Mưa bão đe dọa lưới điện
Ngày 9/10 vừa qua, sau một trận mưa lớn, hai trụ điện của đường dây 22 kV, thuộc địa phận xã Phước Bình, huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã bị ngã đổ vì đất đá sạt lở, làm mất điện gần 500 hộ dân. Ông Đỗ Nguyên Hưng – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, ngành điện đã tiến hành cô lập lưới điện để đảm bảo an toàn cho người dân trong vùng, đồng thời huy động lực lượng sửa chữa, khắc phục sự cố. Đến 17 giờ ngày 10/10 đã hoàn thành việc khắc phục sự cố và tái cấp điện cho người dân.
Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), từ đầu năm đến nay, do thời tiết diễn biến bất thường, mưa to, giông và lốc xoáy liên tục xuất hiện và gây sự cố đường dây 22 kV, nhất là vào các tháng 5 và từ tháng 8 trở lại đây. Riêng từ đầu tháng 9 đến nay, có hàng chục sự cố lưới điện 22 kV do mưa bão, sạt lở đất đá gây ra. Ngày 21/9, lốc xoáy đã làm ngã 4 trụ (16, 17, 18, 19) tuyến 472 Đầm Dơi (Cà Mau) gây sự cố mất điện trong thời gian 1 giờ 21 phút. Trước đó, ngày 17/9, gió lốc cuốn tấm bạt bay lên trụ 72K tuyến 481 Long Biên (Đồng Nai) gây sự cố mất điện 40 phút. Ngày 7/9, gió lốc cuốn dây kim tuyến bay lên trụ 474NH/126 tuyến 474 Ninh Hải (Ninh Thuận), gây sự cố mất điện gần 1 giờ 20 phút...
Ông Đỗ Nguyên Hưng cho biết, hàng năm ngành điện đã chủ động kiểm tra, rà soát lưới điện trên địa bàn, đặc biệt ở các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao và đã tiến hành xử lý, di dời các trụ điện để đảm bảo không sạt lở. Tuy nhiên, vẫn còn một số vị trí, đoạn đường dây không thể di dời vì trụ điện đi dọc theo đường giao thông có một bên vách núi, một bên là vực. Đường dây 22 kV, đoạn thuộc địa phận xã Phước Bình kể trên là một ví dụ. Vì vậy, nguy cơ sạt lở đất đá, uy hiếp sự an toàn lưới điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chủ động đề phòng, hạn chế thiệt hại
Ông Hồ Quang Ái - Phó Tổng giám đốc EVN SPC cho biết, ngay từ đầu năm, Tổng công ty đã có kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, cả về giải pháp quản lý lẫn kỹ thuật, để bảo vệ an toàn lưới điện, đặc biệt lưới điện cao áp. Các đơn vị trực thuộc EVN SPC đã triển khai thực hiện chương trình giảm sự cố lưới điện và củng cố hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) bằng nhiều giải pháp như: Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp các cấp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; phân công nhân viên quản lý và kiểm tra hàng lang lưới điện; phát quang cây xanh trong và ngoài hành lang; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm HLATLĐCA, xử lý biển quảng cáo, ăng ten ti vi… có nguy cơ ngã đổ vào lưới điện, vận động người dân chặt tỉa cây xanh ngoài hành lang; tuyên truyền về an toàn điện và bảo vệ công trình lưới điện cao áp,...
Tuy nhiên, theo ông Ái, hiện vẫn còn rất nhiều những tồn tại, bất cập khiến xác suất xảy ra sự cố do vi phạm HLATLĐCA rất cao. Một số tuyến đường dây 110kV đi qua khu vực trồng cây cao su xây dựng trước đây có khoảng cách pha đất (khoảng 7m) thấp hơn nhiều so với chiều cao cây cao su. Lưới điện 22kV đi qua khu vực đông dân cư, khu vực trồng nhiều cây xanh đa phần sử dụng dây trần. Một số vị trí đường dây cao áp giao chéo với đường bộ chưa bảo đảm khoảng tĩnh không theo quy định. Cáp thông tin, cáp viễn thông, lưới điện hạ áp khách hàng treo trên trụ điện lực (đặc biệt tại các vị trí vượt đường giao thông) chưa đảm bảo khoảng cách pha đất theo quy định.
Ngoài sự cố do thiên tai, sự cố và tai nạn điện do người dân gây ra cũng tăng đáng kể. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 12 sự cố lưới điện 110kV, tăng 9 vụ so với cùng kỳ năm 2015; lưới điện 22kV xảy ra 37 sự cố, tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2015 và gây ra 10 vụ tai nạn điện. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chặt cây ngoài hành lang; thả diều, bong bóng, kim tuyến; phương tiện giao thông và phương tiện thi công cơ giới va chạm vào dây, trụ điện; lắp đặt ăng-ten, giàn giáo, biển hiệu; xây dựng, cải tạo nhà, công trình…