Những tư liệu hiếm ở một thư viện tư nhân

TP - Hồi đầu năm nay, được dự buổi ra mắt Chi nhánh Hà Nội của Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông (thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng làm GĐ Chi nhánh kiêm Tổng biên tập Tạp chí phương Đông); Lại cũng chứng kiến luôn lễ khai trương.

Trung tâm Tư liệu của Chi nhánh, tôi đã mạo muội (chứ chưa hẳn liều?) mà viết rằng, qua giới thiệu của tướng Hưởng, có cảm giác tầm vóc bề thế của một thư viện hữu dụng phong phú thiết thực sẽ hình thành trong một tương lai rất gần… Vậy mà thật. Tấm giấy mời dự Lễ khai trương Thư viện tư nhân Nguyễn Văn Hưởng (TVNVH) ngày 13/10 đương đặt trên bàn.

Một khoảng Thư viện Nguyễn Văn Hưởng

Giám đốc một thư viện tư nhân? Dường như tướng Hưởng đang làm sinh sắc thêm cái Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, một tổ chức phi chính phủ, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, được thành lập năm 2001. Đành một nhẽ, nhiều năm qua Viện đã tập hợp và huy động được sự tham gia của nhiều nhà khoa học và trí thức các thế hệ, có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu cũng như đề xuất các chính sách, giải pháp đối với Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Những tưởng chỉ dừng lại ở một Trung tâm tư liệu nay nâng cấp thành thư viện khiến Viện như được thay tấm áo đã quá chật?

Thượng tướng Hưởng, người chuyên lo tầm quốc sự về an ninh nhiều năm, một thời gian dài luôn xuất hiện trên các diễn đàn các cuộc họp trọng của quốc tế và trong nước bây giờ đương bày ra một cuộc chơi hơi bị hoành tráng?

Trước thời điểm khai trương thư viện, có dịp ghé tướng Hưởng ngõ hầu để tỏ tường thêm mục đích nâng cấp Trung tâm tư liệu thành thư viện tư nhân là có ý gì? Với lại cái thú mê sách cùng việc sẻ chia cái thú ấy với thiên hạ đã ấp ủ cùng phát lộ ra sao? Cũng rất nhanh, tôi nghe luôn niềm bộc bạch thẳng tưng rằng, do xuất phát từ đam mê nghiên cứu và tâm huyết đóng góp cho sự phát triển, trong nhiều năm qua ở các thời điểm chức tước này khác, ông đã dày công sưu tầm, thu thập các sách báo, thông tin tài liệu…

Tướng Hưởng có thú mê sách quý sách hay nhưng không phải dạng những sách da, sách kim, sách cũ của Tây, tàu… Và cũng nói luôn, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng chưa có những cuốn hiếm quý với tầm giá ngất ngưỡng cỡ hàng chục triệu USD như “Hiến pháp Hoa Kỳ” của George Washington, “The Canterbury Tales” (Chuyện kể ở Canterbury) của Geoffrey Chaucer – 11,1 triệu USD. “The Birds of America” của John James Audubon – 12,6 triệu USD vv…

TVNVH cũng không có những quý vật cỡ nhà sưu tập sách Nguyễn Tuấn Dũng ở Saigon đang sở hữu như bộ Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của (bản in lần đầu, có cả chữ ký của tác giả) Những Con rồng Việt Nam (Le Dragon D’Annam) có cả chữ ký và thủ bút của vua Bảo Đại vv…

Nhưng bù lại có thể tìm ở TVNVH, trong hơn 10.000 bản sách có hơn 8.000 sách, chuyên san, các ấn phẩm chủ yếu bằng tiếng Anh của các chính trị gia, các nhà sử học, các quan chức chính phủ và các tướng lĩnh quân đội Mỹ đã từng trực tiếp tham gia hoặc có quá trình nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam; hàng nghìn bản thảo, tài liệu biên dịch, các bản sao chụp tài liệu, luận án chưa được xuất bản viết về chiến tranh Việt Nam.

Rồi cơ man nào là tài liệu của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ như CIA, Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, các Cục lưu trữ An ninh Quốc gia, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, các trung tâm, viện nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á tại các trường đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ, Pháp, Anh Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga… đã được số hóa và đưa vào hệ thống lưu trữ của Thư viện (các tài liệu đã số hóa khoảng 10 triệu trang). Ngoài ra có khoảng hơn 2.500 bản đồ và địa chí Việt Nam và Đông Nam Á từ xưa đến nay ở dạng số hóa.

Chưa hết, còn hơn 1.000 phim ảnh tư liệu về Chiến tranh Việt Nam của các cơ quan truyền thông và cơ quan chính phủ Hoa Kỳ. Khoảng 200 CD ghi lại các bài hát quốc tế, đặc biệt các ca khúc phản đối chiến tranh khắp thế giới, bằng nhiều ngôn ngữ, và được trình bày bởi các ca sĩ, nhạc sĩ lừng danh. Thư viện cũng thu thập, tiếp nhận và trưng bày hàng trăm hiện vật là những tư trang, quân dụng và các đồ dùng, kỉ vật cá nhân của bộ đội, chiến sỹ và liệt sỹ của ta do cựu chiến binh Mỹ lấy được từ chiến trường Việt Nam mang về Mỹ.

Tướng Hưởng chia sẻ thêm về hoạt động sắp tới là sẽ sớm hợp đồng với các đối tác để phiên dịch, biên dịch các tài liệu, sách báo, phim tư liệu có giá trị để tạo điều kiện thuận lợi cho độc giả Việt Nam có thể tới thư viện tìm đọc, nghiên cứu.

Rồi TVNVH sẽ hợp tác với một số NXB xuất bản những cuốn sách tiếng Anh nổi tiếng đang có tại thư viện sang tiếng Việt. Và chú ý xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác với các thư viện trong và ngoài nước …

Nước mình có bao nhiêu thư viện tư nhân? Thống kê của Bộ Văn hóa hồi giữa năm nay cụ thể: 102 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, trong đó 71 thư viện tư nhân hoạt động như thư viện công cộng, 13 thư viện tư nhân chuyên ngành, 18 thư viện tư nhân với hình thức các thư viện của dòng họ, gia đình. Tổng số tài liệu trong các thư viện tư nhân là 519.150 bản, trung bình 4.944 bản/thư viện. Số người sử dụng thường xuyên tại thư viện tư nhân là 536.284 bạn đọc, trung bình 6.094 bạn đọc/thư viện/năm…

Thầm nghĩ, liệu TVNVH có lẽ sẽ là thư viện tư nhân hơi bị… kén người đọc? Nói kén không có ý TVNVH chỉ chọn, chỉ đón toàn những người đọc uyên bác, thông tuệ này khác. Kén chưa hẳn là sự cách trở, khuất nẻo. Như lộ trình của tôi chẳng hạn, từ bên quận Đống Đa, một chặng taxi dài dặc sang Khu đô thị bên kia sông Hồng có cái tên cũng dài thượt Vinhomes Riverside Long Biên Hà Nội… (TVNVH tọa lạc tại tầng 2, tòa nhà Almal Market, khu đô thị nói trên với mặt bằng rộng 500 m2), tiền xe cũng tròm trèm hai trăm ngàn. Mà là tôi đang nói đến hơn 8.000 đầu sách tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác đang đậu trên giá TVNVH. Mà người đọc mai kia đến đây, chưa phải tất tật đều thông làu ngoại ngữ?

Ngỏ ra cái băn khoăn ấy với nhà báo Trần Mai Hạnh hiện đương là phó cho tướng Hưởng (Phó TBT Tạp chí phương Đông) ông cười, cũng có thể! Nhưng nó là cái duyên là niềm đam mê thực sự của người nghiên cứu thực thụ và cả những bạn đọc tò mò thì biết làm thế nào? Duyên những ai có nhu cầu nghiên cứu tham khảo viết lách gì đó ra tấm món, lần cho được những tận bờ sát góc cùng những góc khuất của tư liệu của vấn đề thì sự cách trở có là cái gì? Và nếu nói có kén thì cũng phải thôi. Sách còn kén người đọc nữa là. TVNVH càng lựa chọn, sàng lọc người đọc một cách tự nhiên thì cũng là một trong những tiêu chí để bầu nên chất lượng và sự sang trọng trong mặt bằng thư viện tư nhân hiện nay!

Ngồi với ông GĐNXB Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, (hôm trước ông nhà văn GĐ này và một số tác giả, cây viết cộm cán khác đã dành mối thiện cảm đầu tiên cho TVNVH bằng việc mang tặng nhiều tác phẩm cho thư viện), được nghe ông bộc bạch sự cần thiết và có lý khi nhân viên, cộng tác viên NXB của ông đang bập vào việc chuyển ngữ những cuốn sách, tài liệu được coi là hot của TVNVH. Những thứ ấy có bán chạy hay không thì để bạn đọc và công luận thẩm định. Nhưng giúp bạn đọc phổ cập những thứ thông tin, tư liệu quý hiếm trong mặt bằng ngoại ngữ còn hạn chế thì là việc nên và cần làm không riêng chỗ ông mà của nhiều NXB khác.

Nguyễn Quang Thiều nói thêm, bản thân mình là người từng biết và viết cũng kha khá về Hannah Hà Nội (Hannah là tên lính Mỹ dùng để gọi Trịnh Thị Ngọ, phát thanh viên tiếng Anh của Đài TNVN biệt hiệu là Thu Hương, có giọng nói chuẩn xác ngọt ngào được binh sĩ Mỹ rất ưa thích! Hannah từng làm đảo lộn đời sống tinh thần của lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam). Nhưng tài liệu của nhiều cơ quan nghiên cứu của Hoa Kỳ về Hannah Trịnh Thị Ngọ hiện có ở thư viện này mới ngó qua Thiều có cảm giác như bị rôm đốt vì bao thứ lạ!

Rồi hàng mét tài liệu của CIA và nhiều lãnh địa khác đã được giải mật, hàng chục cuốn hồi ký của các nguyên thủ, những tay tổ cộm cán ở các địa hạt chính khách, văn chương và cả trộm cướp lừa đảo nữa đang chờ những ai người đọc có duyên tiếp cận? Tôi tin tầm cỡ ma mị về sức đọc của Nguyễn Quang Thiều khi ông thở dài có bơi có mò mẫm trên Internet cả ngày cũng chả thấy…

Có một thời gian cây viết Nguyễn Như Phong là thư ký tòa soạn cho Tạp chí phương Đông. Như Phong được tướng Hưởng phân công một thứ công việc như là thiện nguyện. Đó là lộ trình nối mạng, tìm tung tích nhiều kỷ vật chiến tranh mà quân đội Mỹ lấy từ chiến trường miền Nam đưa về Mỹ. Nay được hiện diện tại TVNVH này.

Kết quả ban đầu mà Như Phong thu được khá là thú vị và không kém phần ly kỳ! Xin khất bạn đọc vào một dịp khác. Cả những câu chuyện, những lộ trình nhiêu khê và may mắn cùng cái duyên những kỷ vật những tài liệu sách báo từ bên Hoa Kỳ đã theo tướng Hưởng về tọa lạc tại TVNVH này như thế nào…

Tôi đương mường tượng hiệu ứng sẽ như thế nào nếu TVNVH tiếp tục mở ra một hoạt động thiện nguyện tầm cỡ của việc truy tầm kỷ vật? Những tấm hình cùng hiện vật một thuở một thời máu lửa, trận mạc sẽ lần lượt xuất hiện trên Website của TVNVH chẳng hạn cùng những câu chuyện có hậu? Từ TVNVH những sự tử tế cùng lòng trắc ẩn sẽ kết nối, lây lan?

Sách chờ người đọc