồng đội phường xã, thị trấn tổ chức 1 tuần 3 buổi sinh hoạt hè lồng ghép tuyên truyền phổ biến tai nạn đuối nước, phòng tránh thương tích và xâm hại tình dục trẻ em.
“Bên cạnh thiếu sân chơi cho trẻ, việc người lớn thiếu quan tâm, giám sát để các em tụ tập vui chơi ở những nơi không an toàn, gần kênh, sông, ao, hồ cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra”, chị Linh nói.
Anh Phạm Hiếu Thanh, Trưởng ban Thanh thiếu nhi, Tỉnh Đoàn Bình Phước, nói cứ đến dịp hè là nỗi lo đuối nước. Hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh cũng có vài trường hợp xảy ra. Theo anh Thanh, trước mỗi dịp hè, Tỉnh Đoàn thường phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch... tổ chức tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh. Khi vào hè, Tỉnh Đoàn tổ chức các lớp tập huấn, dạy bơi miễn phí cho thiếu nhi, tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn. “Tính đến nay, cả tỉnh chỉ có khoảng 20 hồ bơi, trong đó chỉ có 2 hồ bơi do nhà nước tài trợ. Nhiều huyện không có hồ bơi, điểm để tổ chức bơi cho các em”, anh Thanh nói.
Anh Đỗ Duy Nam, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Gia Lai cho biết, việc tuyên truyền phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em đã được Tỉnh Đoàn triển khai tích cực, tuy nhiên, vẫn chưa thực hiện tốt. “Người lớn đi làm cả ngày, việc chăm sóc con cái được giao cho ông bà hoặc hàng xóm, đến khi xảy ra tai nạn thì đã quá muộn. Tỉnh Đoàn đang thực hiện đề xuất làm hồ bơi thông minh tại nhiều điểm trường và hướng dẫn các em tập bơi ngay từ nhỏ, tránh tình trạng đuối nước tiếp tục xảy ra”, anh Nam nói.
(Còn nữa)