Ngôi nhà ngói
Ngôi nhà lợp ngói tại phố Châu Văn Liêm, quận 5, gồm tầng trệt làm văn phòng và tầng trên để sinh hoạt, hầu như không thay đổi sau 110 năm.
Cách đây mấy năm, di tích này được sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người tham quan, song kiến trúc, công năng ngôi nhà vẫn không có gì thay đổi.
Ngôi nhà vốn là trụ sở của Liên Thành thương quán số 1-2-3 Quai Testard (bến Testard) - Chợ Lớn. (Công ty Liên Thành được thành lập ngày 6/6/1906, từ ý tưởng của chí sĩ Phan Châu Trinh, ngoài hoạt động kinh tế còn phát triển giáo dục, lập ra Trường Dục Thanh- Phan Thiết). Theo tư liệu được trưng bày tại nhà số 5 Châu Văn Liêm, Nguyễn Tất Thành đã ở đây 9 tháng trước khi lên tàu tìm đường cứu nước.
Di tích số 5 Châu Văn Liêm mở cửa đón khách quanh năm. Các nhân viên tại đây cho biết: “Vào sinh nhật Bác hằng năm, có khoảng 200 đoàn khách trong thành phố và các tỉnh lân cận tới dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt các trường học thường cử thầy cô giáo đưa các em tới tham quan”.
Tài liệu lịch sử cũng khẳng định, ngoài thời gian ở Châu Văn Liêm, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành còn được đưa tới ở tại nhà ông Lê Văn Đạt tại xóm cầu Rạch Bần, nay là số nhà 185/1 đường Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1.
Bến cảng Nhà Rồng
Ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral Latouche Treville, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm con đường cứu nước.
Năm 1923, Bác Hồ đã trả lời một nhà báo Nga về mục đích chuyến đi như sau:
“Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn sau những chữ ấy”.
Bến Nhà Rồng hiện nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM. Nơi đây vốn là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng Đế (Messageries Impériales) của Pháp. Tòa nhà được xây dựng từ giữa năm 1862 đến cuối năm 1863 hoàn thành với lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ “lưỡng long chầu nguyệt”.
Với hàng vạn tư liệu, hiện vật, bảo tàng là nơi thu hút khách tham quan trong ngoài nước tới xem các chuyên đề triển lãm khác nhau. Trong những ngày này, diễn ra triển lãm kỷ niệm 110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước được trưng bày tại Bảo tàng và trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Tính trung bình, mỗi năm Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bến cảng Nhà Rồng đón 1 triệu lượt khách tham quan.
Trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của tác giả Trần Dân Tiên có ghi lại câu chuyện về những ngày Bác ở Sài Gòn và chuẩn bị đi tìm đường cứu nước như sau:
“Chủ tàu hỏi: “Anh có thể làm việc gì?”
“Tôi có thể làm bất cứ việc gì!” - Chàng trai trả lời.
“Được, ta sẽ lấy anh làm phụ bếp. Sáng mai anh đến đây nhận việc”.
Chàng trai ấy xưng tên là Ba”.
Bác Hồ trong tim
người miền Nam
Thi sĩ Phạm Thiên Thư kể: “Trước năm 1975, chúng tôi ở miền Nam nhưng rất tôn kính Cụ Hồ. Tôi xuất gia, tu tại Việt Nam Quốc Tự, làm thơ văn, khá nổi tiếng. Năm 1969, nghe tin Cụ Hồ qua đời, tôi lập bàn thờ ngay trong Việt Nam Quốc Tự để thương tiếc Cụ. Nhiều quý thầy biết, cũng qua thắp nhang”.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục kể: “12 tuổi, tôi lần đầu tiên nghe tên Bác Hồ và cùng đội văn nghệ hát những bài hát về Bác Hồ cho mọi người nghe. Tại khu V, tôi chỉ nhìn thấy ảnh Bác thôi. Tôi luôn nghĩ Bác là vị lãnh tụ tối cao và tin tưởng Bác, tin tưởng vào sự chiến thắng của cách mạng”.
Khi ra Bắc tập kết, Trương Quang Lục hai lần gặp Bác Hồ bằng xương bằng thịt, ông đã viết ca khúc: “Hoa sen Tháp Mười”. Tác phẩm lan tỏa khắp đất nước, theo những đoàn quân Giải phóng.
Khi tôi tới thăm nhạc sĩ tại gia đình ông ở TPHCM, thấy nhạc sĩ đem ra khoe một tác phẩm mới viết về Bác có tên “Lời Bác là niềm tin và sức mạnh”. Như vậy là từ tuổi thanh xuân cho đến giờ này đã lên lão, nhạc sĩ Trương Quang Lục vẫn sáng tác về Bác Hồ.
Nghệ sĩ Ưu tú Ca Lê Hồng ở tuổi 80 vẫn nhớ nhiều kỷ niệm về Bác, nhất là ký ức những ngày cô tập kết và biểu diễn nghệ thuật ở miền Bắc.
Nghệ sĩ Ca Lê Hồng kể: “Các nghệ sĩ Đoàn cải lương Nam Bộ diễn vở Võ Thị Sáu cho Bác Hồ xem. Khi vào phần kết, thấy cảnh chị Võ Thị Sáu hiên ngang đi ra pháp trường trước họng súng quân thù, Bác Hồ không cầm được xúc động, người cứ lấy khăn tay lau nước mắt”.
Phát huy di sản
Những năm gần đây các công ty lữ hành đã mở nhiều tua du lịch đưa khách đến thăm các di tích cách mạng như địa đạo Củ Chi, Biệt động thành, Di tích nhà số 5 Châu Văn Liêm… tạo ra một nét riêng của du lịch TPHCM.
Di tích Bến cảng Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh thường diễn ra các hoạt động văn hóa của thành phố, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cuộc họp mặt, học tập ra quân của nhiều phong trào thanh niên. Mới đây, ngày 7/5/2021, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM phối hợp với Nhà Văn hóa Điện ảnh tại TPHCM tổ chức triển lãm “Hình ảnh và hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh”, các hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước...
Một số bạn trẻ từ các tỉnh thành khác khi tới TPHCM rất muốn tìm hiểu các di tích liên quan tới Bác Hồ. Nhiều bạn chia sẻ rằng họ đi tìm ngôi nhà 185/1 đường Cô Bắc, quận 1, nơi Bác Hồ từng sống trước khi lên tàu sang Pháp, nhưng không thấy di tích này.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, ngôi nhà gỗ Bác ở, sau hàng trăm năm đã hư hỏng. Mảnh đất trên, vốn có ngôi nhà gỗ và mảnh vườn lớn, qua nhiều chủ và hiện xây dựng mới kiên cố, hiện đại. Chính quyền địa phương cũng đang sưu tầm hiện vật thuộc di tích số nhà 185/1 đường Cô Bắc.