Anh Ma Văn Tịnh (SN 1994) và vợ cùng làm trong khu công nghiệp ở Hưng Yên đã về quê Tuyên Quang hơn một tháng nay. Vợ anh vừa sinh con thứ hai. Công việc ở công ty thép anh đang làm thất thường, thậm chí có thời gian luân phiên nghỉ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến thu nhập giảm.
"Khi chưa có dịch, mỗi tháng làm đủ 26 công thì nhận lương 10 triệu đồng, cộng với lương của vợ thì mỗi tháng cũng dành được 9 - 10 triệu để tiết kiệm, gửi về quê cho ông bà. Đợt ít việc, gắng gượng cũng chỉ để được 1-2 triệu tiền sữa cho con đầu 3 tuổi, đến nay có thêm con thứ hai nên đành bồng bế nhau về quê", Tịnh nói.
Về quê, Tịnh làm đủ thứ việc từ phụ giúp gia đình chăn nuôi đến đi làm điện nước... để có thêm tiền phụ giúp sinh hoạt. Anh chia sẻ, không chỉ không có việc làm và thu nhập ổn định, về quê còn gặp khó khăn về không gian sống. "Hai anh em tôi đều đã lập gia đình, nhưng chưa có điều kiện để ra ở riêng. Nhà ông bà vốn nhỏ, nay càng chật", anh bộc bạch.
Anh Tịnh mong muốn dịch COVID-19 sớm kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trở lại để tiếp tục quay lại công ty làm việc, cũng như có cơ hội tìm được những công việc có thu nhập đảm bảo hơn nuôi dạy con nhỏ và chăm sóc vợ bị ảnh hưởng sức khỏe sau sinh con thứ hai.
Còn vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu (SN 1993, quê Thanh Hóa) làm cùng công ty sản xuất sữa tại khu công nghiệp ở Bắc Ninh may mắn vẫn đều việc, thu nhập ít bị giảm sút hơn so với nhiều gia đình trẻ ngay cùng khu trọ, trong bối cảnh dịch COVID-19. Cô làm nhân viên chính thức, ở bộ phận xuất nhập hàng nên đều việc; còn chồng làm ở bộ phận dịch vụ từng phải nghỉ cả tháng khi dịch bùng mạnh.
Chị Thu chia sẻ: "Ảnh hưởng từ dịch COVID-19, thu nhập của gia đình tôi và nhiều gia đình khác đều giảm sút. Vợ chồng tôi may mắn vẫn đều việc và con trai 4 tuổi gửi người trông giúp, trong xóm trọ có một số nhà vợ chồng không có việc đã phải trả phòng về quê; có nhà gắng làm hết năm rồi vợ chồng con cái chuyển về quê".
Theo chị Thu do ảnh hưởng của dịch nên sinh hoạt cuộc sống eo hẹp hơn. Bữa cơm trước khi có dịch thường có 3-4 món, đến nay chỉ gói gọn 1-2 món vì nhiều loại thực phẩm, rau củ tăng giá, như bó rau mồng tơi có khi hơn 10 nghìn/bó, rau muống 15 nghìn đồng/bó. Tuy nhiên, điều cô và nhiều gia đình trẻ khác có con nhỏ lo lắng nhất là con nhỏ không đi học được, thiếu không gian vui chơi khiến trẻ bí bách, thời gian tiếp xúc điện thoại nhiều hơn dẫn đến ảnh hưởng tâm lý, mắt.
"Chúng tôi mong nhất là có những siêu thị, mặt hàng bình ổn giá, cùng với việc hỗ trợ, giảm tiền thuê trọ hàng tháng để những thanh niên, nhất là những gia đình trẻ có con nhỏ đi làm công nhân xa nhà có thể bám trụ, vượt qua thời kỳ khó khăn. Đồng thời có các hoạt động, sân chơi an toàn cho trẻ trong mùa dịch", chị Thu chia sẻ.
Để ghi nhận và có những giải pháp chia sẻ, hỗ trợ những khó khăn của các gia đình trẻ nói chung, gia đình thanh niên công nhân nói riêng, ngày 7/11, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) sẽ tổ chức Diễn đàn đối thoại “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc”.
Diễn đàn có chủ đề “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới”.
Theo Ban Tổ chức, tham gia thảo luận có đại diện các gia đình trẻ; đại diện Vụ Gia đình - Bộ VH-TT&DL, Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH, doanh nhân trẻ; các chuyên gia về tâm lý, y tế.
Tại chương trình sẽ trao đổi, chia sẻ những khó khăn của các gia đình trẻ gặp phải trong thời gian giãn cách xã hội, đặc biệt là các gia đình trẻ và những hệ lụy xã hội; tình hình lao động và sự dịch chuyển lao động...
Đồng thời, chương trình hướng tới có những giải pháp dưới góc độ quản lý nhà nước để chăm lo cho các gia đình trẻ để ổn định xã hội; giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động trong trạng thái bình thường mới.