Cũng có một số báo đưa tin vui về cô giáo không tay, nhưng lọt thỏm giữa biển thông tin áp đảo về nhóm nhạc và đám đông cuồng nhiệt kia. Chỉ là một lát cắt nhỏ giữa nhốn nháo đời sống đầy những trớ trêu, ngược ngạo này. Chính báo chí dù buộc phải chạy theo độc giả, cũng sẽ lúng túng với khái niệm "truyền cảm hứng", và hoang mang trước câu hỏi: Mối quan tâm thực sự của độc/khán giả giờ đây, là gì?
Viết bằng những ngón chân, bục giảng trên lớp học của cô giáo Lê Thị Thắm hẳn sẽ ngược lại với cách thức thông thường. Khác với lớp dạy tiếng Anh miễn phí của cô ở nhà trước đó. Có thể sẽ theo cách của thầy Nguyễn Ngọc Ký ngày trước, là viết bài lên tấm bảng nhỏ trên mặt đất rồi treo lên trước lớp.
Ig Nobel, giải Nobel "lộn ngược" dành cho những nghiên cứu ngớ ngẩn gây cười năm nào đó từng "vinh danh" hai nhà nghiên cứu người Nhật với công trình cúi gập người xuống, để nhìn sự vật qua… hai ống chân dang rộng, xem nhận thức có gì khác biệt không?! "Vinh danh" này cũng từng xướng tên một nhà khoa học người Anh tự sắm cho mình bộ vó dê, để đi lại bằng bốn chân, hòa nhập bầy đàn, ăn cỏ, uống nước cùng loài dê trên núi Alps trong vòng 3 ngày.
Claudio Vieira de Oliveira, năm nay 47 tuổi sống ở Monte Santo, bang Bahia (Brazil) mắc chứng bệnh hiếm gặp từ lúc chào đời, tứ chi co quắp, còn cái đầu thì bị lật ngược 180 độ ra phía sau so với người bình thường. Vậy nhưng ông không chỉ là một kế toán chuyên nghiệp, mà còn là diễn giả nổi tiếng. Dù nhìn thế giới theo chiều ngược lại một cách vật lý, nhưng tâm hồn và trái tim của người đàn ông ấy vẫn không hề sai lạc. Trong cuốn tự truyện Thế giới bị lộn ngược, Claudio viết "Ngay thời điểm này tôi không thấy mình có gì khác biệt. Tôi nhìn thế giới cũng giống như cách các bạn nhìn nó. Tôi không nhìn cuộc sống lộn ngược…"
Hôm nay 30/7 là Ngày quốc tế phòng chống nạn buôn người. Buôn bán người là một tội ác, nhưng đáng sợ hơn là những con người không bị bắt cóc hay buôn bán làm nô lệ cho ai cả - mà chính họ tự nguyện làm nô lệ cho công nghệ, mạng ảo, cho thói a dua, nô lệ cho thị hiếu đám đông, bầy đàn. Không bị bán sang tay từ người này sang kẻ khác, mà chính họ tự bán rẻ bản thể tốt đẹp trong chính con người mình.
"Xiềng xích nô lệ dù được kết bằng hoa hồng, sẽ không chỉ buộc chặt vào cơ thể mà còn đóng đinh vào tâm trí bạn", Jane Porter nữ văn sĩ nổi tiếng người Anh từ đầu thế kỷ 19 đã nói như vậy. Có thể hiểu đó cũng là xiềng xích trong những tâm hồn bị thao túng và sai lạc dưới vỏ bọc của tự do.