Mấy ngày nay, trước thềm kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và năm 5 thành lập TP Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư đã tổ chức “Lễ hội cố đô Hoa Lư”, để kỷ niệm ngày đặc biệt này.
Chặng đường 20 năm, kể từ ngày tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực, khẳng định vị thế và sức vươn lên của thành phố trẻ trên con đường hội nhập, phát triển.
Ngày 1-4-1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập, thị xã Ninh Bình trở lại vị trí trung tâm Chính trị, Kinh tế, Văn hoá - Xã hội và An ninh - Quốc phòng của tỉnh. Thị xã Ninh Bình lúc đó là một đô thị nhỏ với quy mô diện tích chỉ có 8,4 km2, dân số 5,1 vạn người, có 5 đơn vị hành chính (4 phường và 1 xã). Kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội vừa thiếu lại vừa thấp kém.
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Bí thư Thành ủy Ninh Bình cho biết: Tính từ 5 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 18,2%, riêng năm 2011 đạt 20,75%. Thu ngân sách tăng cao, hàng năm đóng góp 30-40% ngân sách tỉnh. Năm 1992 số thu chỉ đạt 2,5 tỷ đồng, năm 2007 (thời điểm thành lập thành phố) đạt 503 tỷ đồng, đến năm 2011 đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, hiện công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 50,19%, dịch vụ 48,61%, nông nghiệp chỉ còn 1,2%. Thành phố đã chủ động quy hoạch và từng bước triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 2 khu tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống.
Hiện Ninh Bình có trên 100 khách sạn và nhà hàng lớn, trong đó 18 khách sạn đã được xếp hạng, 500 doanh nghiệp và hơn 8.000 hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 29,5 triệu USD, tăng 14,5% so với năm 2010.
Thành phố Ninh Bình mạnh dạn xoá bỏ trên 1.000 lò vôi, xóa bỏ đóng gạch xỉ, gạch blốc và nghiền vôi trong khu dân cư, triển khai thực hiện có hiệu quả trên 140 dự án giải phóng mặt bằng, liên quan đến gần 20.000 hộ dân.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, trong thời gian tới sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường, tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, từng bước đáp ứng tiêu chí đô thị loại II. Phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh xây dựng quy hoạch mở rộng địa giới hành chính thành phố. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ bản.
Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nếp sống văn minh đô thị và phong cách ứng xử có văn hoá của người dân thành phố. Thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, phấn đấu đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng trở lên, hộ nghèo dưới 1%.