Liệu rằng mục tiêu dừng sử dụng Amiăng trắng tại Việt Nam trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020 có được Hiện thực hóa? Còn là bài toán chưa có lời giải.
Đầu tháng 5, Hội nghị các bên tham gia ba công ước gồm Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (lần thứ 7); Công ước Rotterdam về các thủ tục thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế (lần thứ 7) và Công ước Basel về Kiểm soát chất thải xuyên biên giới (lần thứ 12) đã khai mạc tại Geneva, Thụy Sỹ.
Tham dự Hội nghị, đoàn Việt Nam có đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường (là đầu mối quốc gia Công ước Stockholm và Công ước Basel), Bộ Công Thương (đầu mối quốc gia Công ước Rotterdam) và Tập đoàn Điện lực Việt nam và một số đại diện của tổ chức xã hội trong mạng lưới VN-Ban (Việt Nam Ban Asbestos Network – Mạng lưới cấm sử dụng Amiăng tại Việt Nam).
Trên thực tế, tại Hội nghị lần này, Việt Nam đã không phản đối đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 Công ước Rotterdam, là danh sách các hóa chất độc hại và thuốc trừ sâu phải tuân thủ thỏa thuận thông báo trước trong thương mại quốc tế.
Cuộc chiến Amiăng vẫn “dai dẳng”
Sau 10 ngày hội nghị căng thẳng với nhiều nỗ lực của các bên tham gia tại Hội nghị lần thứ 7 (COP7), đặc biệt là nỗ lực của các tổ chức xã hội dân sự cũng như chính phủ Việt Nam, cuối cùng, Amiăng trắng vẫn không được đưa vào phụ lục 3, do không có sự đồng thuận của 100% các nước thành viên của công ước.
Trong phiên họp chính thức có 7 trong tổng số 154 nước thành viên phản đối việc đưa Amiăng trắng vào Phụ lục 3. Trong phiên tiếp theo, chỉ còn 4 nước phản đối, bao gồm Nga, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Zimbabuwe, chiếm chưa tới 5% của nguyên tắc đồng thuận, nhưng lại có ảnh hưởng lớn tới quyết định, khiến amiăng trắng “lọt lưới” các chất bị cấm.
“Chính nguyên tắc ‘dân chủ tối thượng’ này đã làm chậm đáng kể bước tiến của công cuộc kiểm soát hóa chất độc hại trên thế giới, trong đó có amiăng trắng”, TS. Trần Tuấn, thuộc Liên minh Vận động Chính sách Y tế (EBHPD), người trực tiếp tham gia hội nghị tại Geneva đã nhận định.
Tồn tại những rào cản vô hình?
Ông Tuấn cũng cho hay việc amiăng trắng “lọt lưới”, không được đưa vào Phụ lục 3 không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát. Điều này cho thấy thế lực của tổ hợp công nghiệp sản xuất amiăng trắng đang cố gắng vận động chính trị để phục vụ mục tiêu kinh doanh, bất chấp bằng chứng khoa học về tác hại nghiêm trọng của amiăng tới sức khoẻ cộng đồng.
Tại Việt Nam, từ năm 2014, khi có sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông, quan điểm của Chính phủ về vấn đề amiăng trắng đã có bước chuyển tích cực.
Rõ nhất là chỉ thị của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Công văn 7307/VPCP-KGVX, ngày 19/9/2014 chỉ đạo Bộ Công thương “không phản đối” đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 Công ước Roterdam.
Tuy nhiên, để có thể tiến tới cấm amiăng trắng tại Việt Nam, vẫn là hành trình nan giải và còn rất nhiều việc phải làm.
“Việc đầu tiên là phải xây dựng được lộ trình cấm amiăng trắng vào năm 2020 theo đúng chỉ thị của Công văn 7307”, BS. Đỗ Thị Vân, giám đốc Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) cho biết.
Theo chỉ thị của Công văn 7307, Bộ xây dựng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Lộ trình cụ thể thực hiện mục tiêu dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020.
“Vấn đề là bao giờ Bộ Xây dựng có được lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp ở Việt Nam theo chỉ thị 7307?”, BS. Vân đưa ra quan ngại của mình.
Ngoài việc xây dựng lộ trình cấm amiăng trắng, việc xử lý các hậu quả do amiăng gây ra với môi trường và sức khỏe là điều các nhà khoa học quan tâm.
Tại nhiều quốc gia phát triển, amiăng trắng đã bị cấm từ lâu song những hậu quả mà chất độc này để lại vẫn rất nghiêm trọng và việc xử lý vô cùng tốn kém.
Tại Pháp, amiăng trắng bị cấm từ năm 1997, song theo số liệu của Hội đồng cao cấp về y tế công, mỗi năm, vẫn có thêm 2.200 trường hợp ung thư hàng năm được cho là do amiăng trắng gây ra. Ước tính, từ nay tới năm 2050, sẽ còn 68-100 ngàn người chết vì amiăng trắng.
Tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á, nơi sử dụng amiăng trắng nhiều nhất thế giới như Việt Nam, theo một nghiên cứu năm 2011 của Tạp chí Respirology của Hội châu Á Thái Bình Dương số người tử vong vì amiăng sẽ tăng cao trong 20 năm tới.
Trên thực tế, nếu dùng Amiăng trắng tới năm 2030, Việt Nam sẽ nhập khẩu hơn 1 triệu tấn Amiăng, với lượng Amiăng này, ít nhất Việt Nam sẽ có 6,600 ca ung thư trung biểu mô.
Những “nỗ lực” không mệt mỏi của Việt Nam
Trước khi COP7 diễn ra, Việt Nam là quốc gia nhận được rất nhiều sự quan tâm, chú ý từ cộng đồng quốc tế do Việt Nam là một trong số 7 quốc gia phản đối đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 tại COP6 (2013).
Theo TS. Trần Tuấn, tại hội nghị năm nay cũng xuất hiện nhóm vận động chống đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 của Công ước Roterdam đến từ Hiệp hội amiăng trắng quốc tế (IOA) và đại diện của các nước Nga, Ấn Độ, Brazil.
“Đáng nói, trong 22 thành viên nhóm này cũng có đại diện đến từ Việt Nam, và đặc biệt đại diện này đều đến từ Hiệp hội tấm lợp Việt Nam”, ông Tuấn thông tin.
Điều này một phần giải thích tại sao từ năm 2001, chính phủ Việt Nam đã đặt lộ trình cấm amiăng trắng vào năm 2004 nhưng sau đó liên tục bị đẩy lùi đến 2010, 2015, 2020 rồi mới đây Bộ Xây dựng còn đưa ra mốc đẩy lùi cấm amiăng trắng tới tận năm 2030, theo TS. Tuấn.
Tuy nhiên, tại hội nghị này, đoàn Việt Nam, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đó đã “không phản đối” đề nghị đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3, đây là một trong những bước tiến đáng kể của Việt Nam.
Liệu “giấc mơ” dừng sử dụng Amiăng trắng tại Việt Nam vào năm 2020 có trở thành hiện thực, điều này còn cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính Phủ cũng như các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội để xây dựng một Việt Nam “không Amiăng”, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.