Tốn tỷ đô ra nước ngoài chữa bệnh: Vì sao?- Bài 2

Nỗi buồn những bệnh viện “5 sao”

TP - Mỗi suất đầu tư cho bệnh viện tư từ hàng triệu tới cả tỷ USD, nhưng thu hồi vốn chậm bởi hầu hết chỉ hoạt động 60-70% công suất, thậm chí một số phải đóng cửa. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân trong nước lại bỏ hàng tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh đôi khi chỉ vì thái độ thiếu chuyên nghiệp của đội ngũ y, bác sĩ. Nhiều bệnh viện ngoại lập văn phòng tại Việt Nam để “cẩu” bệnh nhân sang.
Hơn một thập kỷ, BV Quốc tế Hoa Kỳ Hà Nội vẫn bỏ không. Ảnh: L.H.Việt

Chủ đầu tư “lặn”, cổ đông chia chác máy

Ba năm nay, bệnh viện quốc tế Vũ Anh (Gò Vấp, TPHCM) mỗi ngày chỉ lèo tèo vài người đến khám. “Khách sạn bệnh viện quốc tế” được Tổng cục Du lịch gắn tên vào tháng 11/2008 giờ chỉ là dĩ vãng. Hình ảnh một bệnh viện được công nhận đạt chuẩn “5 sao” lần đầu tiên ở Việt Nam cũng không đủ để thu hút người bệnh.

Bi đát hơn, bệnh viện Đa khoa Phú Thọ (TPHCM), dù được đầu tư đạt “chuẩn quốc tế”, nhưng chất lượng là điều nhiều người băn khoăn. Đỉnh điểm là vụ bác sĩ cắt nhầm buồng trứng của bệnh nhân Phạm Thị X. (24 tuổi, ngụ quận 12), xảy ra vào năm 2010. Từ đó, bệnh viện này đã phải đóng cửa hoàn toàn. Còn chủ đầu tư đã “lặn không sủi tăm” và rao bán bệnh viện, nhưng chưa ai mua. Các cổ đông góp vốn người chia máy móc, người túc trực hy vọng đòi lại tiền đầu tư. 

Một số bệnh viện quốc tế đã đi vào hoạt động rơi vào cảnh “chợ chiều”, số khác xây dựng mãi không đưa được vào hoạt động. Điển hình là bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ (Cầu Giấy, Hà Nội), được Bộ KH&ĐT cấp chứng nhận đầu tư từ năm 1997, với tổng vốn đầu tư thời điểm đó là 50 triệu USD, do Tập đoàn Keystone Development Management SA (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư. Đây là một trong những bệnh viện tư nhân quốc tế đầu tiên được cấp phép. Tuy nhiên, mãi tới năm 2003 chủ đầu tư mới được Hà Nội bàn giao mặt bằng và phải tới năm 2006 mới bắt đầu khởi công. Sau hơn 2 năm xây dựng, bệnh viện xong phần thô, sắm được một số thiết bị. Tuy nhiên, tới nay chưa thể đi vào hoạt động.

Ông Khoát Văn Trần, TGĐ bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ Hà Nội cho biết: “Không có lối vào khoa cấp cứu bệnh viện làm sao hoạt động được. Giờ nếu được giao mặt bằng, chúng tôi thi công khoảng 10 tháng là bệnh viện đi vào hoạt động được”. Theo ông Khoát, giờ vốn đầu tư đã đội lên tới 100 triệu USD.

Trong khi đó, giám đốc một tập đoàn y khoa lớn tại Singapore thú nhận, để đầu tư một bệnh viện hiện đại theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam phải bỏ vốn cả tỷ USD, nhưng việc thu hồi vốn rất chậm. 

Kiếm ăn trong bệnh viện công

Trong khi BV công không đủ chỗ cho bệnh nhân nằm

Giám đốc một bệnh viện tư trong nước cho biết, những bệnh viện tư đòi hỏi đầu tư bài bản và chuyên nghiệp, với tầm nhìn xa mới thu hút bệnh nhân trong phân khúc hoạt động của mình. “Hệ thống chăm sóc sức khỏe tư nhân nếu nắm bắt được cơ hội phát triển, hoàn toàn có thể tạo nên sức hút với người bệnh”, vị giám đốc này nói.

Bệnh viện đi vào hoạt động gặp khó khăn trong thu hút người bệnh, số khác gặp rắc rối với thủ tục đầu tư tại Việt Nam với rào cản “khó nói thành lời”. Vì vậy, nhiều bệnh viện, tập đoàn y khoa thế giới thay vì đầu tư bệnh viện tại Việt Nam, lại chỉ đặt văn phòng và đưa bệnh nhân về nước họ chữa trị, như: Phòng khám quốc tế SOS, mỗi năm đưa hơn 300 người ra nước ngoài chữa bệnh; Bệnh viện Mount Alvernia (Singapore), Tập đoàn Parkway Health (Singapore), Công ty METP Singapore… 

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên ĐH Y Dược TPHCM cho biết, hiện bệnh viện tư tại Việt Nam vẫn lép vế với bệnh viện công. Bởi vì bệnh viện công đang được xã hội hóa cùng thế mạnh về nhân lực, thương hiệu, uy tín lâu đời. Tuy vậy, một số bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện công của Việt Nam cũng không đồng tình với cách làm dịch vụ trong bệnh viện công.

“Nếu đã là dịch vụ nên để bệnh viện tư làm. Trong bệnh viện công lại có một số người được nằm phòng sang, được chăm sóc tốt, ưu tiên chữa trị nhìn rất phản cảm. Tại sao một số người có tiền lại được hưởng dịch vụ tốt hơn đa số những người dân khác; đã vào viện công thì tất cả mọi người đều phải bình đẳng. Nếu anh có tiền thì ra ngoài hưởng dịch vụ cao của các bệnh viện 5 sao”, một bác sĩ bệnh viện lớn tại Hà Nội nói. 

 (Còn nữa)

Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong 10 năm qua, số bệnh viện tư nhân đã tăng từ 40 lên 170 bệnh viện. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân đến khám tại các cơ sở này rất thấp, chiếm chưa đến 10% tổng số bệnh nhân cả nước. Trong khi đó, nhiều bệnh viện công đang quá tải trầm trọng, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức 90- 110%, bệnh nhân thường phải nằm ghép 4-6 người/giường, có nơi 7-8 người/giường.