Nợ xấu - Ai là khổ chủ?

TP - Chiều 23/5, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội diễn ra hội thảo “Xử lý nợ xấu nhìn từ  góc độ chính sách và pháp luật”. Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu Quốc hội tham dự và “nóng” không kém không khí tại nghị trường. 

Doanh nghiệp phá sản gây nợ xấu

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo chiều 23/5, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: Nợ xấu dù được xử lý rốt ráo nhưng vẫn là lực cản lớn trong sự phát triển của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. “Là Nghị quyết hay là Luật thì chưa thống nhất được. Đây là một trong những điểm mà các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội làm lâu nhất và khó khăn nhất”, ông Kiên nói và lưu ý: xử lý nợ xấu cần nhất quán một số điểm: Không sử dụng Ngân sách Nhà nước, không trái Hiến pháp, không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Ông Nguyễn Văn Thắng, vừa với tư cách đại biểu Quốc hội, vừa là Chủ tịch nhà băng lớn VietinBank dè dặt: Chúng tôi rất hồi hộp mong chờ về mặt cơ chế chính sách để hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu. Nhìn lại, ông Thắng cho hay nợ xấu ngân hàng sinh ra chủ yếu từ trước giai đoạn 2012 khi nền kinh tế có vấn đề. “Đó là thời kỳ bong bóng bất động sản vỡ, thị trường chứng khoán sụt giảm, nền kinh tế nhiều bất ổn, lãi suất ngân hàng  tăng trần xấp xỉ trên 20%, dẫn tới hệ quả nhiều doanh nghiêp khó khăn không thể trả nợ ngân hàng...”, ông Thắng nói.

Xử lý nợ xấu, NHNN đang xin gỡ bằng cơ chế chứ không phải dùng tiền.

Nợ xấu có nguyên nhân từ đâu? Tại hội thảo, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam dẫn giải: Nếu khách trả được nợ thì làm gì có nợ xấu. Các quốc gia phát triển thì nợ xấu thấp. Các quốc gia kinh tế vĩ mô có vấn đề thì nợ xấu cao. Việt Nam trong 10 năm qua được đánh giá là nền kinh tế khó khăn nhất, hàng nghìn doanh nghiệp phá sản thì gây ra nợ xấu.

Ông Thành  đơn cử: Thời gian qua, Vietcombank có 790 vụ chuyển qua tòa án; hiện còn 98 vụ đã gửi qua, tòa thụ lý nhưng chưa đưa ra xét xử. Theo ông Thành, tố tụng tại tòa thì phức tạp, 2 năm tòa mới giải quyết xong tranh chấp chứ chưa xử lý. “Vietcombank có một khách hàng vay hơn 1.000 tỷ đồng ở Nha Trang chây ỳ không trả nợ đã hơn 3 năm (trong khi tài sản bị thế chấp ngân hàng đã tìm được khách hàng đến mua để thu nợ nhưng khách vay vẫn ngang nhiên cho thuê thu lời 70-1.000 tỷ/năm chây ỳ không trả nợ. Ngân hàng ngóng mãi, chờ 18 tháng mới có phiên hòa giải đầu tiên, trong khi vốn cho vay còn đọng lớn”, ông Thành kể.

Mong không đẽo cày giữa đường

Ngân hàng đang làm cho ai trong suốt thời gian qua? TS Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp LienVietPostBank nhìn nhận: dư nợ nền kinh tế có hơn 50%  đi ra từ ngân hàng (gần 6 triệu tỷ đồng) trong khi đó cứ 2 đồng dư nợ thì làm ra 1 đồng GDP. “Chúng ta phải nhìn khách quan, đừng nhìn phiến diện, ngân hàng có phần gây ra nợ xấu nhưng ai ở ngân hàng gây ra thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật rồi”, TS Hưởng lưu ý.

Điểm gây lo lắng cho những người làm nhà băng đó là Nghị quyết Quốc hội nêu ra có giới hạn thời gian xử lý nợ xấu từ 31/12/2016 trở về trước. Băn khoăn nữa là quyết định thu giữ tài sản. Nếu chủ tài sản đồng thuận thì xử lý, nếu không đồng thuận thì trình ra tòa theo hồ sơ rút gọn. “Chúng tôi phải đi xin, gõ cửa. Giả sử tôi là người đi vay, thấy quy định rõ không đồng ý cho thu tài sản thì cho ra tòa, vậy thì tội gì không làm. Xử lý nợ xấu đừng biến ngân hàng thành người hành khất”, ông Hưởng khẳng định.

Ghi nhận tại nghị trường cũng như các đại biểu Quốc hội có mặt tại hội thảo, còn khá nhiều băn khoăn, lo lắng với việc xử lý nợ xấu thời gian tới.

Nợ xấu là tâm điểm của kỳ họp Quốc hội này. Nếu Nghị quyết này được thông qua, ngành ngân hàng kỳ vọng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ, giải phóng lượng vốn khổng lồ lên tới hơn 600.000 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tỷ lệ này sẽ là 10,08%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tại nghị trường.